Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muốn thành công cần có đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Tân thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng – Huỳnh Thị Mỹ Linh
Đó là chia sẻ của em Huỳnh Thị Mỹ Linh (cựu học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Quảng Nam), thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2014 (ngành kiến trúc) với tổng điểm là 36. 
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Huỳnh Bá Hy và bà Võ Thị Mãi ở thôn Quảng Lăng 2 (xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn) những ngày này tấp nập bà con lối xóm đến chia vui. Niềm vui em Huỳnh Thị Mỹ Linh đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đến bất ngờ khiến vợ chồng ông Hy thao thức cả đêm. “Tui chỉ nghĩ con mình sẽ đỗ ĐH chớ không tin cháu đỗ đầu như thế. Vui quá, tui với bà ấy cứ thao thức suốt đêm, không tin đó là sự thật”, ông Hy chia sẻ.
Đời sống kinh tế của gia đình ông Hy cũng như bao nhiêu người dân khác ở miền quê cằn cỗi này còn lắm khó khăn. Ông Hy là thợ sửa điện, còn bà Mãi làm công nhân giày da ở khu công nghiệp. Với mức thu nhập trung bình, hai vợ chồng khéo co kéo cũng đủ nuôi hai đứa con ăn học. Bà Mãi tâm sự: “Ngày trước gia đình nghèo khó, tui muốn đi học lắm nhưng cuối cùng phải nghỉ giữa chừng. Bây giờ, hai vợ chồng động viên nhau cố gắng tạo điều kiện cho con học chữ, để sau này ra đời còn nở mày nở mặt với người ta. Nhiều hôm, thấy tui vất vả, các con bảo mẹ đừng cố gắng nữa, chúng sẽ phụ giúp công việc nhưng mà tui nghĩ, mình cực mấy cũng chịu được miễn con học hành giỏi giang. Rứa là tui động viên các cháu tiếp tục học hành”.
Thương ba mẹ vất vả, Linh luôn tự nhủ mình cần nỗ lực hơn nữa. Suốt 12 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; đặc biệt hai năm lớp 10 và 11 em xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất khối. Hỏi Linh về bí quyết học giỏi, em nói: “Thực ra em không có bí quyết gì cả, chỉ cần lên lớp chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, ý nào chưa hiểu thì hỏi ngay. Về nhà siêng năng áp dụng kiến thức lý thuyết để luyện bài tập. Kiến thức có vững chắc hay không là phụ thuộc vào sự tập trung học hành của mình thôi”. Linh chia sẻ thêm, muốn học tốt cần có sự tập trung cao độ, không nhất thiết phải học nhiều mà cái chủ yếu là phải có đam mê. Cái mình nhận được sau sự nỗ lực cuối cùng đó là kết quả. Đối với môn vẽ thì khó hơn nhiều, mình phải luôn có cái nhìn mới, sáng tạo trong từng khuôn vẽ để chọn ra cái đẹp, phù hợp nhất với từng ngữ cảnh. Học vẽ cũng như người ta học ngoại ngữ, hễ nghỉ luyện tập thì cứng bút, khó vẽ.
Khi được hỏi: “Là con gái sao em lại chọn ngành học được nhiều người cho là gai góc và vất vả?”, em trả lời: “Em vẫn biết ngành kiến trúc phần lớn chỉ dành cho con trai nhưng ngay từ nhỏ, em đã đam mê môn vẽ. Lên THPT, ý định thi vào ngành này càng thôi thúc em quyết tâm”. Ngồi cạnh con, ông Hy nói thêm: “Từ nhỏ, gia đình tui đã hướng cho cháu thi vào ngành y nhưng khi thấy cháu đam mê môn vẽ quá, dù có hơi buồn nhưng thương con nên hai vợ chồng đành gật đầu đồng ý. Chỉ mong sau này cháu ra trường, có thể kiếm được việc làm”. 
“Có đam mê thì sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng hơn, nếu không sẽ dễ bỏ cuộc. Em cũng từng biết nhiều anh chị bỏ dở giữa chừng ngành học này nhưng em nghĩ mình sẽ quyết tâm đi đến cùng để không phụ lòng thầy cô và ba mẹ. Khi vào trường ĐH học, em sẽ chọn ngành kiến trúc công trình. Đây là khát vọng và ước mơ của em từ nhiều năm. Em muốn tự tay mình thiết kế nhiều công trình đẹp cho quê hương và sẽ phấn đấu để thiết kế, xây dựng cho ba mẹ một mái nhà ấm cúng”, Linh bày tỏ.
Đang hồi câu chuyện, Linh chợt ngập ngừng, giọng em chùng xuống: “Vào ĐH chắc khoản học phí và ăn ở sẽ tốn kém hơn nhiều so với học cấp 3!”. Nghe con nói, ông Hy cười xòa, mắng yêu: “Con cứ lo học hành cho tốt, còn chuyện học phí và ăn ở không phải đến lượt con. Ba má còn khỏe mạnh, còn làm được mà”.
Nhận xét về cô học trò cưng, thầy giáo dạy vẽ Trần Tấn Sơn nói: “Linh là một cô học trò rất chăm chỉ và có quyết tâm lớn. Đối với các bài học vẽ khó, em chưa bao giờ tỏ ra nản chí hay bỏ cuộc. So với các năm trước thì đề thi năm nay khó hơn, chỉ với 3 tiếng đồng hồ mà hoàn thành được đến 8,5 điểm môn vẽ là một sự bứt phá đáng nể”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Muốn học tốt cần có sự tập trung cao độ, không nhất thiết phải học nhiều mà cái chủ yếu là phải có đam mê.
 

Bình luận (0)