Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Năng suất lao động Việt Nam thấp do thiếu kỹ năng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với nguồn lao động khoảng 54 triệu người. Tuy nhiên, năng suất lao động (NSLĐ) thấp đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế nước nhà. Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra số liệu đáng báo động về NSLĐ ở nước ta. Theo đó, NSLĐ Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương và đang có xu hướng giảm dần. Nếu giai đoạn 2002-2007, NSLĐ phát triển trung bình mỗi năm khoảng 5,2% thì sau năm 2008, chỉ còn 3,3%. Tổng kết NSLĐ năm 2013 của ILO cho thấy, NSLĐ Việt Nam tiệm cận các nước Indonesia, Philippines và thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; đặc biệt chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan. So với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, NSLĐ Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc và 1/11 so với Nhật Bản.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến NSLĐ Việt Nam thấp là do lao động Việt Nam chưa qua đào tạo chuyên môn. Theo ILO, chưa đến 20% lao động Việt Nam được đào tạo chuyên môn và không có kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, phân tích: Người lao động Việt Nam vốn thông minh, cần cù nhưng chưa quen với môi trường công nghiệp hiện đại nên họ dễ sai, dễ nản và dễ thất bại. Kỹ năng nghề của đa số người lao động Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường lao động như kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, tinh thần trách nhiệm…, từ đó dẫn đến NSLĐ chưa cao. Hơn nữa, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết bị sản xuất còn lạc hậu, quy trình chưa thật sự tiên tiến như các nước phát triển trong khi NSLĐ được tính bằng thời gian hao phí để tạo ra một sản phẩm nên NSLĐ chưa cao.
Hà Xuyên

Bình luận (0)