Anh Hùng (trái) và Quốc Vi bên hệ thống lọc nước thủ công của mình
|
Các nguyên liệu vỏ chai nước ngọt (nhựa), xơ dừa, cát, sỏi, than hoạt tính là những thứ vô dụng nếu tồn tại độc lập và dễ dàng bị bỏ đi. Tuy nhiên, bằng tư duy nhạy bén cộng với tính sáng tạo, hai sinh viên Trương Quốc Vi và Nguyễn Anh Hùng (học ngành quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đã kết hợp chúng theo cơ chế nhất định để cho ra một hệ thống lọc nước hiệu quả, có giá thành rất rẻ.
Đơn giản, hiệu quả
Hệ thống lọc nước thủ công này gồm 4 chai nhựa trong suốt có dung tích 1,5 lít và dây lọc, xơ dừa, cát, sỏi, than hoạt tính. Chai đầu chứa nước cần lọc đặt ở vị trí cao nhất. Chai thứ hai chứa xơ dừa, đặt thấp hơn chai đầu 5cm. Chai thứ ba chứa cát, sỏi, than hoạt tính đặt thấp hơn chai thứ nhất 25cm và thấp hơn chai thứ hai 20cm. Chai cuối cùng đặt ở vị trí thấp nhất để chứa nước sạch sau khi lọc. Tất cả thông với nhau bằng hệ thống dây lọc, đặt trên giá đỡ bằng gỗ hoặc sắt. Nguyên lý hoạt động khá đơn giản, nước bẩn khi được cho vào chai trên cùng, dưới tác dụng của trọng lực khiến nước chảy vào chai lọc thứ hai. Tại đây nước bẩn sẽ từ từ đi lên qua lớp lọc xơ dừa, các kim loại nặng được lọc và bị giữ lại. Khi nước sạch đổ về chai thứ ba, các loại vụn hữu cơ, chất gây nhiễm bẩn bị giữ lại bởi cát, sỏi. Riêng than hoạt tính sẽ khử mùi hôi, chất độc hại. Và sản phẩm cuối cùng đổ về chai thứ tư. Nước được lọc ra có thể dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo Quốc Vi, việc lựa chọn xơ dừa, cát, sỏi, than hoạt tính để lọc nước rất hữu dụng bởi đây là những nguyên liệu đã được các nhà khoa học kiểm chứng và không khó tìm nguyên liệu này trong cuộc sống. Bình chứa nước có thể tận dụng từ chai nhựa trong đã qua sử dụng. Quốc Vi cho biết thêm, điểm nổi bật của hệ thống này là sử dụng xơ dừa. Theo đó, nước đi qua lớp xơ dừa một cách chậm rãi sẽ giúp nó đạt độ sạch theo yêu cầu. Đặc biệt xơ dừa có khả năng hấp thụ các kim loại nặng nên việc sử dụng nguyên liệu này để lọc sẽ giúp thành phần BOD (ôxy sinh hóa) giảm đến 99%. Đây là lượng ôxy cần thiết để vi khuẩn sử dụng phân hủy chất hữu cơ dưới điều kiện hiếu khí. BOD càng cao thì chứng tỏ mức độ ô nhiễm càng nặng. Bên cạnh đó, mục đích của việc sử dụng chai nhựa trong suốt là bởi khi đặt hệ thống này ở nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng mặt trời thì quá trình diệt khuẩn luôn xảy ra. Trong thời gian 4 đến 5 giờ, dưới tác động của các tia bức xạ, vi sinh vật gây bệnh bị tiêu diệt đến 98%, nước được lọc đạt hiệu quả hơn.
