Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gương sáng học đường: Cô sinh viên Nùng từng ngày vượt khó

Tạp Chí Giáo Dục

Nông Thị Hà Phương tham gia Cuộc thi “Ai là  luật sư giỏi nhất?” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức
Gia cảnh của em Nông Thị Hà Phương, người dân tộc Nùng (sinh viên năm 3 ngành Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM) rất khó khăn, bấp bênh. Hai chữ “làm thuê” kiếm tiền trang trải cuộc sống đã gắn bó với Phương từ khi lên 10 tuổi.
Nghị lực của cô gái trẻ
Nhà Phương nằm sâu trong thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gan, tỉnh Đắk Lắk. Từ trung tâm xã, để đến được nhà em phải đi bộ mất 2 giờ, và đó cũng là con đường đến trường của em mỗi ngày. Lòng ham học và vượt khó khiến Phương không nhụt chí.
Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa với người đàn ông cộc cằn, thô lỗ nên mỗi ngày với Phương là nỗi ám ảnh khủng khiếp. “Lúc nào em cũng chỉ nghe câu chửi mắng của bố dượng: Mày nghỉ học đi làm mà kiếm tiền nuôi thân”, Phương ngậm ngùi chia sẻ. Vì thế, lúc nhỏ em đã phải nếm trải những khó khăn – mỗi ngày một buổi đi học, một buổi cùng mẹ và em trai đi chăn bò thuê để kiếm tiền mua sách vở.
Ý thức được chuyện “không gì khổ bằng thiếu cái chữ” nên dù có khó khăn, thiếu thốn em cũng chấp nhận và cố gắng đi làm kiếm tiền để học lấy cái chữ. Khổ cực, vất vả là thế nhưng năm học nào cô học trò người dân tộc Nùng cũng đạt thành tích tốt trong học tập.
Để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH năm 2011, không như bao bạn bè khác được tập trung ôn thi, được gia đình chăm sóc, Phương phải tìm việc làm thêm kiếm tiền đi thi. Và 500 ngàn đồng là số tiền chi phí cho những ngày đi thi ĐH ở TP.HCM của em năm đó. Trong thời gian chờ kết quả, em ở lại thành phố tiếp tục đi làm thuê. Ngày có giấy báo đậu ĐH, bố dượng lạnh lùng nói: “Đậu ĐH thì tự lo mà kiếm tiền học”, còn mẹ thì chỉ biết im lặng. Phương nói: “Em vui thì ít mà lo lắng thì nhiều, bởi số tiền 3 triệu đồng em tích góp được trong thời gian làm thêm không đáng bao nhiêu, vì tiền đóng học phí trong ngày nhập học hết 2,6 triệu đồng, trên tay chỉ còn 400 ngàn đồng liệu có đủ để trang trải khi sống ở Sài Gòn với mọi thứ đều đắt đỏ?”. 
Hành trình đầy chông gai
Trong 3 năm học ĐH, Phương phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền tự nuôi bản thân. Bên cạnh đó em cũng chi tiêu dè xẻn để gửi về cho gia đình. “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo được vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên nên mỗi học kỳ nhà trường gửi giấy xác nhận về địa phương để gia đình nhận tiền. Nhưng số tiền này chẳng bao giờ đến tay em, vì ở nhà túng thiếu quá nên bố mẹ đã giữ lại để trang trải cuộc sống. Coi như số tiền này em phụ bố dượng lo thuốc thang cho mẹ em chữa bệnh viêm gan B và ung thư dạ dày”,  Phương bộc bạch. 
Hết khó khăn này đến khó khăn khác, vừa rồi bệnh viện đã kết luận em gái của Phương là Nông Thị Kiều Trang bị u gan và sơ gan (do di truyền từ mẹ). Kiều Trang phải tạm thời nghỉ học để chữa bệnh. Trước tình cảnh đó, bố dượng cứ giục Phương nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Những đau buồn ập đến khiến em nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ. “Điều em lo lắng nhất là sắp bước vào năm 4, chương trình học nặng hơn và em phải đi học cả ngày nên chẳng biết tìm công việc làm thêm nào cho phù hợp, để có thể kiếm thêm tiền giúp mẹ và em gái chữa bệnh. Em sợ không đủ sức để xoay xở”, Phương bày tỏ. Lê Thu Thảo, bạn học cùng lớp với Phương, cho biết: “Do gia đình khó khăn không thể chu cấp tiền ăn học nên ngay từ khi mới vào năm 1, Phương đã đi làm thêm. Nhưng kết quả học tập của bạn ấy khá tốt. Trong các năm học Phương đều đủ điểm để xét học bổng nhưng do bạn phải đi làm thêm, không tham gia được các hoạt động của lớp, của trường nên không đủ điều kiện để nhận học bổng”…
Có thể nói, dù hoàn cảnh còn nhiều chông gai nhưng Phương vẫn luôn nỗ lực để bước tiếp. Chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực không mệt mỏi thì trong tương lai, cuộc sống của em sẽ được bù đắp, tươi sáng hơn.
Hồng Trúc – Như Thuyên
Lúc nhỏ em đã phải nếm trải những khó khăn – mỗi ngày một buổi đi học, một buổi cùng mẹ và em trai đi chăn bò thuê để kiếm tiền mua sách vở. 
 

Bình luận (0)