Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chương trình tiếng Anh tích hợp – Một chương trình, nhiều đầu ra

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-6, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức họp báo về triển khai đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” từ năm học 2014 – 2015. Theo đó, chương trình mới – tiếng Anh tích hợp, sẽ thay thế chương trình tiếng Anh Cambridge.

Đảm bảo quyền lợi học sinh

Trong 4 năm qua, TPHCM đã có 27 trường tiểu học, THCS triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge với tổng số 4.800 học sinh theo học. Vì sao chương trình tiếng Anh Cambridge đang vận hành hiệu quả lại dừng một cách đột ngột? Việc ngưng tuyển sinh học sinh mới có ảnh hưởng đến quyền lợi của các học sinh đang theo học? Chương trình tiếng Anh tích hợp mới có ưu điểm gì, có triển khai đại trà hay chỉ thí điểm?… Đó là những câu hỏi mà báo chí đặt ra tại buổi họp báo.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, giải thích rằng chương trình tiếng Anh Cambridge được triển khai thí điểm từ năm 2008 và do mang tính thí điểm nên đến lúc phải dừng để đánh giá mặc dù được đông đảo phụ huynh tin tưởng. Hơn nữa, bản quyền của ĐH Cambridge có yêu cầu, quy định nghiêm ngặt về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên lẫn nội dung chương trình (các trường không thể can dự) nên về lâu dài không thể phụ thuộc vào họ.

Tuy không tiếp tục tuyển sinh chương trình tiếng Anh Cambridge từ năm học này, nhưng chương trình vẫn duy trì đến hết năm 2018, đảm bảo quyền lợi cho những học sinh đang theo học và lấy chứng chỉ của CIE (Hội đồng khảo thí Cambridge). Riêng những học sinh chuyển cấp – từ lớp 5 lên lớp 6 bậc THCS sẽ được Sở GD-ĐT TP bàn bạc với các quận để tính toán lộ trình – sắp xếp cho các em học tiếp chương trình Cambridge hoặc chuyển qua chương trình tích hợp nếu có nguyện vọng.

Đề cập đến chương trình tiếng Anh tích hợp, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định đây là một chương trình tiên tiến, do hai Bộ GD-ĐT Việt Nam và Anh hợp tác, xây dựng, tích hợp; vừa đảm bảo yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài loại bỏ kiến thức trùng lắp, học sinh không phải học lại nội dung đã học, chương trình tích hợp giúp các em nắm bắt kiến thức chuẩn của các môn Toán, Khoa học thông qua ngôn ngữ học thuật tiếng Anh.

Chương trình tích hợp có thể mở rộng quy mô, áp dụng với tất cả các đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của các trường phổ thông tại TPHCM. Hơn nữa, các trường được tăng thêm quyền giám sát về chuyên môn, chất lượng đào tạo. Thông qua các bài thi cuối cấp do STA cung cấp, năng lực trình độ của học sinh được đánh giá theo chuẩn giáo dục của Anh với 3 môn học.

Bên cạnh đó, chương trình còn đáp ứng chuẩn đầu ra của các hệ thống khảo thí uy tín trên thế giới và phù hợp với nhu cầu đa dạng về học tập, phát triển nghề nghiệp của người học. Tuy học một chương trình nhưng học sinh có nhiều lựa chọn ở đầu ra (lấy chứng chỉ của các hội đồng khảo thí toàn cầu) chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào CIE Cambridge.

Mới chỉ thí điểm

Trả lời một số câu hỏi băn khoăn của phóng viên xung quanh việc chọn lựa, thẩm định chất lượng chương trình tiếng Anh tích hợp nêu trên, ông Sơn nói: “Chương trình này được chuẩn bị cách nay 3 năm, được các phòng chuyên môn thẩm định kỹ. Đến thời điểm chín muồi – thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM mới tiến hành triển khai nhằm mở rộng cơ hội dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn cho các trường phổ thông”.

Theo ông Sơn, quan điểm chọn đối tác thực hiện chương trình này có giải pháp tốt, đảm bảo chất lượng, uy tín, kể cả nước ngoài. Và EMG Education được sở chọn lựa là do đơn vị này có uy tín, có nguồn giáo viên bản ngữ đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu EMG hay bất kỳ đối tác nào không đảm bảo tiêu chí chất lượng, uy tín thì sở cũng sẽ mời đối tác khác thay thế.

Cũng theo ông Sơn, chương trình tích hợp này thực hiện theo lộ trình dài hơi nhưng trước mắt vẫn áp dụng thí điểm. Tùy theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh, các trường sẽ triển khai, chứ chưa làm đại trà. Mức học phí của chương trình tương đương như học chương trình tiếng Anh Cambridge (150 USD/tháng). Sở sẽ có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên người Việt dạy tiếng Anh thay thế dần giáo viên bản ngữ để giảm bớt chi phí cho học sinh.

KHÁNH BÌNH (SGGP)

Bình luận (0)