HS tiểu học tranh tài trong một cuộc thi robotics |
Thông qua những bộ công cụ lắp ghép, học sinh (HS) vừa có được những tiết thực hành lắp ghép, vừa có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo của bản thân. Giá trị này thể hiện trong môn học liên quan đến lắp ghép đã và đang được các trường học xem xét đưa vào. Tuy nhiên, để đưa vào giảng dạy đại trà thì không phải trường nào cũng thực hiện được.
Trải nghiệm kỹ năng qua thao tác lắp ráp
Mỗi HS đều có câu chuyện để kể – đó là chủ đề tiết học kể chuyện, được giảng mẫu trong hội thảo giới thiệu “Chương trình giáo dục Lego dành cho HS tiểu học” diễn ra mới đây tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM). Chương trình này do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) phối hợp với Tập đoàn DDT tổ chức. Thông qua một bộ các nhân vật robot có sẵn, giáo viên (GV) yêu cầu HS ghép thành mô hình nhân vật với nhiều vai trò khác nhau. Dựa vào mô hình này, HS sẽ tưởng tượng ra những câu chuyện, sau đó sắm vai để kể và trình diễn. Tiết học diễn ra tương tự như một vở kịch, trong đó HS là diễn viên. Ngược lại, đến với tiết học toán, GV cũng đưa ra các mảnh ghép, HS được yêu cầu lắp ghép mô hình rắn có chiều dài 15 ô thông qua 6 miếng ghép, sau đó phải giải thích cách ghép.
Theo bà Hatten (đại diện Tập đoàn DDT, người giảng mẫu 2 tiết học), những tiết học này sẽ mang đến tâm trạng thoải mái cho HS. Theo đó, các em được tự tay lắp ghép ra các mô hình khác nhau nhờ tư duy, trí tưởng tượng của mình. Đây cũng là điều kiện để HS học kỹ năng hợp tác, tính toán, kể cả kỹ năng giao tiếp. Cụ thể qua tiết kể chuyện, HS sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, thuyết trình cho người khác nghe. Tại đây, các em còn học cách viết truyện tranh tường thuật. Còn ở tiết toán, để làm tốt các em phải tính toán số ô cho các miếng ghép, suy nghĩ cách ghép ra sao cho ra chú rắn vừa dài, vừa có hình dáng sinh động. “Thông qua việc xây dựng các mô hình mô phỏng có thật trong đời thường, HS được xây dựng nền tảng kiến thức trong não bộ một cách hệ thống để phát huy khả năng sáng tạo. Vì các em được học bằng cách kết hợp giữa logic lắp ráp, giải thích lý do thông qua trí tưởng tượng và sự yêu thích. Đây còn là điều kiện để các em học các cách giải quyết vấn đề thông qua rút kinh nghiệm những lần thất bại khi lắp ráp các mảnh ghép cũng như rèn tính kiên nhẫn”, bà Hatten cho biết.
Đánh giá về giá trị của 2 tiết dạy mẫu trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết: “Chương trình giáo dục Lego đem đến cho HS cơ hội phát triển tư duy, khả năng sáng tạo cũng như nhiều kỹ năng khác. Mặc dù hiện tại thành phố chưa triển khai chương trình giáo dục này, tuy nhiên ngành cũng cần giới thiệu để GV nắm bắt biết đến. Chúng tôi cũng sẽ xem xét có nên đưa vào thực hiện tại các trường không. Nếu như triển khai, những trường có điều kiện và nhu cầu có thể tham gia”.
Đưa vào dạy học không dễ
Lãnh đạo nhiều trường học đánh giá cao hiệu quả mà chương trình học tập thông qua lắp ráp mô hình đem tới. Minh chứng cho điều này là một số trường tiểu học (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Đinh Tiên Hoàng thuộc Q.1; Giồng Ông Tố, Q.2) và THCS (Nguyễn Văn Tố, Q.10; Hồng Bàng, Q.5…) đã đưa vào thực hiện giảng dạy ngoại khóa môn học lắp ráp, cụ thể đó là môn robotics. Môn học này vừa tạo thêm sân chơi, vừa trang bị những kiến thức về khoa học tự nhiên; các nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế… từ đó giúp HS hiểu, đam mê với các thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ hiện nay, thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học. Kết quả được thể hiện một cách rõ nét khi hàng năm, rất nhiều HS tham gia các cuộc thi về sáng tạo robotics trong và ngoài nước đạt giải cao.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường, việc thực hiện môn học qua thao tác lắp ráp nói chung có không ít khó khăn về thời gian, điều kiện kinh tế. Hiệu trưởng Trường Tiểu học P. (Q.2) tham gia Hội thảo giới thiệu chương trình giáo dục Lego không phủ nhận mặt hay của chương trình. Tuy nhiên vị hiệu trưởng này cho rằng thời gian, lịch học, sinh hoạt của HS tiểu học hiện nay đều kín mít, nếu như có đưa vào dạy học như những môn học khác thì cũng khó mà thực hiện. Đó là chưa kể đến kinh phí trang bị đồ dùng dạy học. Đề cập đến môn robotics tại các trường đang thực hiện, thầy Phạm Minh Thiện, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, chia sẻ: “Để triển khai được môn học này phải có dụng cụ lắp ráp, máy tính, phòng học và GV. Nhưng chỉ tính riêng một bộ lắp ráp đã có giá hàng triệu đồng. Nếu để HS tự trang bị thì chỉ có những em nhà khá giả mới có điều kiện mua. Còn nếu nhà trường đứng ra tự đầu tư cũng rất khó vì thiếu kinh phí. Do đó việc thực hiện không dễ chút nào”. Mặc dù đã thực hiện giảng dạy ngoại khóa, HS trong trường đi thi đạt nhiều giải cao, nhưng đến nay Trường THCS Hồng Bàng cũng mới đầu tư gần 10 bộ lắp ráp robot, kinh phí trả góp dần. Trường Tiểu học P. cũng thực hiện dạy môn robotics, nhưng chỉ có gần 20 HS có điều kiện theo học. Bởi học phí mà các em phải đóng cho các khóa học rất cao.
Có thể thấy, mặc dù giá trị của môn học mang lại cho HS không nhỏ, nhưng kinh phí, điều kiện thực hiện đòi hỏi cao đã khiến nhiều trường không dám triển khai. Chỉ những trường có điều kiện mới mạnh dạn thực hiện, song số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Bài, ảnh: N.Trinh
Bình luận (0)