Giới chức Triều Tiên được cho là đã tiết lộ một năng lực chưa được biết đến trước đây trong kho vũ khí tên lửa của nước này khi công bố một loạt hình ảnh về những cuộc phóng tên lửa đạn đạo gần đây.
Cuối tuần trước, truyền thông CHDCND Triều Tiên đã công bố một loạt hình ảnh về những cuộc phóng tên lửa đạn đạo nước này đã thực hiện từ ngày 25.9 đến ngày 9.10, trong đó có cả cuộc phóng tên lửa bay ngang qua Nhật Bản vào ngày 4.10. Qua loạt hình này, Bình Nhưỡng đã tiết lộ một năng lực chưa được biết đến trước đây trong kho vũ khí tên lửa của Triều Tiên. Đó là khả năng dùng bệ phóng ngầm dưới lòng hồ để phóng tên lửa đạn đạo được thiết kế để phóng từ tàu ngầm, theo chuyên trang The Drive.
Một tên lửa được phóng tại một vị trí không được xác định ở Triều Tiên, ảnh do KCNA công bố ngày 10.10.. REUTERS
Hai chi tiết đáng chú ý
Theo một bản tin từ Hãng thông tấn KCNA kèm theo các bức ảnh, cuộc phóng tên lửa từ hồ được tiến hành vào ngày 25.9. Loại tên lửa được phóng dường như không được nêu tên trong bản tin, nhưng các bức ảnh rõ ràng cho thấy đó là một ví dụ về một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm ngắn mà Triều Tiên đã công bố lần đầu tiên vào tháng 10.2021, theo The Drive.
“Vào rạng sáng 25.9, một cuộc diễn tập mô phỏng phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật đã được tiến hành tại bãi phóng dưới nước trong một hồ chứa ở phía tây bắc Triều Tiên. Cuộc diễn tập nhằm xác nhận trình tự hoạt động nhanh chóng và an toàn trong quá trình lấy, trang bị và sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật, kiểm tra độ tin cậy của hệ thống tác chiến và làm chủ hệ thống thực hành khả năng phóng tên lửa đạn đạo tại bãi phóng dưới nước và kiểm tra khả năng phản ứng nhanh”, KCNA viết.
“Tên lửa đạn đạo chiến thuật được khai hỏa đã bay lên không trung vào mục tiêu cố định ở [vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản]…và độ tin cậy của việc kích nổ đầu đạn ở độ cao cố định đã được xác nhận. Việc định hướng xây dựng bãi phóng dưới nước trong hồ chứa cũng đã được xác nhận thông qua cuộc diễn tập này”, KCNA viết tiếp.
Một bức ảnh do KCNA công bố ngày 10.10 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một cuộc phóng tên lửa tại một vị trí không được xác định. AFP
Hai chi tiết từ bản tin trên của KCNA đáng chú ý. Thứ nhất là tuyên bố chính thức rằng tên lửa đó được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân “chiến thuật”. Kích thước của tên lửa đó cho thấy rằng loại đầu đạn hạt nhân này sẽ phải tương đối nhỏ, bổ sung thêm bằng chứng trước đây về khả năng sản xuất đầu đạn có kích thước nhỏ của Triều Tiên, theo The Drive.
Ngoài ra, ngôn ngữ mà KCNA sử dụng để mô tả cuộc phóng tên lửa ngày 25.9 cho thấy hệ thống phóng dưới đáy hồ ít nhất được thiết kế để trở thành một hệ thống vũ khí thật sự, chứ không chỉ là một hệ thống dành cho thử nghiệm. Cách mà bản tin nói về các cuộc phóng tên lửa khác cũng cho thấy các cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng tác chiến, hoặc khả năng tác chiến đang nhắm tới, chứ không phải là các cuộc thử nghiệm cho việc phát triển vũ khí. Tất cả những điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức ở Triều Tiên, những người đã nhiều lần nói rõ rằng họ không có ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và đang muốn được đối xử như mọi cường quốc hạt nhân khác.
Gây thêm phức tạp cho kế hoạch chiến tranh Hàn-Mỹ?
Xét theo chính sách răn đe truyền thống, khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân dưới đáy hồ chắc chắn có ý nghĩa nhất định, theo The Drive. Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng sản xuất các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo dưới nước cho mục đích thử nghiệm và sẽ không khó để thấy những thiết kế đó có thể được tận dụng cho việc tạo ra một hệ thống phóng thực tế.
Những bệ phóng dưới nước nói trên có thể rất khó bị phát hiện, tùy thuộc vào độ sâu của hồ cũng như thành phần của nước. Mặc dù Triều Tiên không có nhiều hồ lớn có thể phù hợp cho việc lắp đặt các bệ phóng dưới nước, nhưng đối thủ có thể vẫn phải dành nguồn lực đáng kể để xác định xem hồ nào chứa tên lửa, theo The Drive.
Hơn nữa, nếu các hệ thống phóng đó cơ động, các lực lượng Triều Tiên có thể di chuyển chúng khi cần thiết, làm phức tạp thêm quá trình dò tìm mục tiêu của đối phương. Tình trạng này có thể gây ra khó khăn rất lớn cho các lực lượng đối phương đang cố gắng tìm ra mục tiêu để tấn công và vô hiệu hóa chúng.
Do đó, ngay cả với khả năng tình báo, giám sát và trinh sát tốt, đối thủ có thể cảm thấy buộc phải tấn công tất cả các vị trí mục tiêu tiềm tàng để đảm bảo tiêu diệt các tên lửa hoàn toàn. Tùy thuộc vào độ sâu của bệ phóng, có thể phải cần các loại đạn chuyên dụng để diệt mục tiêu.
Khả năng phóng tên lửa từ đáy hồ là một nỗ lực rất thiết thực của Triều Tiên nhằm phát triển một dạng khả năng răn đe tấn công thứ hai bằng cách sử dụng các nguồn lực sẵn có. Khả năng này cũng sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót đáng kể và thực sự có thể làm phức tạp thêm một kế hoạch chiến tranh thông thường cho quân đội Mỹ và Hàn Quốc, theo The Drive.
Theo Văn Khoa/TNO
Bình luận (0)