Học viên trường nghề đang được hướng dẫn thực hành nghề hàn. Ảnh: M.Tâm
|
Giáo dục dạy nghề từ năm 2015 sẽ như thế nào nếu như Bộ GD-ĐT quyết định áp dụng một kỳ thi quốc gia? Đó là câu hỏi mà Giáo dục TP.HCM đặt ra với ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội.
Ông Vinh cho hay: Chúng ta đã rất nhiều lần đổi mới giáo dục toàn diện nhưng chất lượng đào tạo vẫn ngày càng đi xuống. Tất nhiên có những cái lớn mạnh rất nhiều như CNTT, ngoại ngữ, kinh tế…, nhưng tổng thể chung, tôi thấy không bằng ngày xưa. Chẳng hạn ngay như Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội, kiến thức kỹ năng của học viên thì chỉ bằng già một nửa so với ngày xưa. Có nhiều nguyên nhân, không phải chỉ trong nhà trường mà còn nguyên nhân xã hội, cơ chế chính sách…
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đúng là rất quan tâm đến dạy nghề. Nhưng quan tâm khác ngày xưa. Ví dụ, ngày xưa đi học nghề, được lĩnh gạo thêm. Bởi học nghề khác học ĐH, vì phải lao động, sản xuất, đứng máy móc. Bậc lương so với ĐH chênh nhau không nhiều. Bên cạnh đó, vị thế của người công nhân ngày xưa rất đề cao. Ở các khu công nghiệp đều có các khu tập thể. Trong khu tập thể đó có bệnh xá, trường học…, nhưng sự quan tâm ngày nay không còn nữa. Do đó, vị thế của người công nhân mất dần. Học nghề giờ là lựa chọn thứ yếu. Đã qua cái thời học nghề ra làm công nhân là niềm tự hào của gia đình. Chính vì những cái đó nên chúng ta phải đổi mới. Nếu không đổi mới, chắc chắn ngành giáo dục sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.
Những năm qua, giáo dục dạy nghề luôn đi đầu trong việc đổi mới. Cụ thể, cách đây mấy năm đã đổi mới chương trình. Nhiều chương trình còn mua của nước ngoài, hay đưa giáo viên sang nước ngoài học tập để về dạy chương trình nhập khẩu. Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội hiện có 5 giáo viên đang học ở Úc để về dạy các chương trình nhập khẩu của Úc. Tuy nhiên, theo tôi, hai yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đổi mới là giáo viên và chương trình. Chương trình chúng ta có thể nhập khẩu, còn giáo viên phải bồi dưỡng. Cụ thể, giáo viên phải qua sư phạm dạy nghề và phải qua đánh giá nghề. Còn chương trình trong nước thì phải xây dựng mới cho phù hợp với tình hình thực tế…
Trong đề án một kỳ thi quốc gia, việc tuyển sinh của các trường nghề không được đề cập tới, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Hỏi thế rất khó. Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH là hai bộ khác nhau. Tuy nhiên, phải nói thế này, Nhà nước phải phân luồng học sinh. Những học sinh nào sẽ học ĐH, học sinh nào sẽ học nghề và học sinh nào sẽ học TCCN. Hiện nay chúng ta đang thừa thầy thiếu thợ, tâm lý ai cũng muốn vào ĐH. Học sinh giỏi thì vào ĐH Quốc gia, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương…; học sinh khá thì vào các trường tốp giữa, tốp dưới của hệ công lập; không thể đạt yêu cầu thì vào ĐH dân lập. Tất cả những điều đó vô hình trung tiếp tay cho tư tưởng muốn học ĐH, không ai muốn học nghề. Thực tế, từ khi các trường ĐH “cởi mở” bao nhiêu thì trường nghề ít người học bấy nhiêu. Đi ngược với chính sách, định hướng của Nhà nước. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp thiếu công nhân. Tôi có đến Khu công nghiệp Bắc Ninh, ở đó Công ty Canon của Nhật ghi cần tuyển 1.000 lao động, trình độ từ lớp 6 trở lên. Nếu những người này đã từng được đào tạo qua sơ cấp nghề 3 tháng, 6 tháng thì chắc chắn họ sẽ khác. Tôi cũng mong rằng, tất cả mọi ngành nghề trong xã hội đều phải qua cơ sở đào tạo nghề, kể cả người bán xôi, thợ cắt tóc… thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Giống như muốn lái xe phải có bằng. Định hướng Nhà nước phải đưa ra chế tài thì xã hội mới tốt.
Tổ chức một kỳ thi quốc gia có ảnh hưởng đến trường nghề không, thưa ông?
Thực tế, từ khi các trường ĐH “cởi mở” bao nhiêu thì trường nghề ít người học bấy nhiêu. |
– Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến trường nghề. Những trường tổ chức tuyển sinh riêng thường xét học bạ. Khi xét đến học bạ, tôi phải nói đến sự đồng nhất giữa các trường phổ thông, giữa các vùng miền không giống nhau vì chúng ta chưa có một đơn vị đánh giá khách quan. Ngay tại Hà Nội, học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam khác với học sinh Trường THPT Trần Phú, Việt Đức hay các trường dân lập. Xét trên cái chưa có chuẩn thì rõ ràng không chính xác. Bởi vậy việc tuyển sinh của các trường nghề sẽ bị ảnh hưởng do dư luận chưa có một nhận thức về học nghề.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Trong hệ thống trường nghề có cả học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. Vậy theo ông, chương trình – sách giáo khoa mới sắp tới có cần tách riêng không?
– Thực ra là do hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH chưa ngồi lại với nhau. Nhà nước cũng chưa có sự chỉ đạo việc này. Đối với các em học văn hóa trong trường nghề hoặc TCCN phải thiết kế lại chương trình. Phải có một chương trình riêng cho hệ thống trường này. Đối với hệ thống trường phổ thông, nếu phân luồng tốt thì khối đi vào ĐH, các em phải học chương trình khác; khối nào vừa học nghề, vừa học văn hóa thì phải có chương trình khác. Tôi nghĩ, để giải quyết vấn đề này, hai bộ phải ngồi với nhau. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ lo phần của mình. Ngày xưa dạy nghề nằm trong Vụ Chuyên nghiệp và Dạy nghề cho nên Bộ GD-ĐT coi giáo dục dạy nghề rất nhỏ. Nhưng khi sang Bộ LĐ-TB&XH thì vị thế của dạy nghề cao hơn hẳn. Vấn đề là ở sự quan tâm.
|
Bình luận (0)