Ông Thái Văn Tâm giới thiệu các hoạt động của lực lượng TNXP trước đây
|
Ở tuổi mười tám, đôi mươi, dấu chân của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã in đậm trên chiến trường, công nông trường, biên giới và hải đảo.
Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP, chúng tôi đã tìm gặp lại những cựu TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ TNXP sau 1975. Ký ức thời tuổi trẻ oanh liệt của mấy chục năm trước lại được hiện về trong nước mắt và nụ cười.
Ký ức tuổi trẻ
Nhiều cựu TNXP trong kháng chiến nay đã vào cái tuổi nhớ nhớ quên quên nhưng khi nhắc đến ký ức một thời, họ như được trở về với thời tuổi trẻ xông pha, xem cái chết như một giấc ngủ sâu.
Nằm trên chiếc giường gỗ đã sờn màu thời gian, thấy chúng tôi đến nhà, bà Nguyễn Thị Hậu (82 tuổi ở Q.8, TP.HCM), cựu TNXP Trường Sơn, nhẹ nhàng nói: “Hôm qua cậu gọi điện cho tôi đấy à? Mừng lắm, cậu vừa gọi điện xong là có mấy cháu thế hệ TNXP sau giải phóng đến thăm”. Bà chỉ tay lên bàn thờ, nói tiếp: “Có quà nữa chứ”. Rồi giọng bà chùng xuống, nghẹn ngào: “Anh chị em TNXP Trường Sơn đông lắm nhưng lần lượt ra đi hết rồi. Chỉ trong vòng 5 tháng mà có 3 người đã mất. Tội nghiệp, những năm tháng gian khổ có nhau nhưng khi nhắm mắt, mình không còn đủ sức khỏe để đến thắp nén hương tiễn biệt”. Bà nheo mắt, đọc đầy đủ họ tên và nói rõ về tính tình của từng người.
Những ngày đào đá đắp đường Trường Sơn, bà Hậu từng chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng nằm xuống, bao lần bà chẳng nhớ rõ, trừ những người được bà ôm vào lòng, nghe những lời nhắn gửi về với gia đình trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nắm đất rải vội tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ, giọt nước mắt tiếc thương của hơn 60 năm trước nay lại chực trào, có điều nước mắt bây giờ không còn nhiều. Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi và bà Hậu bị đứt quãng nhiều lần, chẳng phải xúc động hay trí nhớ không liền mạch qua các chuỗi sự kiện mà vì chốc chốc người con gái út của bà chen ngang, ý muốn buổi trò chuyện phải kết thúc sớm. Trước đó, người này đã cẩn thận dặn chúng tôi: “Em hỏi ít thôi, thông cảm vì sức khỏe bà yếu, thêm chứng đau tim nặng, bác sĩ căn dặn tránh xúc động”…
Khi đất nước im tiếng súng, lực lượng TNXP tiếp tục giữ vững khí khái, truyền thống lao động và chiến đấu, quyết tâm xây dựng đất nước đẹp giàu. Lực lượng TNXP ngày càng vững mạnh và phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đưa hài cốt của TNXP về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM (ảnh tư liệu Hội Cựu TNXP TP.HCM cung cấp)
|
Tại TP.HCM, lực lượng TNXP ra đời ngày 28-3-1976, là lực lượng xung kích trên các công, nông trường, biên giới… Màu áo TNXP và dấu chân họ đã đi qua mọi nẻo đường, ở những nơi điều kiện sống khắc nghiệt nhất.
