Anh Nguyễn Văn Tráng (thứ 2 từ phải qua) tặng áo ấm giúp bà con và trẻ em qua mùa đông giá lạnh
|
“Tôi sớm chịu cảnh mồ côi, cuộc sống phần lớn nhờ tấm lòng thơm thảo của bà con dân tộc, khi củ khoai, lúc củ sắn để sống qua ngày. Bây giờ cuộc sống khá hơn, tôi muốn làm được điều gì đó, dù là nhỏ nhặt để giúp các em ở miền núi xa xôi này có điều kiện tới trường…”.
Đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Tráng, nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).
Ấm lòng kẻ khó
Tôi biết anh Tráng qua những câu chuyện của bà con ở bản Cát, Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Và khi trò chuyện cùng anh mới hiểu hết tấm chân tình mà anh dành cho bà con ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh ở huyện Đakrông. “Tôi chỉ góp một phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với bà con và các em học sinh. Làm được gì cho bà con thì dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố gắng. Cuộc sống này cho đi nghĩa là nhận lại!”, anh Tráng bày tỏ.
Kí ức của anh về những năm tháng tuổi thơ như cuốn phim quay chậm: “Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo, lại sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ nên tuổi thơ lam lũ mới có cái ăn, cái mặc. Ngày đó tôi nhờ vào sự cưu mang của bà con vùng cao này (bản Cát – PV) mới có thể được như ngày hôm nay. Bởi vậy, tôi chọn nơi này để công tác cũng là lưu luyến với bản làng, có điều kiện làm được gì đó trả ơn bà con”.
Đi nhiều, thấy nhiều về sự thiếu thốn của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, các em nhỏ co ro trong manh áo mỏng giữa trời giá rét, anh lại trăn trở sau mỗi chuyến trở về. Anh mường tượng đến thời thiếu thốn của mình ngày xưa, thế là lại lặn lội đi thu gom quần áo ấm để đem tặng bà con và các em. Mỗi chuyến đi, anh thường đưa cậu con trai nhỏ của mình theo để vừa tạo điều kiện cho con có thêm nhiều bạn mới, đồng thời giúp con hiểu và chia sẻ với các bạn nghèo. Hơn 10 năm trôi qua như thế, cứ vào mỗi đầu mùa đông, bà con các bản làng lại thấy cha con anh tay xách, nách mang đủ thứ từ thực phẩm đến áo quần đến cho các em nghèo. Rồi cứ mỗi mùa xuân sắp đến, anh lại bàn với vợ trích một phần tiền tiết kiệm của gia đình, mua hàng chục phần quà tặng những gia đình khó khăn ở bản Cát như: Nước mắm, dầu ăn, muối, bánh kẹo…
Giúp bà con manh áo qua ngày đông không vững bằng “cần câu” cho chính họ làm kinh tế vươn lên. Anh Tráng nghĩ thế và lại bàn với vợ. Thương chồng, vợ anh – chị Đặng Thị Ngân – dù cuộc sống còn eo hẹp với đồng lương giáo viên tiểu học vẫn gật đầu đồng ý rút 8 triệu đồng mà hai vợ chồng chắt bóp mấy năm trời để mua bò tặng cho gia đình anh Hồ Pả Chim ở bản Cát – hộ nghèo nhất của bản. Vài năm sau, khi số bò tăng theo cấp số nhân thì những con bò giống gốc này lại được giao cho các hộ nghèo khác để phát triển kinh tế.
Không chỉ có thế, nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hồ Pả Đinh – cũng ở bản Cát – đông con, phải nuôi cháu và người mẹ già yếu sống chật vật trong căn nhà sàn chật hẹp, dột nát, anh Tráng vận động anh Pả Đinh tách hộ, động viên bà con giúp đỡ bằng ngày công, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn dựng nhà mới. Anh bỏ tiền túi ra phụ thêm các loại vật liệu khác như dây thép, dây gấc, lương thực thực phẩm… Tiếp đó, anh bàn với Hồ Pả Chim bán hết đàn bò để đầu tư cho gia đình anh Pả Đinh nuôi dê. Rồi anh còn bỏ tiền túi mua các loại cây con giống như keo lá tràm, cá giống đem về hỗ trợ bà con trồng trọt và chăn nuôi. Sau đó bày bà con cách trồng sắn, trồng dứa xen canh gối vụ, trồng cây gây rừng để tính kế lâu dài…
Giúp bà con tránh xa các hủ tục
Anh Tráng bảo, với bà con ở các bản làng vùng cao, chuyện đến bệnh viện là vạn bất đắc dĩ khi ốm nặng. Bà con sống giữa núi rừng giàu tài nguyên thuốc nam nhưng không mấy ai biết đến. Dù đời sống đã hiện đại nhưng nhiều nơi vẫn còn mê tín theo kiểu mời thầy cúng về đuổi tà ma khi có người thân trong gia đình đau ốm. Bệnh vì thế càng trầm trọng thêm. Muốn bà con tránh xa những hủ tục ấy thì không cách nào khác là động viên bà con tới bệnh viện.
Anh Tráng kể, do đi nhiều và tìm hiểu nhiều trên sách vở nên anh biết mặt nhiều loại cây thuốc nam. Do đó, hễ tới bản làng nào có cây thuốc là anh được bà con tặng để mang về ươm trong vườn nhà, đến nay có gần 70 loại. Hễ ai ốm đau tìm đến, anh lại xắn tay áo giúp đỡ. “Có năm, gần 20 người bị ong vò vẽ cắn, tôi đã sử dụng lá cây thuốc trong vườn giã ra đắp lên, cắt được cơn sốt và an toàn tính mạng…”, anh Tráng cho biết.
Anh cho biết thêm, vườn thuốc nhà anh có nhiều loại cây chữa đau răng, đau bụng, bệnh về gan rất hiệu nghiệm, cũng có nhiều cây chưa biết tên gọi.
Thầm lặng với những công việc không lương, bà con gọi anh là “đứa con của bản làng”. Chia sẻ về việc làm của mình, anh Tráng cười nói: “Tôi làm những việc này, không phải để được ngợi khen. Tôi nghĩ, sống ở đời, cần có tấm lòng biết sẻ chia với hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Bà con có cái ăn, cái mặc, các cháu nhỏ có thêm cơ hội đến trường là tôi thấy vui rồi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Anh Nguyễn Văn Tráng sinh năm 1972, quê ở xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa). Đến nay anh có hơn 10 năm tình nguyện làm công việc “vác tù và hàng tổng” ở các bản làng xa xôi thuộc hai huyện Đakrông và Hướng Hóa. Cứ mỗi chuyến đi công tác, anh lại tranh thủ thời gian rảnh ghé vào các bản làng để tìm hiểu về đời sống, phong tục tập quán của bà con…
|
Bình luận (0)