Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều ngành khối C khẳng định vị thế

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi ĐH năm 2014 tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: L.Sâm
Những năm gần đây, điểm chuẩn các ngành khối C thường tụt giảm, có ngành thuộc các trường tốp trên chỉ lấy điểm chuẩn là 15. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những ngành khẳng định vị thế khi điểm chuẩn đến 21-22.
Ngành báo chí và truyền thông: Điểm chuẩn không dưới 20
Năm nay, điểm chuẩn ngành báo chí và tuyên truyền ở nhiều trường ĐH đều lấy từ mức 21 trở lên, tức là mỗi môn thí sinh phải đạt được 7 điểm thì mới có cơ hội đỗ. Tuy nhiên, để làm được bài thi môn văn và môn sử trên 7 điểm là điều không dễ đối với thí sinh.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) vừa công bố điểm chuẩn các ngành. Theo đó, điểm chuẩn vào ngành báo chí và truyền thông là 22, bằng với điểm chuẩn năm trước. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành báo chí và truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) năm nay cũng ở mức 22, cao hơn năm trước 2,5 điểm.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội là cái nôi đào tạo ngành báo chí của cả nước. Năm nay điểm chuẩn tất cả các ngành mà học viện đang đào tạo (hơn 40 ngành) đều lấy trên 17,5 (cao hơn năm trước khoảng 1 điểm). Các chuyên ngành như báo in, báo ảnh, phát thanh, báo mạng điện tử, báo chí đa phương tiện, quảng cáo đều lấy hơn 21 điểm; đặc biệt điểm chuẩn của báo truyền hình là 23.
Ngành luật: Điểm chuẩn giảm nhưng vẫn đứng hạng cao
So với kỳ tuyển sinh ĐH năm trước, điểm chuẩn khối C ngành luật năm nay giảm khoảng 1-2 điểm. Tuy nhiên, ngành này vẫn thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn cao ở khối C.
Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm chuẩn khối C ngành Luật Kinh tế là 22,5; còn ngành luật là 21 (đều thấp hơn năm trước 1,5 điểm). Điểm chuẩn này tính cho thí sinh ở khu vực 3, mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm, khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng lấy điểm chuẩn khối C cao không kém, cụ thể: Ngành Luật Dân sự lấy 21,5 (bằng với điểm chuẩn năm trước); ngành luật – chuyên ngành Luật Thương mại lấy 22 điểm; ngành Luật Hình sự, Luật Quốc tế, Luật Hành chính lấy 21 điểm (thấp hơn năm trước 0,5 điểm). Như vậy, dù điểm chuẩn có giảm so với năm trước, nhưng các thí sinh phải đạt từ 21 điểm trở lên mới được vào ngành luật. Tương tự, các trường thuộc tốp giữa cũng có điểm chuẩn khá cao. Chẳng hạn ngành luật của Trường ĐH Công đoàn Hà Nội có điểm chuẩn là 19 (tính cho thí sinh ở khu vực 3).
Có thể nói một trong những nguyên nhân khiến cho điểm chuẩn vào ngành luật cao là do thí sinh đã nắm bắt được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Cụ thể, cơ hội nghề nghiệp của ngành này luôn rộng mở; tốt nghiệp ra trường các bạn trẻ có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp… Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần có nhân sự làm pháp chế, tư vấn luật.
Theo quy hoạch nhân sự nghề luật sư, đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành tư pháp cần bổ sung thêm 18.000 luật sư, khoảng 2.000 công chứng viên, 700 chấp hành viên, khoảng 1.300 thẩm phán viên – thẩm tra viên và khoảng 4.300 đến 4.500 thư ký thi hành án…
Ngành tâm lý học: Phát triển ngày càng cao
Đời sống vật chất con người ngày càng nâng cao, kéo theo đó, đời sống tinh thần cũng cần được chăm sóc kỹ lưỡng, qua đó nhu cầu được tư vấn tâm lý ngày càng nhiều. Bởi thế, ngành tâm lý học trong những năm gần đây đã trở thành một trong những lựa chọn số một của thí sinh thi khối C. Vậy nhưng, hiện số trường đào tạo ngành này trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó khối công lập có một số trường ĐH đào tạo như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Quy Nhơn.
Cử nhân tâm lý học có thể làm việc ở nhiều vị trí như nghiên cứu khoa học tâm lý, giảng dạy, tư vấn tâm lý, trợ lý trị liệu…
Năm nay điểm chuẩn của ngành này cũng nằm ở mức 20-21. Chẳng hạn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) lấy 20 điểm (thấp hơn năm trước 2 điểm); còn ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) lấy 20 điểm (thấp hơn năm trước 1 điểm).
D.Bình
Theo quy hoạch nhân sự nghề luật sư, đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành tư pháp cần bổ sung thêm 18.000 luật sư, khoảng 2.000 công chứng viên, 700 chấp hành viên, khoảng 1.300 thẩm phán viên – thẩm tra viên…
 

Bình luận (0)