Phụ huynh cần chủ động gần gũi để kịp thời nắm bắt những biến động về tâm sinh lý của trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: IT
|
4 tuổi, trẻ đã biết hỏi về bản thân mình và nguồn gốc sinh ra của loài người. Từ thời điểm đó, trẻ đã bắt đầu tò mò và bắt chước theo những gì “tai nghe mắt thấy” về giới tính.
Đó là một thực tế thường xảy ra trong đời sống của trẻ nhỏ ngày nay.
Trẻ đang lớn nhanh hơn
Một ngày, chị Việt Hà ở quận Gò Vấp (TP.HCM) không khỏi lúng túng khi cô con gái đang học lớp lá hỏi: “Bao cao su là gì hả mẹ?”. Phải mất vài giây để trấn tĩnh, chị mới hẹn con dịp khác trả lời với hi vọng thời gian sẽ giúp con quên câu hỏi đó. Thế nhưng, thỉnh thoảng con gái nhắc lại câu hỏi đó khiến chị cứ phải nói lảng sang chuyện khác, thậm chí chồng chị còn mắng con để không tò mò về vấn đề tế nhị này nữa.
Trên thực tế, những trường hợp “dở khóc dở cười” như chị Việt Hà không phải là hiếm gặp. Cuộc sống vật chất, khoa học kỹ thuật phát triển, trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới “người lớn” và đang lớn nhanh hơn về mặt tâm sinh lý. Theo các nhà tâm lý học, 4 tuổi, trẻ đã biết hỏi ba mẹ về sự ra đời của bản thân mình. Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ sẽ thắc mắc khi thấy cảnh “âu yếm” của các loài động vật hay hình ảnh “nóng” của người lớn trên ti vi… Đứng trước những vấn đề tế nhị này, các bậc phụ huynh thường chọn lựa nhiều giải pháp khác nhau. Có người cười xòa rồi nói lảng sang chuyện khác, có người hẹn con khi lớn hơn sẽ trả lời. Thậm chí có không ít người làm ngơ hoặc mắng con mà quên mất rằng trước đây họ cũng đã từng có một tuổi thơ với đầy rẫy những tò mò như thế. Chỉ khác rằng, con trẻ ngày nay đã biết vượt qua rào cản, mạnh dạn hỏi thẳng những vấn đề mình băn khoăn bằng tất cả sự hồn nhiên và gần gũi.
Không nên né tránh
Phụ huynh nên lưu ý chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện, có thể là lúc đang xem phim, lúc đi ra ngoài; tuyệt đối không nói chuyện trong giờ ăn cơm, hay lúc con đang ôn thi căng thẳng bởi điều này dễ khiến trẻ không thoải mái, mất tập trung vào chuyện học hành.
|
Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt), phụ huynh không nên né tránh, càng không nên quát mắng hay ngăn cản khi con bắt đầu hỏi về giới tính. Thế giới công nghệ đang phát triển từng ngày, càng ngăn cản thì trẻ càng tò mò và tự tìm hiểu trên internet hay những loại văn hóa phẩm đồi trụy. Vô tình, phụ huynh đã đẩy con mình đi xa, tìm hiểu những kiến thức lệch lạc quá sâu so với nhu cầu thực tế ban đầu của trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên chủ động gần gũi để tìm hiểu và kịp thời nắm bắt những biến động về tâm sinh lý, những thay đổi về giới tính. Tùy vào từng độ tuổi, phụ huynh sẽ có những cách xử trí khác nhau. Đối với lứa tuổi nhi đồng (từ 3-6 tuổi), hầu hết những thắc mắc của trẻ đơn thuần chỉ là những tò mò nhất thời, thấy gì, nghe gì thì hỏi nấy chứ chưa hề có khái niệm hay nhu cầu rõ ràng về những điều đó. Phụ huynh có thể giải thích bằng một câu chuyện mang tính thần thoại, cổ tích kiểu như “con được một bà tiên mang đến và đặt vào bụng mẹ, sau đó được sinh ra sau 9 tháng 10 ngày”. Khi biết sự ra đời của mình mang yếu tố diệu kỳ như vậy, trẻ sẽ thích thú và hỏi sang những chuyện thần tiên khác. Với những đứa trẻ bắt chước theo hành động của người lớn, phụ huynh không nên khuyến khích, cổ động lặp lại hành động này. Thay vào đó, phụ huynh nên khuyên nhủ và giải thích cho trẻ hiểu đó là hành động chưa được phép, kiểu như “ôm hôn người khác sẽ dễ bị lây bệnh”, “con ôm hôn bạn đó, lỡ ba mẹ bạn biết được sẽ la rầy con”… Cả nhà cũng nên thống nhất một kênh truyền hình mang tính giải trí, giáo dục lành mạnh để tránh những tình huống “khó đỡ”.
Riêng đối với lứa tuổi bắt đầu có sự phân biệt nhận thức, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự cho rằng phụ huynh không thể giải thích hay trả lời theo hướng tương tự. Thay vào đó, phụ huynh nên chủ động xem trẻ hiểu vấn đề đó tới đâu để kịp thời giải thích, đính chính lại. Để tạo sự tự tin và gần gũi, phụ huynh không nên tiết kiệm lời khen khi con mình dám bày tỏ sự thật. Chính những lời khen đó sẽ khiến trẻ mở lòng ra và tâm sự nhiều hơn với ba mẹ không chỉ về những chuyện trong đời sống hằng ngày, kể cả những chuyện khó nói sau này. Nếu ngại, phụ huynh có thể tặng cho con mình những cuốn sách, tài liệu nói về sự phát triển giới tính hoặc có thể gửi thư/ghi chú về vấn đề trẻ đã hỏi. Ở lứa tuổi này, phụ huynh cũng nên chủ động nói chuyện, quan sát con mình nhiều hơn để kịp thời phát hiện những dao động đầu đời, những biến động đầu tiên về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì để từ đó định hướng sự phát triển, tránh để trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an. Những lời gợi mở dựa vào kinh nghiệm bản thân kiểu như: “Ngày xưa ba/mẹ (…) thế này, con có như vậy không?”, “Ở lớp con có bạn nam nào cầm tay bạn nữ chưa? Con nghĩ sao về chuyện đó?” sẽ tạo cảm giác gần gũi, giúp trẻ dễ mở lòng để tâm sự cùng ba mẹ…
Linh Vy
Trẻ dễ sốc khi gặp “cảnh nóng”
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự cho biết mình từng gặp một trường hợp trẻ sang chấn tâm lý do được xem trực tiếp “cảnh nóng” của ba mẹ. Em bị trầm cảm và thu mình suốt mấy tháng sau khi xem cảnh đó. Ở lứa tuổi 8-12 tuổi, trẻ rất dễ bị sốc khi bắt gặp “cảnh nóng” từ người lớn. Vì thế, phụ huynh nên hết sức cẩn thận, hạn chế tối đa để con tiếp xúc với những tình huống tương tự, ảnh hưởng đến nhận thức và sự phát triển của trẻ sau này.
|
Bình luận (0)