Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bỏ ĐH vào trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Đặng Nguyễn Thế Hưng (đầu tiên) đang học tập tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech
Thi đậu hai trường ĐH với điểm số khá cao nhưng Đặng Nguyễn Thế Hưng (cựu học sinh Trường THPT Tân An, tỉnh Long An) vẫn quyết định chọn học nghề CNTT ở Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech. Quyết định này tưởng chừng “điên rồ” nhưng thực tế chàng trai trẻ đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu những mặt được và mất khi bỏ ĐH chọn trường nghề.
Đỗ hai trường ĐH với điểm số cao
Thế Hưng có thành tích học tập rất đáng nể – đạt danh hiệu học sinh giỏi Trường THPT Tân An trong 3 năm liền. Khi bạn bè đặt bút làm hồ sơ thi ĐH, Thế Hưng cũng muốn thử sức mình nên đã đăng ký dự thi hai trường ĐH và kết quả là em đã đậu cả hai trường này. Cụ thể, Thế Hưng thi vào Khoa Kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH CNTT (ĐHQG TP.HCM) thuộc khối A1 được 23 điểm (chưa nhân hệ số, chưa cộng điểm vùng); nếu nhân hệ số và cộng điểm vùng theo giấy báo của trường thì em được 31,67 điểm. Còn ở Trường ĐH Mở TP.HCM, Thế Hưng thi khối D và đạt 20,5 điểm. Với kết quả này, nhiều người nghĩ em sẽ chọn Trường ĐH CNTT bởi đây là trường thành viên của ĐHQG TP.HCM. Vậy nhưng, chẳng hề nuối tiếc Thế Hưng quyết định rẽ sang học nghề CNTT ở Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech.
Chia sẻ lý do dẫn đến quyết định này, Thế Hưng cho biết: “Em chọn CNTT bởi đây là ngành học phù hợp với sở thích hay tự tìm tòi, khám phá của em. Còn lý do em không chọn ĐH mà học trường nghề là vì ở đây em có thể rút ngắn được chương trình học, lại có thể nhanh chóng kiếm được việc làm trong lĩnh vực CNTT khi còn đi học. Hơn nữa, theo quan điểm của riêng em, xã hội hiện đang rất khát nhân lực có tay nghề trong lĩnh vực CNTT nên nếu rút ngắn được thời gian học và chú tâm trau dồi kỹ năng nghề cùng kỹ năng sống thì mình có thể làm việc sớm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Còn nếu chờ 4-5 năm sau tốt nghiệp ĐH, em nghĩ lúc đó nhu cầu có thể thay đổi”.
Ngoài những lý do được tính toán kỹ cho con đường lập nghiệp sau này, thì có một lý do khác luôn khiến Thế Hưng phải phân vân, đó là điều kiện kinh tế gia đình. “Nếu em rút ngắn được thời gian học, em có thể đi làm sớm và sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí ăn ở tại thành phố cho ba mẹ”, Thế Hưng nói.
Được biết, ba của Thế Hưng là nhân viên của một công ty thuốc bảo vệ thực vật, còn mẹ là cấp dưỡng ở một trường tiểu học nên kinh tế gia đình không mấy khá giả.
Tìm hiểu kỹ trước khi chọn học nghề
Để có suy nghĩ, quyết định dứt khoát này, Thế Hưng đã mất một năm để tìm hiểu về Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech và thuyết phục ba mẹ, thầy cô tin tưởng mình.
Số là đầu năm học lớp 12, Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech về Trường THPT Tân An tư vấn, giới thiệu chương trình học. Sau khi được tư vấn, Thế Hưng cảm thấy trung tâm có ngành CNTT phù hợp với sở thích của bản thân nên lên mạng tìm hiểu, rồi hỏi thêm các anh chị làm trong lĩnh vực CNTT… Mọi người còn giới thiệu thêm cho Thế Hưng một số trung tâm dạy nghề khác để em có sự so sánh kỹ lưỡng hơn. Sau đó em còn tham khảo ý kiến của thầy cô và bạn bè để họ có thêm những lời khuyên bổ ích cho mình. Thế Hưng cho hay: “Thầy cô cũng khuyên em nên đi theo sở thích và khả năng của mình, không nhất thiết phải là con đường ĐH mà quan trọng nhất vẫn là khả năng, kỹ năng và đam mê công việc của mình. Đa số đều khuyên em nếu đã chọn con đường mạo hiểm này thì phải học hết mình, cố gắng trau dồi thật tốt. Không có gì phải sợ cả, khi kỹ năng và ngoại ngữ của mình tốt thì không sợ thất nghiệp”.
Thuyết phục thầy cô, bạn bè tin tưởng mình không quá khó nhưng đối với ba mẹ thì đây quả là một điều không hề dễ vì các bậc phụ huynh đều rất lo lắng cho tương lai của con cái. Đặc biệt là bỏ trường ĐH có tiếng với tương lai đầy hứa hẹn để chọn học nghề thì không phải ai cũng dễ tin tưởng khi trong mắt họ “con mình còn ở độ tuổi quá nhỏ”. Vậy bằng cách nào mà chàng trai trẻ này có thể thuyết phục được ba mẹ?
Thế Hưng chia sẻ: “Lúc đầu ba mẹ em cũng lo lắng vì em không chọn con đường ĐH như bạn bè cùng lớp. Ba mẹ khuyên em suy nghĩ kỹ và chưa đồng tình với quyết định này vì cho rằng em suy nghĩ khá vội vàng. Em đã giải thích chi tiết cho ba mẹ về chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế của Aptech, toàn bộ giáo trình, tài liệu bài thi đều do Ấn Độ gửi qua, người học liên tục được cập nhật công nghệ mới… Sau đó em giải thích thêm về triển vọng việc làm sau này cũng như những chương trình liên kết với các trường ĐH quốc tế sau khi tốt nghiệp tại trung tâm”.
Những vấn đề này Thế Hưng nói với ba mẹ từ đầu năm lớp 12 nên em và ba mẹ có thời gian dài để suy nghĩ, tìm hiểu và đưa ra quyết định cuối cùng. Ba của Thế Hưng cũng lên mạng tìm hiểu thêm thông tin nên bớt lo lắng và ủng hộ em đi theo con đường đã chọn. Cuối cùng, ba mẹ đã cho em toàn quyền quyết định tương lai, không bắt ép hay ràng buộc gì cả. “Đó cũng là động lực lớn và trách nhiệm lớn để em phấn đấu học thật tốt”, Thế Hưng bày tỏ.
Bài, ảnh: Dương Bình
Nói về kế hoạch cho tương lai, Đặng Nguyễn Thế Hưng cho hay: “Em dự định sẽ tự tìm hiểu, học thêm một số kỹ năng thiết kế website để sau khi kết thúc học kỳ 1, chậm lắm là học kỳ 2 sẽ xin làm thêm ở một dự án nào đó nếu có cơ hội. Qua đó giúp em tiếp xúc với thực tiễn công việc, tích lũy kinh nghiệm thêm cho bản thân. Còn thời gian rảnh, em sẽ đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, đồng thời có thêm kinh nghiệm sống”.
 

Bình luận (0)