Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Điểm sàn đại học năm 2014: Thấp nhất 13, cao nhất 18

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-8, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT gồm 33 thành viên, đại diện cho các trường đại học (ĐH) trọng điểm, vùng miền, công lập và ngoài công lập đã họp và chính thức đưa ra mức điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Theo đánh giá chung, các mức điểm sàn ĐH, trong đó có điểm sàn tối thiểu sẽ tạo thuận lợi cho các trường trong tuyển sinh, nhất là các trường tốp dưới, trường ngoài công lập.

Giám thị Hội đồng thi Trường Đại học Sư phạm TPHCM kiểm tra phiếu báo danh thí sinh. Ảnh: MAI HẢI

3 mức điểm sàn đại học

Theo đó, có 3 mức điểm sàn ĐH. Mức 1 – mức cao nhất, dành cho các trường tốp trên có mức điểm là 18 với khối B và 17 điểm cho các khối còn lại. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, có khoảng từ 25% – 30% thí sinh đạt được mức điểm này. Mức 2 – dành cho các trường tốp giữa với khối B là 15 điểm, các khối còn lại 14 điểm. Mức 3 – mức điểm sàn tối thiểu, dành cho các trường tốp dưới với khối B 14 điểm; các khối còn lại là 13 điểm. Mức điểm sàn cao đẳng giảm 3 điểm so với mức điểm sàn vào ĐH.

Theo Bộ GD-ĐT, việc xác định nhiều mức điểm sàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân tầng các trường ĐH cũng như giúp thí sinh dễ dàng nhận định được chất lượng trường mình đang theo học ở mức nào. Như vậy, năm 2014 này có nhiều mức điểm sàn cho các tốp trường thay vì chung một mức điểm sàn như trước đây.

Ngay sau khi công bố các mức điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đã chủ trì buổi họp báo của Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, kết quả thi năm nay hầu hết các khối thi có phổ điểm phân bố gần mức lý tưởng, phổ điểm dịch chuyển về mức điểm cao. Ba khối thi có điểm cao nhất là A, A1 và B, đỉnh phổ điểm dịch chuyển khoảng 3 điểm so với năm 2013. Điều này thể hiện nội dung đề thi năm nay rất tốt, có sự phân hóa. Phổ điểm bình quân khá đều, do vậy thuận lợi cho việc xác định điểm sàn. “Phổ điểm thi ĐH-CĐ năm nay đẹp”, ông Ga nhấn mạnh. Mức nhiều thí sinh đạt nhất là điểm trung bình.

Thuận lợi cho các trường tuyển sinh

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ giảm khoảng 20% so với năm ngoái, nhưng số thí sinh thực thi tương đương năm ngoái, khoảng 1,055 triệu thí sinh. Điều này cho thấy học sinh rất quyết tâm, bản lĩnh thi ngay từ đầu, tỷ lệ bỏ thi thấp, vì vậy rất hy vọng về thế hệ sinh viên có chất lượng.

“Hội đồng đã chọn và quyết định các tiêu chí cơ bản để xét đầu vào, không đơn thuần là mức điểm sàn như mọi năm. Một số ý kiến trong hội đồng đã thẳng thắn xác định, để học được ĐH phải đạt 15 điểm. Tuy nhiên, từ trước đến nay điểm sàn tính dựa trên phổ điểm chứ không phải là điểm trung bình. Thực tế thí sinh vào học khi tính điểm sàn theo phổ điểm vẫn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, dựa vào phổ điểm của thí sinh, hội đồng lựa chọn mức điểm sàn tối thiểu mà học sinh có thể học ĐH được. Theo tính toán, khoảng 60% thí sinh đạt mức điểm sàn tối thiểu, khá thoải mái về nguồn tuyển cho các trường, tương đương 650.000 em. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2014 chỉ khoảng 350.000 em. Trên cơ sở mức điểm sàn tối thiểu này, hội đồng tiếp tục quyết định 2 mức điểm sàn cao hơn dành cho các trường tốp giữa, tốp trên, trong đó điểm sàn mức 1 sẽ có khoảng 20% – 30% thí sinh đạt được để học ĐH tốp trên.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, các mức điểm sàn sẽ phân khúc nguồn tuyển cho các trường. Tốp trên chọn mức 1, tốp giữa chọn mức 2, còn các trường đang phát triển, chưa có sức hút sẽ chọn mức sàn tối thiểu. Các trường sẽ cân nhắc từ thực lực của mình để chọn mức điểm sàn phù hợp nhất. Điều này sẽ hạn chế sự căng thẳng trong tuyển sinh cho các trường như mọi năm, cũng như hạn chế được tình trạng các thí sinh điểm cao bị trượt oan. Các trường cần cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh cũng như năng lực của mình để chọn mức điểm sàn phù hợp. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT xếp hạng các trường ĐH. Các trường sẽ phải cân nhắc cả về chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đào tạo để giữ uy tín của mình.

Với mức điểm sàn này, ông Ga khẳng định mức dôi dư lớn hơn so với năm 2013. Đơn cử như hệ số dư khối A, D1 là 1,7 (năm ngoái là 1,5), nếu tính cả các trường tuyển sinh riêng thì hệ số dư này khoảng 1,8. Các trường không phải lo về nguồn tuyển. Cũng với mức điểm sàn này, với kết quả thi năm nay thì chất lượng đầu vào sẽ được bảo đảm. “Hội đồng điểm sàn khuyến nghị các trường tốp giữa phải cân nhắc mức điểm sàn thích hợp để bảo vệ uy tín của mình cũng như bảo vệ quyền lợi của thí sinh, không nên sử dụng mức điểm sàn tối thiểu để xét tuyển. Đó là chưa kể các trường phải thực hiện sự chia sẻ với các trường tốp dưới trong tuyển sinh”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyến cáo.

Như mọi năm, điểm sàn cao đẳng giảm 3 điểm so với ĐH. Một số ý kiến trong Hội đồng điểm sàn đòi giảm điểm cao đẳng để thuận lợi cho tuyển sinh cao đẳng, nhưng để bảo đảm chất lượng đầu vào thì không thể giảm hơn. Vì điểm sàn cao đẳng là 10 điểm thì đã có tới 80% thí sinh dự thi đạt điểm này.

Nhận xét về các mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều trường ĐH thể hiện sự hài lòng khi cho rằng, các mức tiêu chí khá phù hợp với tình hình thực tế và thuận lợi cho các trường tuyển sinh. Theo GS-TS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức điểm sàn 2014 giữ ổn định trường tốp trên, tạo niềm vui cho các trường tốp dưới. Điểm sàn không có ý nghĩa đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng ông Giảng cho rằng 3 mức điểm sàn này tạo điều kiện cho các trường tốp dưới trong công tác tuyển sinh đầu vào, cải thiện điều kiện tuyển sinh cho các trường từng gặp khó khăn về vấn đề này.

PHAN THẢO

(SGGP)

Bình luận (0)