“Chuyển đổi số giáo dục” là từ khóa được TP.HCM nhắc đến xuyên suốt trong năm 2022 với nhiều mục tiêu và hành động cụ thể. Chuyển đổi số đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho giáo dục TP song hành trình thực hiện TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những chia sẻ về bức tranh chuyển đổi số giáo dục tại TP.HCM.
Nhiều kỳ vọng
+ Phóng viên: Nhìn lại năm 2022, ông đánh giá công tác chuyển đổi số giáo dục TP.HCM đã đạt được những hiệu quả gì? Kết quả này tác động thế nào đến chất lượng giáo dục TP, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện TP còn nhiều hạn chế về đội ngũ, cơ sở vật chất trường lớp…?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu: Năm 2022, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành Quyết định kế hoạch triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của ngành GD-ĐT TP.HCM giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.
Từ quyết định trên, 100% đơn vị giáo dục đã được triển khai hệ thống quản lý trường học được liên thông với cơ sở dữ liệu dùng chung của sở và của Bộ GD-ĐT. Hệ thống quản lý tập trung của Sở GD-ĐT cũng đã được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý theo Đề án 06 để xác thực định danh hướng tới việc triển khai thống nhất định danh số cho toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên của ngành.
Để phục vụ cho người dân tốt hơn, Sở GD-ĐT TP cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công khai bản đồ số của ngành giáo dục cho người dân có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin của các cơ sở giáo dục một cách trực quan. Bản đồ số này định hướng là công cụ nền tảng cho công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh theo khoảng cách địa lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh đi đến trường.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu (ngoài cùng bên trái) cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (ở giữa) tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là một chương trình giáo dục tiên tiến, hướng đến năng lực của học sinh và giáo dục khai phóng. Trong điều kiện còn khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất, công nghệ được TP.HCM xem là giải pháp hiệu quả để xây dựng một môi trường học tập thông minh, giúp giải quyết nhiều khó khăn của TP như việc thiếu giáo viên; cung cấp những cơ hội được tiếp cận những kiến thức mới và phương pháp học tập tiên tiến cho tất cả mọi người trong xã hội.
Đặc biệt, mức độ đô thị hóa và mật độ dân số TP.HCM thuộc hạng cao nhất trong khu vực, gây khó khăn trong việc mở rộng không gian vật lý cũng như xây dựng cơ sở vật chất đủ đáp ứng cho hoạt động giáo dục thì các nền tảng số kỳ vọng là không gian học tập tiên tiến với phạm vi mở rộng vô hạn.
Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi đã bước đầu xây dựng kho học liệu mở và các hệ thống quản lý học tập để thực hiện việc chuyển đổi số trong phương pháp tổ chức hoạt động dạy học.
Thay đổi tư duy là khó khăn lớn nhất
+ Từ thực tế triển khai, theo ông chuyển đổi số giáo dục tại TP.HCM còn gặp những hạn chế, khó khăn nào?
– Khó khăn lớn nhất là vấn đề thay đổi tư duy của những bên tham gia trong hoạt động này vì đây là một quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức. Sự thay đổi nhận thức này không những từ những người trong ngành giáo dục mà còn cần sự thấu hiểu, ủng hộ của xã hội, của doanh nghiệp và của phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, nguồn vốn nhân lực, tài lực, vật lực cũng đang có nhiều hạn chế. Để thực hiện chuyển đổi số cần phải có những đầu tư cho các nền tảng công nghệ, chi phí để đào tạo giáo viên, cán bộ công nhân viên để tất cả đạt được một chuẩn kiến thức về CNTT nhất định. Cuối cùng là cơ sở hạ tầng vẫn còn chưa có sự đầu tư phù hợp và đồng bộ.
Mô hình lớp học ảo được TP.HCM triển khai hiệu quả qua việc ứng dụng chuyển đổi số
+ Nhiều giáo viên cho rằng chuyển đổi số đang tạo thêm việc cho họ khi đổi mới giáo dục, tức là vừa phải trực tiếp, vừa phải đưa lên môi trường số… Nhìn nhận của ông về quan điểm này như thế nào?
