Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân luồng học sinh sau trung học: Cấp thiết đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

HS lớp 9 trên địa bàn thành phố tìm hiểu về ngành CNTT trong Ngày hội hướng nghiệp do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức
Những năm gần đây, ngành GD-ĐT cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phân luồng học sinh (HS) sau trung học. Tuy nhiên, hiệu quả này còn thấp, sau khi học xong THCS, các em chủ yếu vào THPT và học lên các bậc CĐ, ĐH…
TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), khẳng định: “Công tác phổ cập giáo dục đã được cả nước thực hiện tốt nhưng chủ trương phân luồng cho HS sau THCS chưa thực hiện được; công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên chọn nghề còn yếu kém; tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề dẫn đến tình trạng mở quá nhiều trường ĐH thu hút đa số HS sau khi tốt nghiệp THCS vào THPT, HS tốt nghiệp THPT vào các trường CĐ, ĐH”.
Chạy đua vào ĐH, bỏ qua học nghề
Sau khi tốt nghiệp THCS, phần lớn HS lại tiếp tục học lên THPT, không phân luồng đi vào học nghề hoặc vào thị trường lao động. TS. Nguyễn Đắc Hưng cho rằng: “Kể từ năm học 2005-2006, chủ trương của Bộ GD-ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THCS, hầu hết HS học xong THCS đều vào THPT nên số HS THPT năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2010-2011 có 78,16% HS tốt nghiệp THCS vào THPT; đến năm học 2011-2012 tỷ lệ này là 80,36%. Trong khi đó, năm học 2010-2011, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào TCCN là 2,04%; đến năm học 2011-2012 giảm còn 1,88%”.
Có thể nói sau khi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ HS vào ĐH, CĐ lại có xu hướng tăng lên. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số HS vào học các trường ĐH, CĐ năm 2009 chỉ đạt 43,59%; đến năm 2012 tỷ lệ này tăng lên 61,26% (tăng 1,56 lần so với năm 2009).
Trong khi số lượng HS vào THPT, CĐ và ĐH tăng lên thì số HS theo con đường giáo dục chuyên nghiệp lại khá thấp. PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, phân tích: “Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS nhưng có 90-95% trong số này học tiếp THPT, nghĩa là chỉ có 5 đến 10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc ra xã hội làm lao động phổ thông. Tương tự, hàng năm có gần 1 triệu HS tốt nghiệp THPT và khoảng 80% tham gia thi ĐH, CĐ nhưng cũng chỉ có 10% học nghề; còn lại tham gia vào thị trường lao động. Mặc dù trên thực tế, số HS đỗ vào ĐH, CĐ chỉ khoảng 60%, nhưng số không đỗ cũng không vào trường nghề. Việc học nghề chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của HS khi không có cơ hội vào các bậc học khác”.
Hướng nghiệp ngay cả khi đang học nghề
Nhận thấy hiệu quả phân luồng còn thấp, 5 năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh công tác này và đạt được những hiệu quả nhất định, đặc biệt là phân luồng HS sau THCS. Cụ thể, năm học 2009-2010, số HS sau THCS có hộ khẩu tại TP.HCM vào học TCCN có hơn 5.000 em, sang năm học 2010-2011 có hơn 6.000 em; đến năm học 2011-2012 có hơn 8.000 em.
Để đạt hiệu quả này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành giáo dục TP.HCM đã có nhiều đổi mới như tăng cường hợp tác quốc tế và gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, công tác phân luồng triển khai đến từng quận/huyện… Chẳng hạn, quận 6 đã thực hiện xã hội hóa công tác phân luồng, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng giáo dục khác…; quận 8 phân công UBND các phường theo dõi và đến tận nhà vận động tất cả HS không vào lớp 10 THPT vào học tại trung tâm GDTX và TCCN; quận Phú Nhuận khuyến khích HS vào học chuyên nghiệp, học nghề được hỗ trợ 50 đến 100% học phí…”.
Mặc dù đã có những hiệu quả nhất định nhưng tỷ lệ phân luồng ở TP.HCM vẫn còn thấp so với mục tiêu phấn đấu của ngành là đến năm 2020 có 30% HS sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp; 50% HS nghỉ, bỏ học ở THPT và 60% HS tốt nghiệp THPT vào hệ thống này. Một trong những lý do dẫn đến điều này, theo ông Phạm Ngọc Thanh: “Cơ sở chính sách phân luồng chưa đầy đủ, giáo dục nghề nghiệp chưa thu hút nhiều HS do cơ sở vật chất, chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động… Vì vậy, ngành GD-ĐT cần phải có nhiều biện pháp đổi mới hơn nữa trong công tác phân luồng”.
Thực tế, không chỉ hiệu quả phân luồng còn thấp mà ngay cả HS đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nghỉ, bỏ học giữa chừng để luyện thi ĐH, CĐ hoặc tham gia thị trường lao động. “Số HS hao hụt tại các trường TCCN và dạy nghề (hệ TC nghề) thường chiếm tỷ lệ từ 40 đến 50%, trong đó năm đầu của khóa học khoảng 30 đến 40%; các năm sau khoảng 10%. Vì vậy, giáo dục hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở THCS và THPT mà còn phải tiếp tục và thường xuyên cho HS khi theo học hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần ổn định tư tưởng, thúc đẩy động cơ học tập của các em; qua đó giảm tỷ lệ nghỉ, bỏ học giữa chừng”, TS. Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết.
Bài, ảnh: Minh Châu
Thực tế, không chỉ hiệu quả phân luồng còn thấp mà ngay cả HS đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nghỉ, bỏ học giữa chừng để luyện thi ĐH, CĐ hoặc tham gia thị trường lao động.
 

Bình luận (0)