Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh năm 2015 tại cần thơ: Hệ TCCN sẽ bị… xóa sổ?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ trong tiết thí nghiệm thực hành. Ảnh: Đ.Phượng
Trên địa bàn TP.Cần Thơ có 5 trường ĐH, 1 phân hiệu của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và 8 trường CĐ. Trong đề án tuyển sinh năm 2015, các trường này sẽ căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt  nghiệp THPT quốc gia do mình chủ trì, làm cơ sở xét tuyển và “nói không” với kết quả kỳ thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT tổ chức.
Nhiều cơ hội trúng tuyển 
GS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi chủ trương không làm phức tạp tình hình thi cử, giữ nguyên 3 môn thi cũ để thí sinh không phải xáo trộn trong học tập, ôn luyện. Mặt khác, chúng tôi tin tưởng vào kỳ thi quốc gia do các trường ĐH chủ trì tại các cụm thi, vì bản chất vẫn giữ được những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây như tính nghiêm túc, minh bạch, công bằng, đánh giá được thực chất thí sinh”.
Tuy nhiên trong phương án xét tuyển, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có Trường CĐ Y tế Cần Thơ và Trường ĐH Y dược Cần Thơ là căn cứ theo các môn của khối B gồm: Toán, hóa và sinh, không nhân hệ số môn nào. Đối với Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nếu nhiều thí sinh đồng điểm xét tuyển, trường sẽ ưu tiên chọn môn hóa để xét từ điểm cao xuống thấp theo chỉ tiêu… Điểm nổi bật là trường phân định cụ thể tỷ lệ thí sinh theo vùng, miền: Dành 85% chỉ tiêu cho thí sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 15% còn lại cho thí sinh có hộ khẩu ở Nam  Trung bộ, Đông Nam bộ (trừ TP.HCM).
GS.TS Phạm Văn Lình giải thích: “Trường ĐH Y dược Cần Thơ được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực y tế cho đồng bằng sông Cửu Long nên phải ưu tiên cho khu vực này, vì nếu xét tuyển từ điểm cao xuống, thí sinh khu vực này sẽ khó cạnh tranh với thí sinh những vùng, miền khác”.
Đối với những trường còn lại, ngoài việc duy trì  khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, các trường còn bổ sung nhiều tổ hợp môn thi mới trong xét tuyển. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, ngành hệ thống thông tin có các tổ hợp môn: Toán, lý, hóa và toán, lý, tiếng Anh (môn toán nhân hệ số 2). Trường ĐH Cần Thơ đào tạo nhiều chuyên ngành nhất nên cũng là trường có nhiều tổ hợp môn thi mới nhất. Mỗi ngành học có từ 2 đến 4 tổ hợp môn để xét tuyển. Chẳng hạn, ngành tài chính – ngân hàng, thí sinh được chọn một trong 4 tổ hợp: Toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh; toán, văn, hóa… Nhìn chung, việc bổ sung những tổ hợp môn mới này sẽ giúp thí sinh thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ.
Riêng với các trường ĐH ngoài công lập, việc xét tuyển rất rộng. Chẳng hạn, Trường ĐH Nam Cần Thơ sẽ dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì; 70% còn lại xét tuyển căn cứ theo quá trình học tập (học bạ) bậc THPT, với 2 hình thức: 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12) và kết quả học tập của 2 học kỳ lớp 12. Thí sinh có điểm trung bình từ 6,0 trở lên thì  học ĐH, từ 5,5 trở lên học CĐ. Đặc biệt, những thí sinh theo diện xét tuyển này không cần phải tốt nghiệp THPT(?!)
Còn nhiều trăn trở
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Với kinh nghiệm trong tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”, Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cho cụm Cần Thơ. Tuy nhiên, với qui mô lớn của kỳ thi nên cả nước sẽ có nhiều trường ĐH tham gia chủ trì cụm thi, do vậy chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT đẩy mạnh công tác giám sát khâu tổ chức và chấm thi tại các cụm thi nhằm đảm bảo sự nghiêm túc giữa các cụm, và công bằng cho  thí sinh”.
Ngoài ra, để tránh lãng phí, theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Bộ GD-ĐT cần xem xét không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương vì hầu hết các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều trường CĐ, TCCN băn khoăn: “Với phương án xét tuyển “quá mở” của những trường ĐH ngoài công lập, e rằng sắp tới hệ CĐ càng thêm khó trong tuyển sinh; còn hệ TCCN sẽ phải xóa sổ vì không còn nguồn tuyển”.
Đan phượng
 
Để tránh lãng phí, theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Bộ GD-ĐT cần xem xét không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương vì hầu hết các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả này để xét tuyển. 

Bình luận (0)