Nông trường Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) những năm đầu sau giải phóng đã trở thành quê hương thứ hai, nơi nuôi dưỡng tinh thần cống hiến, sáng tạo của nhiều thanh niên nam nữ. Một trong những người có mặt sớm ở nông trường Lê Minh Xuân là ông Thái Văn Tâm (phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Từ tháng 9 đến tháng 11-1975, ông Tâm tham gia lực lượng TNXP xây dựng cuộc sống mới ở Long Nguyên 1, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), sau đó về công tác ở Thành đoàn TP.HCM. Lúc bấy giờ, ông Tâm chỉ mới 15 tuổi. Cũng như bao thế hệ TNXP ở các mặt trận, cuộc sống lao động gian khổ nhưng ông không chùn bước. Ngày thành lập lực lượng TNXP TP.HCM, ông lại tình nguyện đi nông trường Lê Minh Xuân. Tuổi 16, ông đã là Đại đội phó chính trị thuộc Liên đội 11. Ông Tâm kể: “Cuộc sống gian khổ nhưng với một tinh thần lao động hăng say, TNXP chẳng ngại những công việc đắp đập ngăn đê, vận tải…”. Tháng 8-1978, TNXP TP.HCM thành lập Tổng đội 3 biên giới. Và tại đây, trong số 26 TNXP của nông trường Lê Minh Xuân đã có đến 24 người (16 nữ và 8 nam) vĩnh viễn nằm xuống trong một đêm tàn sát của chế độ diệt chủng Pol Pot.
Niềm kiêu hãnh của TNXP
Bài thơ Những bông hoa trên tuyến lửa của nhà thơ Đỗ Trung Quân (cựu TNXP) đã phần nào nói lên niềm kiêu hãnh và tinh thần lạc quan của những cô gái TNXP cáng thương tải đạn. Bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc càng làm nức lòng người nghe. Với nhà thơ Đỗ Trung Quân, nữ TNXP là những bông hoa nở giữa chiến trường: “Ở giữa rừng đâu có gương soi? Làm sao em thấy được vết bầm trên má. Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã, vì mùa mưa nào đã chịu dứt ở đây? Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay đã hỏi thăm em người cáng thương đêm trước… Em là người thanh niên xung phong không có súng chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm. Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công. Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công… Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá… cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường. Ôi những bông hoa nở giữa chiến trường”…
“Thời kỳ đó, tiêu chuẩn của người dân TP.HCM là 9kg lương thực/người/tháng; trong đó gồm 3kg gạo và 6kg độn. Tại nông trường Lê Minh Xuân, tiêu chuẩn của một TNXP lao động nặng là 24kg lương thực/người/tháng. Tiêu chuẩn này sau đó giảm xuống còn 20kg, bao gồm 6kg gạo và 14kg độn”, cựu TNXP Thái Văn Tâm cho biết.
|
Môi trường sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, lá phổi xanh của TP.HCM có được như ngày hôm nay không thể không nhắc đến lực lượng TNXP ngày đêm bám chốt bảo vệ rừng phòng hộ. Mang tiếng là sống ở một đô thị lớn, sầm uất bậc nhất của Việt Nam nhưng cuộc sống của những gia đình TNXP ở đây cực kỳ khó khăn. Chốt bảo vệ nằm heo hút giữa rừng sâu, cách khu dân cư hàng chục kilômét cũng là tổ ấm của họ. Tiếp nối truyền thống của thế hệ TNXP những ngày đầu thành lập, màu áo xanh thân thiện tô điểm thêm cho một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình với các hoạt động tham gia điều tiết giao thông, giữ gìn an ninh trật tự trên các tuyến đường, chung tay xây dựng cuộc sống mới…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Lăn lộn qua nhiều chiến trường
Ông Đỗ Xuân Đại, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Q.1, cho biết hiện hội có trên 50 cựu TNXP của hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ sinh hoạt. Hầu hết trong số họ tuổi đã già, sức yếu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ đã có nhiều năm tham gia TNXP ở các mặt trận từ khi tuổi còn rất trẻ… “Hiện vẫn còn một số ít người chưa được giải quyết chế độ chính sách. Hội đang nỗ lực, cố gắng thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình, xứng đáng là điểm tựa của cựu TNXP”, ông Đại nói. Trong công cuộc đấu tranh và giải phóng đất nước, nhiều TNXP đã hy sinh ở cái tuổi còn rất trẻ. Tấm lòng dũng cảm của họ như tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho đồng đội, cho thế hệ TNXP sau này trong công cuộc xây dựng và kiến tạo đất nước.
|
Bình luận (0)