Theo đánh giá, hệ thống các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chất lượng giáo dục phát triển. Tuy nhiên, học phí là một vấn đề mà phụ huynh có mức thu nhập trung bình cần phải lưu ý
|
Hiện nay, TP.HCM có hơn 100 trường tư thục và trung tâm GDTX. Mỗi năm, hệ thống này đón nhận hàng ngàn học sinh vào học lớp 10, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Năm học 2014-2015, các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM (khoảng 85 trường) sẽ tuyển hơn 20 ngàn học sinh vào lớp 10. Như vậy, khoảng 8 ngàn học sinh không vào được lớp 10 công lập năm nay sẽ dễ dàng tìm được chỗ học ở hệ thống này. Trong khi đó, năm nay các trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố cũng tuyển hơn 9 ngàn chỉ tiêu vào lớp 10.
Về vấn đề chất lượng đào tạo của hệ thống trường tư thục trên địa bàn thành phố, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Nếu chất lượng của các trường tư thục không ổn thì TP.HCM khó có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hay vào các trường CĐ, ĐH hàng năm khá cao. Vì thế, không thể phủ nhận những đóng góp của các trường tư thục đối với chất lượng giáo dục của thành phố. Tuy nhiên, muốn chọn một trường tư thục tốt cho con em mình, phụ huynh nên tìm hiểu thực tế kỹ hơn.
Ở khía cạnh khác, ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) chia sẻ: “Học ở trung tâm GDTX, các em sẽ được học ít môn hơn so với học sinh tại các trường THPT. Đây là một trong những lợi thế để các em có thời gian tập trung vào những môn học chính, đặc biệt là các môn thi CĐ, ĐH…”.
“Nếu chất lượng của các trường tư thục không ổn thì TP.HCM khó có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hay vào các trường CĐ, ĐH hàng năm khá cao”, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nói. |
Những năm gần đây, nhiều trung tâm GDTX quận/huyện có tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp trên 80% như Trung tâm GDTX Q.Gò Vấp, Q.Thủ Đức, Q.Phú Nhuận, Q.3… Thầy Lê Ngọc Khái, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Gò Vấp, cho biết: “Năm học 2013-2014, tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp của trung tâm là 89% (tăng 5% so với năm học trước). Học ở hệ này, các em có được những lợi thế như: Giảm bớt thời lượng học, thay vì học 30 tiết/tuần như các trường THPT thì học ở trung tâm GDTX chỉ 15 tiết/tuần; bởi các em chỉ học 7 môn chính là toán, lý, hóa, văn, sử, địa và sinh. Hơn nữa, chương trình ở trung tâm GDTX không dạy nâng cao mà chỉ dạy những kiến thức cơ bản nên học viên trung bình sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức. Ngoài ra, nhiều trung tâm còn liên kết với các trường TCCN, CĐ, ĐH dạy nghề cho học viên để sau khi học xong lớp 12, các em vừa được thi tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề để học liên thông lên CĐ, ĐH…”.
Về vấn đề học phí, trong năm học 2013-2014, mỗi tháng một học sinh ở trường THPT chỉ đóng khoảng 75 ngàn đồng hoặc 90 ngàn đồng (tùy theo khu vực); riêng năm học 2014-2015, các em đóng 100 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó tại các trường tư thục, mức học phí luôn cao gấp 4-5 lần so với hệ công lập. Ngoài ra còn có khoản phí nội trú hoặc bán trú. Đây là một trong những vấn đề mà các phụ huynh có thu nhập ở mức trung bình cần lưu ý trước khi lựa chọn cho con vào trường tư thục.
Về vấn đề này, một số hiệu trưởng giải thích: Năm nào, các trường tư thục cũng tăng 10% phí bán trú và nội trú để bù vào vật giá đang leo thang. Có như vậy trường mới tiếp tục hoạt động được.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)