Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thành công không đến từ sự lười biếng

Tạp Chí Giáo Dục

Đinh Đình Nhân (thứ hai từ phải qua) cùng các bạn xem tài liệu trên mạng
Đinh Đình Nhân, sinh viên năm cuối ngành an ninh mạng Trường CĐ Công nghệ thông tin iSpace, vừa được công nhận là sinh viên Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật (GISF) của Học viện SANS (Mỹ).
Đạt chứng chỉ GISF hơn nửa tháng nay, thế nhưng Nhân vẫn chưa hết cảm xúc vui mừng, hạnh phúc. Đối với Nhân, thành tích này là thành quả của một quá trình rèn luyện, của niềm đam mê công nghệ. Và như một món quà nhằm tạo thêm động lực tinh thần cho em trên con đường học tập lẫn cuộc sống; bởi có thời điểm Nhân tưởng rằng không thể tiếp tục theo đuổi ngành học vốn dĩ em đam mê từ nhỏ.
Gác lại niềm đam mê
Nhân chia sẻ: “Gia đình em rất khó khăn, một mình mẹ phải bươn chải lo cuộc sống hàng ngày trong gia đình và cho hai đứa con ăn học đàng hoàng”. Vì thế năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù rất yêu thích lĩnh vực công nghệ nhưng Nhân đã tạm gác niềm đam mê, đăng ký thi vào trường an ninh. Vì theo em, học trường an ninh sẽ không tốn kém nhiều tiền bạc, ra trường có được việc làm ổn định ngay. Tuy nhiên, sau khi đậu hệ trung cấp an ninh, nhìn cảnh người mẹ hàng ngày vẫn đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con đã khiến Nhân không an tâm học tập. Thế là em quyết định xin bảo lưu kết quả để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Nói là bảo lưu chứ kỳ thực khi đã nghỉ học, Nhân cũng không dám nghĩ đến một ngày mình sẽ quay lại trường tiếp tục việc học, thay vào đó em tự nhủ phải cố gắng kiếm nhiều tiền để phụ mẹ nuôi em ăn học.
Nhân xin làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng và có 4 năm gắn bó với công việc này. Trong thời gian đó Nhân không còn nghĩ đến chuyện học hành, nhưng công việc đã giúp em chững chạc, trưởng thành lên rất nhiều trong suy nghĩ…
Vượt lên chính mình
Đi làm dành dụm được một số tiền, Nhân quyết định tìm một nghề nào đó để học, bởi em nghĩ “suốt ngày cứ luẩn quẩn đi phục vụ nhà hàng thì cuộc sống cũng không thay đổi được gì”. Vốn dĩ có sẵn niềm đam mê công nghệ, Nhân quyết định đăng ký học ngành an ninh mạng vì em xác định đây là ngành mà xã hội luôn cần lao động. Năm 2011, Nhân đăng ký học ngành an ninh mạng tại Trường CĐ Công nghệ thông tin iSpace.
SANS là học viện hàng đầu thế giới về đào tạo an toàn thông tin. Các chứng chỉ do học viện này cấp đang được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các chuyên gia tại Mỹ và được công nhận trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chứng chỉ quốc tế của Học viện SANS còn khá mới mẻ, mới có khoảng 10 người đạt chứng chỉ này, trong đó có Đinh Đình Nhân.
Được theo đuổi niềm đam mê xem như một may mắn lớn nên Nhân không ngừng nỗ lực học tập. Ngoài những kiến thức căn bản thầy cô truyền đạt trên lớp, em thường tìm thêm tài liệu để đọc, thực hành. Vì tài liệu chuyên ngành trong nước phục vụ cho ngành an ninh mạng còn ít nên Nhân phải tìm tài liệu nước ngoài. Tuy nhiên, do vốn tiếng Anh không nhiều nên Nhân gặp không ít khó khăn. Với suy nghĩ “nếu học ngành này mà không tìm hiểu chuyên sâu thì cũng chẳng có cơ hội phát triển bản thân”, thế là mỗi buổi tối, Nhân thức đến khuya để vừa đọc – dịch tài liệu và học tiếng Anh. Suốt hơn 2 năm tích cực học tập, Nhân không chỉ đạt một lượng kiến thức sâu rộng mà khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt lên rất nhiều.
Việc đăng ký kỳ thi lấy chứng chỉ GISF của Học viện SANS là điều mà Nhân ấp ủ từ lâu. Bởi đây là một kỳ thi quốc tế, ít nhất người tham gia cũng có cơ hội trải nghiệm kiến thức. Vì thế Nhân đã mạnh dạn đăng ký thi khi có cơ hội. Để đạt được kết quả tốt nhất, trước kỳ thi Nhân dành ra hơn 2 tháng ôn luyện dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy cô trong trường. Bài thi được mọi người đánh giá là khó, đòi hỏi kiến thức cao, yêu cầu thí sinh thực hiện trực tiếp trên máy, kiến thức dàn trải từ mã hóa, bảo mật đường truyền, khắc phục sự cố, quản lý hệ thống mạng… Tuy nhiên, không phụ sự cố gắng, Nhân đã xuất sắc đạt 77%/ 100% kết quả bài đánh giá. Kết quả này giúp Nhân giành được chứng chỉ GISF danh giá từ Học viện SANS.
Bài, ảnh: N.Trinh
Nhu cầu nhân sự an ninh mạng rất cao
Theo ThS.Nguyễn Văn Tẩn, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Công nghệ thông tin iSpace), vai trò của ngành an ninh mạng (ANM) hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh – an toàn thông tin về dữ liệu cho bất kỳ cơ quan, quốc gia nào. Theo kinh nghiệm làm việc với các đối tác trong giới công nghệ thông tin tại Việt Nam, các doanh nghiệp có từ 100 nhân sự trở lên cần phải có nhân sự chuyên về ANM và hầu hết các ngân hàng, công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều tuyển ít nhất một nhân sự phụ trách ANM. Do đó, nhu cầu nhân sự ANM hiện nay làrất cao. Với những người có các chứng chỉ quốc tế về bảo mật nói chung và của Học viện SANS nói riêng thì cơ hội được nhận vào làm việc tại các ngân hàng và đặc biệt là các công ty Mỹ và châu Âu đặt tại Việt Nam là rất lớn. Riêng về mặt đào tạo, tại Việt Nam, ANM là ngành còn khá mới mẻ. Hiện chỉ có Trường iSpace, ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), ĐH FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện Kỹ thuật mật mã có đào tạo ANM. 
 
 

Bình luận (0)