Không khó để sở hữu
Ý tưởng thực hiện hệ thống lọc nước này của Quốc Vi và Anh Hùng khá thú vị. Quốc Vi quê ở miền Tây, còn Anh Hùng quê ở miền Trung, vì thế ngay từ nhỏ hai bạn thường xuyên trải qua cảnh lũ lụt, chứng kiến tình trạng ngập úng khiến nguồn nước nhiễm bẩn, mất vệ sinh. Hoàn cảnh này đã đẩy người dân vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt thường xuyên, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị hệ thống lọc nước bày bán trên thị trường. Mặt khác, vốn theo học ngành quản lý môi trường đã mang đến cho hai bạn những kiến thức cơ bản nhất định về vấn đề này, vì lẽ đó việc bắt tay vào thực hiện ý tưởng như một kế hoạch đã có sẵn.
Anh Hùng cho biết: “Khi ở trong hoàn cảnh thiếu nước sạch mới thấy cuộc sống khó khăn nhường nào. Nguy hiểm hơn khi nguồn nước nhiễm bẩn chính là nguyên nhân lây lan nhiều bệnh tật về đường tiêu hóa. Vì thế đó là động lực lớn giúp chúng em quyết tâm thực hiện ý tưởng”.
Để công việc được hiệu quả, Quốc Vi chịu trách nhiệm thiết kế nguyên lý, làm mô hình còn Anh Hùng chịu trách nhiệm chuẩn bị nguyên vật liệu. Bước đầu thực hiện, hai bạn gặp không ít khó khăn trong việc tìm ra giải pháp thực hiện ý tưởng vì thiếu kinh nghiệm. Và trong quá trình làm, một vài lần do không hiểu nhau nên hai bạn không tránh khỏi mâu thuẫn về giải pháp. Vì thế nhiều lần thử nghiệm đến khâu cuối cùng nhưng vẫn phải bỏ đi vì nước lọc ra vẫn đục, chưa trong như mong muốn.
Khi ở trong hoàn cảnh thiếu nước sạch mới thấy cuộc sống khó khăn nhường nào. Nguy hiểm hơn khi nguồn nước nhiễm bẩn chính là nguyên nhân lây lan nhiều bệnh tật về đường tiêu hóa.
|
Tuy nhiên những thất bại này đã không làm nản chí Quốc Vi và Anh Hùng. Ngược lại, hai bạn đã tìm hiểu lấy cơ chế hoạt động đang thử nghiệm đem so sánh với cơ chế hoạt động của các hệ thống lọc nước trên thị trường tìm ra hạn chế để khắc phục. Với sự nỗ lực không ngừng, hệ thống lọc nước cuối cùng cũng hoàn chỉnh sau 3 tháng mày mò.
Trước kết quả này, Quốc Vi và Anh Hùng không giấu được vui mừng, hạnh phúc. Nơi được lựa chọn thử nghiệm đầu tiên không đâu xa lạ, đó chính là gia đình của hai bạn. Chất lượng nước sau lọc được đánh giá tốt, đảm bảo vệ sinh. Từ đó một số hộ dân trong vùng cũng sử dụng hệ thống lọc nước này nhằm lấy nước sạch phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Chia sẻ niềm vui, Anh Hùng nói: “Chúng em rất vui vì ít nhất ý tưởng của mình đã thành công, đạt được mục đích. Đặc biệt kinh phí đầu tư cho hệ thống lọc nước này không đắt, chỉ ở mức 10 đến 20 ngàn đồng trong khi thời gian sử dụng lên đến… 6 tháng. Điều kiện này rất hợp với túi tiền của người dân các vùng nông thôn ở Việt Nam”. Anh Hùng chia sẻ thêm, hai bạn không bán sản phẩm mà chỉ mong muốn nhiều gia đình biết đến và sử dụng. Ngoài ra, hai bạn cũng sẵn sàng hướng dẫn chi tiết về nguyên lý, quy trình hoạt động để mỗi người dân đều có thể tự chế tạo.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Tại cuộc thi Thiết kế mô hình sản phẩm tái chế 2013 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, hệ thống lọc nước giá rẻ của Quốc Vi và Anh Hùng đã lọt vào vòng chung kết và được Ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn. |
Bình luận (0)