Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

28 năm “cắm bản” ở Kreng

Tạp Chí Giáo Dục

Bạn tôi – một giáo viên “cắm bản” bảo rằng, tính đến lễ bế giảng này, cô giáo Nguyễn Thị Bình ở điểm trường Kreng (Trường Tiểu học số 2 Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã có thâm niên “cắm bản” 28 năm. Ngầy ấy thời gian, cô dâng cả thanh xuân đời người cho học trò thiệt thòi ở rẻo cao này, trở thành một hộ dân đặc biệt của bản làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây!

28 năm nay, cô Nguyễn Thị Bình lặng lẽ “cắm bản” đem con chữ đến cho trò nghèo ở Hướng Hiệp

Tôi tần ngần đứng trước sân trường ngập nước sau trận mưa rào bất chợt của núi rừng tháng 5. Không gian rặt tiếng ve ngân khiến tôi liên tưởng đến những căn phòng khóa kín của những ngày hè, đâu đó ở những miền quê. Bất chợt, tiếng chào vang lên cuối dãy phòng học, bóng một cô giáo tóc điểm sương bước ra. 11 năm trôi qua, cô giáo Bình “cắm bản” dạy học và ăn ở sinh hoạt ở trong chính ngôi trường này. Trường là nhà, cô trở thành “chủ hộ” bất đắc dĩ!

28 năm “cắm bản”

Sinh ra và lớn lên ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Năm 1988, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đông Hà, cô nhận quyết định về giảng dạy tại Trường Tiểu học Hướng Hiệp (trước đây thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, nay là một xã của huyện Đakrông). Nơi đầu tiên cô đến là điểm lẻ bản Hà Bạc. Cái ngày về với Hà Bạc, hẳn khó quên trong tâm khảm. Lúc đó xe cộ đi lại khó khăn. Sau khi lên chuyến xe đò từ quê vào Đông Hà, cô đổi chuyến khác ngược lên trung tâm huyện Hướng Hóa, vào Phòng GD-ĐT huyện trình diện, nhận quyết định rồi ngược về xã Hướng Hiệp. Bản Hà Bạc hiện dần ra trước mắt cô với con đường mòn luồn qua lau lách, những mái nhà sàn đơn sơ, điểm trường học cũng đơn sơ bằng tre nứa lá, bàn học làm từ những thanh tre lồ ô đập dập… Cảm xúc đầu tiên của người giáo sinh trẻ căng tràn nhiệt huyết lúc ấy chỉ gói gọn trong mấy từ: Buồn và lạ lẫm! Điểm trường có thêm hai đồng nghiệp khác là cô Hương và cô Năm. Ba chị em tựa vào nhau, đỡ đần nhau vượt khó. Vừa dạy chữ, vừa tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của bà con, học tiếng đồng bào để hỗ trợ học sinh trong những giờ học vì các em chưa thạo tiếng Kinh, cũng vừa để có vốn từ ngữ đi vận động phụ huynh cho con em đến trường.  “Lúc đó, mỗi khi có dịp ra trung tâm, về phố thì mua lương thực, cá khô, muối, nước mắm… Đôi khi cải thiện bằng cách hái rau rừng, bắt ốc suối. Bà con quý cô giáo, đi rẫy về có bó rau, củ sắn cũng mang đến biếu. Cứ thế cuộc sống trôi qua trong sự đùm bọc của bà con dân bản”, cô bộc bạch.

“Cắm bản” ở Hà Bạc được 4 năm, năm học 1992-1993, hoàn cảnh con nhỏ, cô được về Trường Tiểu học Tân Long, có nhà trẻ. Một năm sau đó, cô lại quay về Hà Bạc. Đến năm 2006, cô về điểm lẻ bản Kreng (cũng xã Hướng Hiệp). 29 năm dạy học thì hết 28 năm bám điểm lẻ, cô nhẩm tính. Gian khó nhiều, kỉ niệm không ít. “Nhớ nhất là một lần khi đang dạy học ở bản Hà Bạc, tôi bị ốm suốt một tuần không gượng dậy được, đường sá khó khăn, bà con dân bản đến đưa lên võng, khiêng ra trạm quân y của Tổng kho 764 đóng ngoài đường Chín. Tấm lòng bà con dành cho mình trong những lúc như vậy cảm động lắm”.

