Có được kỹ năng chuyên sâu và khả năng ngoại ngữ tốt, HSSV sẽ có được cơ hội nghề nghiệp cao (trong ảnh là HSSV Trường CĐ CNTT iSpace đang tham gia buổi định hướng nghề nghiệp)
|
Yếu kỹ năng chuyên sâu là một trong những nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) thất nghiệp dài dài, mặc dù đây là ngành được xem là thời thượng hiện nay.
Vấn đề này được đề cập đến tại buổi hướng nghiệp chuyên sâu về ngành CNTT do Trường CĐ CNTT iSpace tổ chức vừa qua. Tại đây, hàng trăm HSSV chuyên ngành CNTT của trường đã lắng nghe những định hướng học tập đúng hướng, hiệu quả của các chuyên gia để có được cơ hội nghề nghiệp tốt nhất.
Thiếu nhiều, nhưng thừa cũng không ít
Nói về nhu cầu thị trường lao động nhân lực CNTT tại TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng hiện nay nhu cầu về lao động trong lĩnh vực CNTT đang thiếu nhiều nhưng thừa cũng không ít. Thiếu bởi ngoài các đơn vị, công ty chuyên về công nghệ tuyển dụng thì hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp khác đều phải tuyển ít nhất một nhân lực. Xuất phát từ nguyên nhân mọi công việc đều phụ thuộc vào máy móc, công nghệ. Và không phải ai cũng am hiểu về máy móc cũng như các phần mềm công nghệ. Thừa là bởi rất nhiều SV ra trường yếu kỹ năng chuyên sâu về nghề nghiệp dẫn đến không làm được việc, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Chỉ tính riêng ngành an ninh mạng, ngành này cần tuyển khoảng 1.000 nhân lực/năm nhưng thông thường chỉ tuyển được khoảng 10 người làm được việc. Với thực trạng này, nhiều SV tốt nghiệp ngành này đành làm trái nghề, hay rẽ ngang làm công nhân, buôn bán…
Theo ông Tuấn, kỹ năng chuyên sâu không chỉ kiến thức cơ bản về chuyên ngành mà đòi hỏi người làm phải có kiến thức nghề nghiệp, tri thức, tác phong. Đó là ngoài lý thuyết phải có khả năng thực hành, ứng dụng; phải có kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng, giao tiếp, làm việc nhóm; phải có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp… Những giá trị này do chính người học cần nắm bắt ngay trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, trái với thời điểm ban đầu bước vào học, các em đưa ra nhiều mục tiêu, thể hiện quyết tâm chăm chỉ học tập, hoàn thành khóa học thật tốt, phải đi làm thêm để lấy kỹ năng… khi bước vào học một thời gian, nhiều em tỏ ra chán nản, giảm đam mê, trong quá trình học mới chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết trên lớp, ý chí mơ hồ. Ví dụ, nói đến kỹ năng giao tiếp, nhiều em cho rằng phải có ngoại hình, nói hay, nói khéo. Thực ra không hoàn toàn như vậy, mà quan trọng giao tiếp làm sao giúp hai bên cùng hiểu mới tạo nên tính thuyết phục. Bên cạnh đó, một số bộ phận HSSV, ngoài thời gian trên lớp thì dành nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội để chia sẻ mọi cảm xúc vui buồn trong cuộc sống hàng ngày một cách vô bổ, thay vì chú trọng rèn luyện kiến thức chuyên sâu.
Đứng ở góc độ người trực tiếp giảng dạy, ông Nguyễn Văn Tẩn, Trưởng khoa CNTT Trường CĐ CNTT iSpace, chia sẻ: “Việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực bản thân cũng là nguyên nhân khiến các em thất nghiệp. Đó là chọn theo kiểu phong trào. Thấy bạn bè chọn cũng chọn theo, hoặc chọn vì thấy ngành này đang nóng. Khi bước vào học, lúc này mới cảm thấy không phù hợp nhưng lỡ chọn nên đành theo đến cùng. Kết quả, kiến thức, kỹ năng chẳng đi đến đâu”.
Rèn luyện, nâng cao ngoại ngữ
Từ thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngành CNTT thu hút khoảng 70.000 lao động. Riêng TP.HCM cần từ 21.000 đến 25.000 lao động trong lĩnh vực này. Đây được xem là cơ hội rất lớn cho nguồn nhân lực CNTT. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người học phải nghiêm túc học tập; phải có những kế hoạch, mục tiêu học tập cụ thể mới đạt được những kết quả nhất định.
Ông Tuấn nhấn mạnh, cho dù bước đầu lựa chọn ngành không phù hợp với bản thân nhưng CNTT có nhiều chuyên ngành, người học có thể chọn lựa một chuyên ngành phù hợp để rèn luyện. Mặt khác, các em cũng phải hiểu rằng bằng cấp không mang lại giá trị, không có sự khác nhau giữa bằng TC, CĐ hay ĐH. Thay vào đó nhà trường đào tạo ra nhân lực, nhưng nhân lực phải là người biết áp dụng công nghệ, giúp cơ quan, công ty phát triển. Chính vì thế, quan trọng nhất vẫn là năng lực của mỗi bản thân.
Một yếu tố để người tốt nghiệp lĩnh vực CNTT có được cơ hội nghề nghiệp đó là trình độ ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh. Thực tế cho thấy, có rất nhiều công ty nước ngoài đã hợp tác, đầu tư xây dựng và phát triển tại Việt Nam. Hơn nữa, đặc thù của CNTT là phát triển, thay đổi từng ngày, buộc các công ty thuộc lĩnh vực này phải cập nhật sự thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ những tài liệu nước ngoài mới đưa ra nhiều thông tin chi tiết, cụ thể về sự đổi mới, phát triển. Bấy giờ, những người giỏi ngoại ngữ là những người có cơ hội cao nhất.
Ông Trần Ngô Tiến Phương, đại diện Công ty Cyberoam (Mỹ) tại Việt Nam, cho biết: “Khi bước vào quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng không hỏi là bạn học chuyên ngành gì, bằng cấp ra sao mà hỏi thẳng kiến thức cơ bản yêu cầu người được tuyển dụng phải nắm được. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một tập tài liệu tiếng Anh, bắt buộc người được tuyển dụng phải đọc hiểu. Xuất phát từ đòi hỏi này, người được tuyển dụng vượt qua thì khi bước vào làm việc dễ dàng thể hiện nhiều ý tưởng khác nhau, đáp ứng yêu cầu, giúp công ty phát triển. Kéo theo đó, nhân viên được coi trọng và có vị trí cao hơn”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Ông Nguyễn Văn Tẩn (Trưởng khoa CNTT Trường CĐ CNTT iSpace) cho rằng: Không riêng gì CNTT mà ở bất cứ ngành nghề nào, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi người được tuyển dụng phải làm được việc. Yêu cầu này thể hiện trong 4 vấn đề mà nhà tuyển dụng đưa ra, đó là: Kỹ năng giao tiếp; khả năng am hiểu nghề nghiệp, tinh thần làm việc nhóm; sự gắn bó với doanh nghiệp và cuối cùng là tác phong công nghiệp, tinh thần cầu tiến. |
Bình luận (0)