Cần có lộ trình định hướng phân luồng học nghề ngay từ THCS để rút ngắn khoảng cách thợ – thầy. Ảnh: V.Yên
|
Sau khi quyết định về một kỳ thi quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố, nhiều người băn khoăn: Hệ thống các trường TCCN, TC nghề… đứng ở đâu trong Đề án một kỳ thi này? Câu trả lời có lẽ thuộc tầm vĩ mô…
Bởi vậy, ở đây tôi chỉ đưa ra vài ý kiến thể hiện quan điểm riêng mong góp chút ít để nâng cao hơn vị thế của người thợ lành nghề trong môi trường lao động hiện tại.
Lâu nay, cứ vào mỗi mùa tuyển sinh, cả phụ huynh lẫn học sinh đều hướng mục đích của mình đến các trường ĐH, CĐ. Thậm chí, việc lựa chọn ngành học ở trường CĐ đôi khi bị “đẩy” về phương án 2. Rất ít người nghĩ đến một ngành nghề ở trường TC. Gần như, vào TCCN hay TC nghề chỉ là do không còn sự lựa chọn nào khác, hoặc với số ít trường hợp muốn ra trường nhanh để có việc làm. Nói chung, TCCN không phải là sự lựa chọn tối ưu của đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Vài năm trở lại đây, hệ thống trường TCCN, TC nghề ngày càng phải đối mặt với nguy cơ “phá sản” do tuyển sinh èo uột. Thiết nghĩ, song song với Đề án một kỳ thi quốc gia và các phương án tuyển sinh ĐH, CĐ thì cũng cần có phương án tuyển sinh cho các trường TCCN, TC nghề. Có như vậy, tình trạng mất cân bằng giữa thầy và thợ mới được rút ngắn khoảng cách; đồng thời, hệ thống giáo dục dạy nghề không phải rơi vào nguy cơ chết yểu do không thể tuyển sinh. Theo tôi:
Thứ nhất, cần phải có sự phân luồng, định hướng học nghề rõ rệt hơn trong nhà trường phổ thông. Tư vấn cho học sinh, phụ huynh theo năng lực, đam mê nghề nghiệp để các em có sự lựa chọn đúng đắn. Việc phân luồng và định hướng cần mang tính chuyên nghiệp và có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan bao gồm cả nhà trường phổ thông với trường dạy nghề và dự báo được nhu cầu thực tế của các đơn vị tuyển dụng lao động. Chúng ta hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì nên chăng cũng cần đổi mới căn bản hệ thống giáo dục dạy nghề để đào tạo kỹ năng nghề cho người học nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh phát triển của nền kinh tế nước nhà. Thứ hai, trong phương án tuyển sinh cần phải xem xét lại đầu vào của các trường ĐH ngoài công lập, tránh tình trạng đầu vào không cao, san bằng giống như phổ cập ĐH thì học sinh cứ thế chen chân vào ĐH để có hẳn tấm bằng cử nhân thay vì chọn một ngành ở hệ giáo dục dạy nghề để làm thợ. Thứ ba, cũng là điểm quan trọng đóng vai trò quyết định, đó là hiện nay xu thế chạy theo bằng cấp đã hằn sâu trong tư duy dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Và nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là do tư duy chạy theo bằng cấp của phụ huynh, của học sinh. Tuy nhiên cần phải có một cái nhìn sâu xa hơn, phải chăng do vị thế của người thợ không được trọng dụng hơn người thầy, thu nhập cũng chênh lệch nên dẫn đến sự thiếu cân bằng trong đào tạo thầy và thợ? Vấn đề này đặt ra yêu cầu chúng ta phải có một lộ trình để xây dựng vị thế của người thợ như nhiều nước khác trên thế giới đã làm. Cần khảo sát thực tế về nhu cầu nhân lực, nhu cầu nghề gắn với thực tiễn xã hội để có hướng thu hút đào tạo. Một khi tay nghề của người thợ được coi trọng, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của họ và gia đình thì sự lựa chọn trường nghề lúc đó là xu thế tất yếu.
Tất nhiên bên cạnh các phương án tuyển sinh gắn liền lợi ích người lao động cũng như sự tồn tại của hệ thống giáo dục dạy nghề, “đòn bẩy” việc làm, thu nhập cho người lao động thì chính bản thân mỗi trường TCCN, TC nghề cũng phải có đề án tuyển sinh đa dạng ngành nghề, cung ứng nguồn nhân lực thực sự có tay nghề, trình độ kỹ thuật, kỹ năng làm việc cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng được thương hiệu của chính mình mới thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào một cách dồi dào.
Lê Ngọc Thanh
(Phòng Công tác học sinh – sinh viên, Trường CĐ Phương Đông, Đà Nẵng)
Chúng ta hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì nên chăng cũng cần đổi mới căn bản hệ thống giáo dục dạy nghề để đào tạo kỹ năng nghề cho người học nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh phát triển của nền kinh tế nước nhà. |
Bình luận (0)