Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chống bạo hành trẻ em: Cần thay đổi căn bản nhận thức

Tạp Chí Giáo Dục

Người lớn không thể có phương pháp giáo dục theo kiểu nhồi nhét hay dùng bạo lực để áp chế trẻ (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Trinh
Vụ một bé gái 4 tuổi ở Bình Dương bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành dã man một lần nữa báo động về các hành vi bạo lực đối với trẻ em, kể cả người vi phạm là cha mẹ hoặc người thân của trẻ.
Trên Google, với từ khóa “bạo hành trẻ em”, trong 0,17 giây cho đến 269.000 kết quả; trong 0,35 giây cho 172.000 kết quả “xâm hại trẻ em”; trong 0,27 giây cho 32.300 kết quả “đánh đập trẻ em”… Điều đó cho thấy, trẻ em ở Việt Nam chưa được bảo vệ, chăm sóc một cách cẩn thận, chu đáo.
1. Trên thực tế, bạo hành trẻ em thường được thể hiện dưới một số hình thức, theo mức độ từ thấp đến cao: Dọa nạt, chửi bới, khinh rẻ, kỳ thị, phân biệt đối xử…; dạy dỗ một cách không phù hợp, thường kèm theo roi vọt; cưỡng bức lao động, nếu không bị hành hạ; bị cha mẹ ruột bỏ rơi hoặc giao cho người khác nuôi dưỡng một cách không phù hợp; thường xuyên bị đánh đập; bị cưỡng bức, xâm hại, bóc lột tình dục dưới các hình thức; bị tước đoạt quyền sống. Điều đáng lo ngại là nhiều biểu hiện bạo hành này lại diễn ra ngay trong gia đình, do người thân của trẻ thực hiện, chẳng hạn việc phân biệt, kỳ thị trai gái, thường xuyên mắng mỏ, chửi bới; bị buộc phải lao động…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các lý do chủ yếu gồm: Yếu tố kinh tế như nghèo đói, chênh lệch về thu nhập và sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường làm cho các em trở nên dễ bị tổn thương hơn; các trào lưu xã hội như di cư, các giá trị gia đình đang bị băng hoại và tình trạng phân biệt đối xử về giới cũng ảnh hưởng xấu tới trẻ em; thiếu một khung pháp lý toàn diện, việc thực thi pháp luật còn yếu; còn thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em; nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em còn hạn chế…
2. Từ đó có thể thấy, để chống bạo hành trẻ em, cần phải có sự kết hợp nhiều biện pháp, sự phối hợp của nhiều cơ quan, thực hiện liên tục và quyết liệt. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhiều chính là việc thay đổi căn bản nhận thức của mọi người về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đó là phải thực sự nhìn nhận trẻ em “như búp trên cành” như lời dạy của Bác Hồ. Bởi có xem trẻ như “búp” thì mới nghĩ đến tương lai thành chồi, thành cành, thành thân, rồi đơm hoa kết trái, không chỉ duy trì sự tồn tại mà còn đem lại ích lợi cho cuộc sống (xã hội); từ đó nâng niu, chăm chút cho “búp” đó không ngừng phát triển. Cũng từ nhìn nhận đó mà người lớn mới có cách thức, biện pháp chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ một cách phù hợp; như với chồi non, muốn kích thích phát triển cũng phải bằng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Người lớn không thể xem trẻ là “người lớn thu nhỏ” để có phương pháp giáo dục theo kiểu nhồi nhét, cưỡng bức hoặc dùng bạo lực để áp chế trẻ. Sự vận động và phát triển của trẻ phải theo quy luật tự nhiên (tùy thuộc vào giới tính, lứa tuổi, tư chất cụ thể…), không thể đốt cháy giai đoạn. Dùng bạo lực để dạy dỗ, uốn nắn trẻ không thể là phương pháp tạo sự phát triển cho trẻ. Nhận thức này cần được thay đổi ngay từ cha mẹ và những người thân thiết, gần gũi của trẻ (như ông bà, họ hàng, thầy cô…).
Dùng bạo lực để dạy dỗ, uốn nắn trẻ không thể là phương pháp tạo sự phát triển cho trẻ. Nhận thức này cần được thay đổi ngay từ cha mẹ và những người thân thiết, gần gũi của trẻ (như ông bà, họ hàng, thầy cô…).
3. Người lớn cần hiểu đúng và đầy đủ về khẩu hiệu mà cũng là một phương châm trong giáo dục – “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Tức là, trẻ em hôm nay được giáo dục, được bảo vệ, được chăm sóc ra sao thì xã hội sẽ đón nhận những người lớn tương ứng, với các biểu hiện về tính cách, thể chất, khả năng nhận thức và hành động… Đồng thời, tương lai của xã hội, của thế giới tùy thuộc vào những đứa trẻ ngày hôm nay, thông qua các biện pháp dạy dỗ, nuôi dưỡng, bảo vệ. Một đứa trẻ lớn lên bằng sự mắng mỏ, ghét bỏ, đánh đập liệu có thể có một tâm hồn trong trẻo, biết chia sẻ và thông cảm, biết yêu thương, biết phấn đấu vươn lên… hay trở nên chai sạn, thù hận, trì chí…? Một đứa trẻ bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại thì liệu lớn lên có sống độ lượng, khoan dung, nghị lực hay trở nên bất cần, hằn học, luôn muốn trả đũa…? Một xã hội, một thế giới với những đứa trẻ lớn lên bằng cách đó, trong môi trường đó thì xã hội đó, thế giới đó liệu có tiến bộ, văn minh, hòa bình, phát triển?
4. Dĩ nhiên nhận thức cần có cả một quá trình để thay đổi chứ không phải ngày một ngày hai hoặc qua những giải pháp đơn giản. Cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ như tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng về chăm sóc, bảo vệ trẻ, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi bạo hành trẻ… cùng với việc nâng cao nhận thức.
Ở một góc nhìn hẹp, phải thấy rằng bạo hành trẻ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là không đạo đức, là hành động thiếu nhân văn, nhân bản. Mọi sự vi phạm bên cạnh bị pháp luật chế tài còn bị xã hội lên án. Điều đó có thể góp phần điều chỉnh hành vi của người lớn về bạo lực đối với trẻ.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Theo UNICEF, có hơn 2,6 triệu trẻ em ở Việt Nam cần được bảo vệ đặc biệt; trong số đó có trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột và buôn bán vì mục đích tình dục; trẻ em lang thang cơ nhỡ; trẻ em tật nguyền; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ mồ côi; trẻ em bị ruồng bỏ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; và trẻ em sống trong cảnh nghèo đói… 
 

Bình luận (0)