Tận tụy và nhiệt huyết. Cô nói: “Cắm bản ở vùng cao, trước hết mình phải tạo niềm tin cho phụ huynh và học trò tin bằng tình cảm chân thành, gần gũi, nhẹ nhàng. Từ đó việc vận động trẻ đến lớp dễ dàng hơn, trò chăm học và ngoan hơn”. Ngoài giờ lên lớp, cô kèm cặp thêm cho học sinh yếu vào cả thứ bảy, chủ nhật. Trò nhà gần thì cơm tối xong tự đến trường, trò ở xa, cô dặn phụ huynh đưa đến. Cứ thế cô lặng thầm gieo chữ, không đòi trả công. Nhờ đó, nhiều năm nay, trò của cô qua lớp 1 đã thông thạo con tính, mặt chữ, tỷ lệ khá luôn đạt cao so với mặt bằng chung ở các điểm lẻ thuộc các xã miền núi khó khăn.

Thanh xuân gửi lại

Cô dẫn tôi về căn phòng nhỏ cuối dãy phòng học. Phòng không có gì nhiều, ngoài chiếc giường gỗ rộng tầm 1m làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ dạy; tấm chăn mỏng gấp nếp gọn gàng; chiếc tủ đựng hồ sơ, sổ điểm; bàn soạn giáo án cũng là nơi tiếp khách và chiếc ti vi vừa hỏng. Cô nói: “Năm nào cũng vậy, bế giảng xong, trò nghỉ hè, cô tiếp tục ở lại hoàn thiện sách sổ xong mới được nghỉ. Trường vắng nhưng thi thoảng trò vẫn ghé thăm nên cũng đỡ buồn hẳn”. Cũng nhờ tiếng trò, mà bao nhiêu năm nay, cô đủ động lực để ở lại.

Dạy lớp 1, nhưng hè học sinh lớp khác đến hỏi bài tập, cô vẫn chỉ cho các em

Hôm tôi đến, cô bảo, đang chuẩn bị đi dự lễ cưới một người trong bản. “Ở đây bà con xem mình là một hộ dân. Có việc gì họ tìm mời. Những việc như ma chay thì mình tự đến. Lúc bão lụt, biết mình sống một thân một mình, bà con luôn hỏi thăm, giúp đỡ khi cần”, cô nói. Ở Hướng Hiệp, nhiều lớp học trò của cô nay thành cán bộ xã, giáo viên, nhiều người là phụ huynh của con trẻ, mang con đến nhờ cô dạy chữ. Cô cười mãn nguyện: “Cuộc sống dù khó nghèo nhưng nghe tiếng chào của trò cũ, lòng lại thấy rộn ràng niềm vui!”.

Tôi tần ngần không dám hỏi chuyện riêng tư. Như hiểu được ý khách, cô ngừng giây lát, châm thêm nước lá, giọng trầm buồn: “Ai cũng muốn sống trong quây quần niềm vui gia đình, nghe tiếng cười con trẻ. Nhưng vì hoàn cảnh buộc phải “một kiểng hai quê”. Hai đứa con cô nhờ bà ngoại chăm sóc. Mỗi năm đôi ba lần cô về thăm con, thăm chồng rồi tất bật trở lại với trường lớp. Bấm đốt ngón tay, 52 tuổi, ở cái tuổi cận kề nghỉ hưu, cô mới bắt đầu tính chuyện dựng một căn nhà nhỏ ở quê chồng để đợi ngày sum họp. Nhìn cô lẩm nhẩm tính những thứ cần cho cuộc sống sau khi có nhà mới, tôi ngộ ra rằng, 28 năm thanh xuân gửi lại với mưa rừng, gió núi, một mình lặng lẽ chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời gian, những con chữ được cầm nắm, nắn nót qua bàn tay của những người thầy cô giáo đang ngày đêm “cắm bản” như cô càng đáng trân quý biết bao. Cũng đơn giản như cô từng định nghĩa: “Chỉ cần trò thông thạo con tính, đọc rành mặt chữ đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)