Thí sinh đang làm bài thi trong kỳ thi ĐH, CĐ 2014 |
Nhiều trường ĐH, CĐ sẽ tặng học bổng đầu vào, quy ra học phí các năm học cho thủ khoa và những thí sinh đậu cao vào trường năm 2014. Ngoài ra, tân thủ khoa sẽ được miễn phí các năm học tiếp theo nếu duy trì được thành tích học tập tốt.
Miễn học phí ít nhất 1 học kỳ
Năm nay, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn sẽ trao học bổng cho 10 thí sinh đạt điểm đầu vào cao nhất. Trong đó, chỉ có 1 thí sinh thi khối A1; 3 em khối C, còn lại khối A. Mỗi suất học bổng có giá trị bằng một năm học phí, tùy từng chuyên ngành, dao động từ 10-14 triệu đồng. Với tổng điểm 28, thí sinh Nguyễn Văn Phước (dự thi khối A ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) đạt ngôi vị thủ khoa của trường này. Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM sẽ miễn học phí năm đầu tiên cho thủ khoa của trường năm nay. Nếu tân thủ khoa này giữ vững thành tích học tập giỏi, rèn luyện tốt trong các năm kế tiếp sẽ được trường tiếp tục miễn học phí; đồng thời được nhận thêm học bổng khuyến khích học tập. Thủ khoa của trường năm nay là thí sinh Nguyễn Thị Như Nguyện (Đắk Lắk) đạt 26,5 điểm, khối C.
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM sẽ tặng học bổng cho thủ khoa các khối thi, trị giá bằng học phí 1 năm học. Riêng á khoa các khối thi và thủ khoa ngành học sẽ được miễn học phí học kỳ đầu tiên. Năm nay, thủ khoa của trường này là thí sinh Nguyễn Văn Huỳnh, đạt 28,5 điểmdự thi khối A ngành kỹ thuật hạt nhân. Thủ khoa này đạt điểm 10 ở hai môn toán và hóa. Khối A1 có 5 thí sinh cùng đạt mức điểm cao nhất là 26,5. Điểm cao nhất của thí sinh thi khối B là 27,5…
Cùng với việc giới thiệu học bổng, nhiều trường ĐH, CĐ cũng thông tin thời hạn phúc khảo cho các thí sinh có nguyện vọng. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận đơn phúc khảo từ ngày 1-8 đến 15-8 với lệ phí 30 ngàn đồng/môn.
Điểm chuẩn dự kiến khối ngành kinh tế, luật
Cùng ở nhóm ngành kinh tế và luật nhưng có trường nhân hệ số môn chính khi lấy điểm chuẩn dự kiến, có trường lại không. Hoặc có trường áp dụng mức điểm chuẩn chung cho tất cả các khối ngành/ngành, trong khi đó trường khác lại ấn định mức điểm chuẩn riêng cho từng ngành…
Không nhân hệ số bất kỳ môn nào, điểm chuẩn dự kiến ngành thấp nhất của Trường ĐH Luật TP.HCM là 19; ngành cao nhất là 22. Cụ thể, chuyên ngành Luật Thương mại dự kiến lấy 22 điểm cho tất cả các khối. Các chuyên ngành còn lại của ngành luật dự kiến lấy mức từ 20 đến 21,5 điểm. Ngoài ra, ngành quản trị – luật dự kiến lấy từ 21 đến 22 điểm, tùy từng khối thi. Ngành quản trị kinh doanh dự kiến lấy 19 đến 19,5 điểm. Ngành ngôn ngữ Anh dự kiến lấy điểm chuẩn là 19.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tất cả các ngành/khối ngành đều lấy chung mức điểm chuẩn dự kiến là 18,5 (khối A, A1 và D1). Cụ thể, số này gồm khối kinh tế, kinh doanh và quản lý; ngành Luật Kinh tế, ngành ngôn ngữ Anh. Đồng thời, toàn bộ các ngành liên thông ĐH chính quy với 200 chỉ tiêu năm nay cùng lấy mức điểm chuẩn dự kiến là 18. Riêng ngành tài chính – ngân hàng bậc CĐ lấy điểm chuẩn dự kiến là 13.
Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) sau khi thực hiện nhân hệ số 2 đối với môn toán có mức điểm chuẩn dự kiến cao nhất đối với ngành kinh tế đối ngoại là 30 (khối A, A1); 28 điểm (khối D1). Ngành Luật Thương mại quốc tế chỉ thấp hơn 1 điểm, dự kiến là 29 điểm cho tất cả các khối. Ngành quản trị kinh doanh dự kiến mức điểm chuẩn là 28,5 cho cả 3 khối. Hai ngành kiểm toán và Luật Kinh doanh cùng có mức điểm chuẩn dự kiến chung là 28. Ngược lại, mức điểm chuẩn dự kiến thấp nhất là 24, được áp dụng cho nhiều ngành ở cả 3 khối như: Luật Dân sự, Luật Tài chính – ngân hàng, kinh tế và quản lý công, marketing, kinh doanh quốc tế…
Hiện nay, Trường ĐH Kinh tế – Luật đang dành hàng trăm chỉ tiêu xét chuyển đổi ngành cho các thí sinh dự thi vào trường mà không trúng tuyển theo mức điểm chuẩn dự kiến. Mức điểm dự kiến chung xét đổi ngành là 24 (có nhân hệ số 2 môn toán).
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)