– Nhận định này của một số giáo viên không hoàn toàn sai vì thực tế còn một số nơi thực hiện việc chuyển đổi số một cách cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế công tác dẫn tới tình trạng tạo thêm việc cho giáo viên. Ngoài ra, yếu tố khách quan là còn nhiều hệ thống bị trùng lặp về nghiệp vụ, dữ liệu, gây khó khăn cho người trực tiếp thao tác.
Một ngộ nhận phổ biến gần đây là giáo viên cho rằng học trực tuyến là mở một phòng hội thoại trên các hệ thống họp trực tuyến và tất cả giáo viên, học sinh cùng vào phòng hội thoại đó cùng lúc. Đây không phải là hình thức tổ chức dạy học trên nền tảng số theo định hướng của bộ và sở, hình thức này không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho người học lẫn người dạy, thậm chí tạo thêm cho người học và người dạy những ngộ nhận về chuyển đổi số.
Công nghệ chỉ là công cụ
+ Rõ ràng, con người quyết định nhiều trong chuyển đổi số chứ không phải phụ thuộc vào công nghệ. Từ những hạn chế trên về công tác chuyển đổi số, TP.HCM sẽ có những giải pháp gì?
-Trong tháng 11-2022, Sở GD-ĐT TP đã rà soát lại toàn bộ các hệ thống được triển khai dưới đơn vị, đánh giá mức độ cần thiết và những yếu tố trùng lặp gây tốn công hoặc khó khăn cho người sử dụng. Trong quý 1-2023 sẽ đưa ra mô hình tham chiếu nghiệp vụ, mô hình tham chiếu ứng dụng và mô hình tham chiếu dữ liệu làm căn cứ để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm có những điều chỉnh phù hợp cũng như là định hướng cho đơn vị khi lựa chọn phải chuyển đổi số.
TP.HCM luôn quan niệm công nghệ chỉ là công cụ, việc chuyển đổi số có thành công hay không quyết định là ở đội ngũ thầy cô toàn ngành. Vì vậy trong năm tiếp theo, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, tạo ra nhiều cuộc thi, hội thi, sân chơi trong lĩnh vực này để các thầy cô giáo biểu diễn năng lực, khả năng sáng tạo của mình. Khi mọi người cùng thấu hiểu mục đích chung này và có những năng lực cần thiết, tôi tin rằng việc chuyển đổi số sẽ được thực hiện một cách căn cơ và mang lại hiệu quả.
+ Trong năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm những đột phá nào về chuyển đổi số giáo dục? TP.HCM kỳ vọng gì về những đột phá này?
– Bên cạnh việc thay đổi tư duy và nâng cao năng lực số đội ngũ trong ngành, trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu cho những nội dung sau:
Xây dựng, phát triển và khai thác kho tài nguyên học liệu mở, chia sẻ với các nền tảng dạy học trực tuyến và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người dân. Xây dựng lộ trình cụ thể cả về chính sách lẫn công nghệ để có được dữ liệu lớn.
Tập trung phát triển các giải pháp tích hợp, kết nối dữ liệu nhằm xây dựng nhà kho dữ liệu gốc của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ cơ sở dữ liệu của nhiều hệ thống nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu rời rạc, thiếu tập trung. Hoàn thiện nền tảng trục thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục, kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia, địa phương; tất cả cơ sở giáo dục triển khai dạy học, quản lý nhà trường trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Xây dựng các hệ thống phân tích, thống kê, báo cáo làm căn cứ để ra quyết định điều hành cho các cấp quản lý.
Bước đầu ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý kết quả học tập để tận dụng khả năng đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu của công nghệ này.
Xây dựng môi trường học tập số được áp dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng hoạt động học tập của học sinh với nguồn học liệu số phong phú. Big Data và AI sẽ xây dựng được một môi trường học tập hướng đối tượng, gắn bó chặt chẽ với điều kiện đặc thù và nhu cầu riêng của từng cá nhân người học.
+ Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)