Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp giáo viên vượt qua áp lực

Tạp Chí Giáo Dục

GV đứng lớp chịu nhiều áp lực nên phải rèn luyện và hoàn thiện mình lâu dài
Giáo viên (GV) là người trực tiếp giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh (HS), tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp GV tự tử hay tạt axít vì mâu thuẫn với đồng nghiệp gây xôn xao dư luận.
Thực trạng này khiến dư luận băn khoăn: Phải chăng việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên sư phạm hiện chưa được chú trọng? Xung quanh vấn đề này, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
PV: Gần đây dư luận xôn xao trước việc một nữ GV trẻ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) uống thuốc độc tự tử trước cửa phòng hiệu trưởng. Trước đó, một nữ GV ở quận Thủ Đức cũng uống thuốc độc tự tử trước mặt lãnh đạo Phòng GD-ĐT… Dưới góc độ tâm lý, ông nhìn nhận thế nào về các trường hợp đáng tiếc như trên?
– PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc GV có những phản ứng mang tính thiếu cân nhắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể đề cập đó là sự thiếu bản lĩnh, sự nóng vội, sự căng thẳng vì cái tôi… Nhưng một trong những nguyên nhân sâu xa là thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân trong ứng xử, trong việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột…
Có thể nói rằng công việc giảng dạy hay giáo dục không còn là một nghề nhàn hạ giống như một số người nghĩ trước đó. Đây là công việc đầy thách thức và áp lực đòi hỏi mỗi người GV phải yêu  nghề và có kỹ năng nghề nghiệp mà đặc biệt là kỹ năng sống. Đó là chưa kể những phẩm chất của một con người biết cách quản lý cảm xúc bản thân, duy trì và cam kết với mục tiêu đã đặt ra.
Vậy ở trường sư phạm, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên được đào tạo kiến thức tâm lý như thế nào để tránh được những áp lực trong quá trình dạy học, thưa ông?
– Thực tế cho thấy, không phải chỉ nghề sư phạm mà ở nhiều nghề khác, việc đào tạo nghề dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Việc chúng ta dễ thấy nhất nhìn trên bình diện chung, đó là: Chủ thể chưa nhìn về nghề nghiệp bằng một thái độ sâu sắc, quá trình rèn nghề còn một số hạn chế mà cụ thể là việc rèn từng kỹ năng nghề chưa được thực thi một cách hiệu quả, quá trình trải nghiệm nghề cần được cải tiến.
Riêng với nghề sư phạm, GV khi ra trường đã được trang bị hệ thống kiến thức về mặt lý luận khá tốt. Tuy nhiên, kỹ năng sư phạm thì cần trau dồi thêm nhiều. Thời gian tại trường sư phạm, việc tập luyện chuyên biệt về những kỹ năng nghề còn chưa nhiều, quá trình thực tập sư phạm, việc tập trung vào giảng dạy vẫn còn nhiều hơn so với giáo dục. Mặt khác nhiều vấn đề nảy sinh trong đợt thực tập liên quan đến những mối quan hệ – ứng xử thì giáo sinh vẫn chưa chủ động để giải quyết hay xem đó là vấn đề của chính mình.
Trong quá trình dạy học, chắc chắn người GV sẽ gặp nhiều áp lực. Để kiềm chế cảm xúc của mình, họ cần trang bị những kỹ năng gì, thưa ông?
Có thể nói rằng công việc giảng dạy hay giáo dục không còn là một nghề nhàn hạ giống như một số người nghĩ trước đó. Đây là công việc đầy thách thức và áp lực đòi hỏi mỗi người GV phải yêu nghề và có kỹ năng nghề nghiệp mà đặc biệt là kỹ năng sống.
– Việc con người luôn gặp những áp lực trong công việc và nghề nghiệp là điều dễ thấy trong giai đoạn hiện nay. Dưới guồng quay của xã hội, những đòi hỏi mới về nghề GV, sự thay đổi nhất định của học sinh… đòi hỏi GV phải rất bản lĩnh, tinh tế. Muốn thế, việc trang bị những giá trị sống, kỹ năng sống là yêu cầu rất quan trọng. Mỗi GV cần nhận ra rằng để đến với nghề thì bản thân mình cần nỗ lực và muốn trụ lại với nghề thì cần hết mình, hết sức.
Để có thể quản lý cảm xúc, việc chúng ta định hướng nghề ban đầu và tìm xem khí chất mình có phù hợp hay không là điều khá quan trọng. Kiểu khí chất quá nóng nảy sẽ là thách thức rất lớn. Kế đến, bản thân mỗi người cần nhìn về nghề nghiệp để chuẩn bị những hành trang cần thiết. Việc trang bị cho mình những kỹ năng sống mà cụ thể là kỹ năng quản lý cảm xúc, xử lý mâu thuẫn – xung đột, tương tác hiệu quả sẽ giúp cho người GV xử lý công việc, ứng xử trong các tình huống hiệu quả hơn. Các bài tập, các biện pháp trải nghiệm sẽ làm cho người học cảm thấy mình dần có kỹ năng quản lý cảm xúc hơn, nhận biết cảm xúc của mình, chuyển di cảm xúc để hướng đến sự cân bằng hơn trong tương tác.
Tuy vậy, điều quan trọng nhất là mỗi GV cần ý thức sâu sắc về tính cách của bản thân, nội lực của bản thân để có thể định hướng cho mình phù hợp, để rèn luyện và hoàn thiện mình lâu dài, đó là phương thức tự đào tạo hiệu quả song song với việc huấn luyện và đào tạo.
Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: Dương Bình
Định hướng rõ ràng cho GV hiểu
Trong cuộc sống, ai cũng có áp lực. Áp lực về đời sống gia đình, kinh tế, công việc… Trong đó, GV là người thường xuyên đứng lớp cũng có những áp lực riêng khi học trò chưa ngoan hoặc khi nhà trường phân công nhiệm vụ chưa theo mong muốn của mình. Vì vậy, là người quản lý trường học, phải hiểu rõ tâm lý GV, trước khi phân công nhiệm vụ GV cần có kế hoạch, định hướng rõ ràng. Chẳng hạn, đầu năm phân công giảng dạy phải theo các bước: Họp hội đồng đưa ra định hướng chung cho từng tổ thực hiện. Sau đó, tổ trưởng các bộ môn sẽ họp và để các thành viên đưa ra ý kiến, nguyện vọng của mình. Nếu thấy không phù hợp thì tổ trưởng cần đưa ra phân tích, mổ xẻ sâu hơn xem phân công như vậy đúng chưa. Bước cuối cùng là họp liên tịch với ban giám hiệu. Nếu khi đó GV không đồng tình thì ban giám hiệu sẽ phân tích kỹ hơn để đưa đến một tiếng nói chung.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh)
 
 

Bình luận (0)