Thí sinh xem lại đề thi môn văn sau giờ thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013. Ảnh: M.Tâm
|
Năm nay, cấu trúc đề thi dự kiến sẽ gồm hai phần lớn: Đọc hiểu (2 điểm) và Làm văn (8 điểm). Phần Làm văn sẽ gồm hai câu hỏi: Nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Như vậy, thực chất đề thi vẫn là 3 câu hỏi với số điểm quy định như trước. Nhưng điểm mới là ở câu 2 điểm (phần Đọc hiểu) và câu 5 điểm (phần Làm văn).
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các thí sinh cần chú ý vấn đề ngữ liệu ở phần Đọc hiểu. Khác với mọi năm chỉ gồm một câu hỏi, năm nay phần này sẽ bao gồm 2-3 câu hỏi nhỏ. Tín hiệu vui chính là ngữ liệu trong kỳ thi ĐH sẽ được đưa ra trong đề thi chứ không “ẩn” như các năm trước. Mặc dù có khá nhiều áp lực khi đối diện với vấn đề này (vì không chắc ngữ liệu lấy ở nguồn nào, ngoài chương trình hay trong chương trình), nhưng vẫn có cách ôn tập hiệu quả. Thứ nhất: Hình dung các kiểu/ dạng câu hỏi có thể gặp; thứ hai: Hãy làm “một công đôi việc” khi tiến hành ôn tập các tác phẩm, tức là xác định vừa ôn tập để làm văn vừa là để dành cho việc trả lời câu Đọc hiểu.
Với ngữ liệu là nằm ngoài chương trình, thí sinh chú ý các câu hỏi như xác định phong cách chức năng ngôn ngữ; nội dung văn bản; chú ý câu hỏi về lập luận (nếu là văn bản thuộc phong cách chính luận). Với ngữ liệu là các đoạn trích nằm trong chương trình thuộc phong cách nghệ thuật – bao gồm các bài học chính thức và học thêm, các em cần chú ý các dạng câu hỏi như: Xác định tên tác phẩm, tên tác giả, xuất xứ, vị trí đoạn trích (có lẽ chỉ hỏi với những văn bản là bài học chính thức); nội dung của đoạn trích; xác định các yếu tố nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của các yếu tố nghệ thuật ấy…
Ví dụ 1: “Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi tờ mờ. Ở đây người ta thấy chiếu lúc xế trưa và gặp đêm thì bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say. Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng hắn đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!”.
Câu hỏi: Đoạn trích trên thuộc tác phẩm nào? Của tác giả nào? Khắc họa Chí Phèo ở chặng nào của cuộc đời nhân vật? (0,5đ); Cho biết ý nghĩa của những âm thanh mà Chí Phèo nghe được và việc Chí Phèo nghe được những âm thanh ấy (1đ); Nhận xét về ngôn ngữ trần thuật trong đoạn trích trên (0,5đ).
Ví dụ 2:
Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về. (Trích Đất nước – Nguyễn Đình Thi).
Câu hỏi: Cho biết nội dung của đoạn thơ trên (1đ); Đoạn thơ trên có sử dụng những yếu tố nghệ thuật độc đáo nào? Tác dụng của các yếu tố nghệ thuật ấy trong việc thể hiện nội dung? (1đ).
Về câu 5 điểm: Mọi năm, thí sinh vẫn được chọn 1 trong 2 phần (dành cho chương trình cơ bản và nâng cao). Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ theo tinh thần kỳ thi tốt nghiệp THPT (tức là không được chọn). Những dạng đề bài rất mới đối với kỳ thi ĐH có thể sẽ xuất hiện (như đề bài có thể bao gồm cả thơ và văn xuôi). Vậy nếu xảy ra khả năng này, các em cần sẵn sàng chủ động về kiến thức, kỹ năng. Thứ nhất, chú ý dạng đề bài bao gồm một nhận định rồi yêu cầu chứng minh (bằng một tác phẩm thơ, một tác phẩm văn xuôi). Thứ hai, dạng đề kết hợp giữa thơ, văn xuôi (có thể khai thác hoặc nội dung hoặc nghệ thuật của hai đoạn trích thơ, văn xuôi).
Ví dụ 1: “Trên các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã được đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sắc sỡ (…). Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. (Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2010).
Ví dụ 2: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể/ Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ. (Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2010).
Hỏi: Anh chị cảm nhận như thế nào về nghệ thuật biểu đạt của hai đoạn trích trên?…
Triệu Thị Huệ (GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Bình luận (0)