Khi bị khủng hoảng tinh thần, trẻ rất cần sự hỗ trợ của người lớn về nhiều mặt (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
|
Vừa qua, dư luận xã hội rộ lên chuyện Hào Anh – cậu bé cách đây 4 năm bị ngược đãi ở trại tôm giống Minh Đức, huyện Đầm Dơi, Cà Mau – nay đã đủ tuổi công dân, có những hành vi ngược đãi cha mẹ và tiêu xài vô độ. Hành vi lệch chuẩn này chính là thái độ phản ứng từ những suy nghĩ ngầm ẩn mang tính tiêu cực nội tại từ khủng hoảng tâm lý trước đó mà em gánh chịu.
Nhưng suy cho cùng, xét về góc độ tâm lý đó là hệ quả tất yếu của một quá trình sống chịu áp lực. Hành vi của Hào Anh là một biểu hiện của sự khủng hoảng, sang chấn về mặt tâm lý, tinh thần. Ở thời điểm Hào Anh được giải thoát khỏi sự ngược đãi tàn nhẫn của chủ trại tôm, nếu em được đưa đến một trung tâm giáo dục để học văn hóa, hay được các tổ chức, doanh nghiệp cho đi học nghề thì có lẽ 4 năm sau, em đã “vững bước” vào đời cùng số tiền các nhà hảo tâm cho mà không có những hành vi đau lòng xảy ra do không kiểm soát được sự khủng hoảng tâm lý ẩn ức bấy lâu.
Phản ứng tâm lý khi bị khủng hoảng
Con người khi phải trải qua những vấn đề trước khủng hoảng thường có những hành vi phản ứng trầm trọng hơn. Tập trung quan tâm tới những phản ứng của cá nhân sẽ giúp chúng ta cung cấp những sự trợ giúp kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, yếu tố độ tuổi cũng là một nhân tố quan trọng gây tác động trực tiếp tới những phản ứng của trẻ. Dưới đây là một số phản ứng điển hình của trẻ theo những độ tuổi khác nhau: Giai đoạn trước khi 5 tuổi sẽ khóc rất nhiều, thường luôn bám theo người lớn, hoặc cũng có thể trở nên quá nghịch ngợm. Giai đoạn khoảng 6 đến 12 tuổi thường có những hành vi thoái lui. Ví dụ như muốn đi trốn hoặc ngủ một mình. Các vấn đề như mút tay hoặc đái dầm có thể xuất hiện trở lại. Trong độ tuổi này trẻ cũng thường thể hiện sự căng thẳng qua các hành vi như đánh nhau, cũng có thể tự xa lánh với người khác, từ chối làm một số việc hoặc lười ăn. Các phản ứng mạnh hơn sẽ bao gồm việc thường bị đau bụng, gặp ác mộng hoặc thực hiện những công việc hàng ngày rất khó khăn. Những phản ứng này có thể xảy ra với mọi người trong mọi độ tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ em thì cần có sự quan tâm đặc biệt nếu những hiện tượng này xảy ra thường xuyên.
Trẻ vị thành niên có thể phản ứng với khủng hoảng qua việc thay đổi tâm trạng, trở nên lì lợm và khó bảo hơn bình thường, không tập trung và không hoàn thành các công việc hoặc không làm theo những chỉ dẫn. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng có thể tự chỉ trích bản thân và trải qua những thời điểm luôn cho rằng mình là người có lỗi.
Cách thức hỗ trợ khi bị khủng hoảng
Trẻ vị thành niên có thể phản ứng với khủng hoảng qua việc thay đổi tâm trạng, trở nên lì lợm và khó bảo hơn bình thường…
|
Can thiệp hỗ trợ khủng hoảng là việc trị liệu, giúp đỡ ngay lập tức hoặc trong những trường hợp khủng hoảng cần thiết. Mục tiêu của can thiệp hỗ trợ là nhằm giải tỏa khủng hoảng nhanh chóng và ngăn ngừa những hậu quả lâu dài của những sự kiện gây tổn thương. Cụ thể, người lớn cần trò chuyện cùng trẻ sau khi gặp khủng hoảng và khích lệ để trẻ nói về những câu chuyện hoặc để trẻ bộc lộ những suy nghĩ sai lệch về những vấn đề liên quan đến sự kiện khủng hoảng. Sau khi lắng nghe một cách đồng cảm, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu những vấn đề mà trẻ còn nghĩ sai lệch với một thái độ không phán xét. Bên cạnh đó, phụ huynh cần giúp trẻ học những từ ngữ phù hợp để diễn tả cảm xúc như buồn, sợ hãi, giận dữ hoặc hạnh phúc. Hãy lưu ý rằng thế giới của trẻ khác xa với người lớn. Do đó các từ ngữ cũng cần phù hợp với cảm xúc của trẻ chứ không phải của chúng ta. Thiết lập lại những công việc và sự trật tự hàng ngày cho trẻ vì các công việc hàng ngày sẽ giúp tạo ra một cảm giác an toàn cho trẻ. Khuyến khích trẻ nhỏ vẽ tranh, nặn đất sét… để diễn tả các cảm xúc. Những trẻ lớn hơn có thể được tạo cơ hội để vẽ, làm thơ hoặc các hoạt động khám phá cảm xúc khác. Sau đó để tự trẻ đọc hoặc trình bày những tác phẩm đó… Việc này sẽ giúp trẻ vượt qua được những tổn thương mà mình gặp phải trong cuộc sống. Ngoài ra, phụ huynh có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể hiện sự quan tâm tới người khác như viết thư, gửi ảnh, hoặc làm những việc phù hợp với khả năng, qua đó tạo cơ hội để trẻ tập trung suy nghĩ và có những cảm xúc tích cực. Đặc biệt lànhắc trẻ rằng “con luôn có được sự quan tâm từ mọi người”. Điều này sẽ trấn an và để trẻ hiểu rằng mình không cô đơn, lạc lõng.
Lê Phạm Phương Lan (giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Khủng hoảng là một trạng thái sốc tinh thần do một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện bất thường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng tới cá nhân. Trong tình trạng này cá nhân cảm thấy mất cân bằng, căng thẳng. Khi bị khủng hoảng, cá nhân thường cố gắng đối phó với vấn đề, nhưng các phương án ứng phó với những khó khăn thường ngày có thể sẽ không có hiệu quả nữa và cá nhân trở nên bị hụt hẫng. |
Bình luận (0)