Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến tham dự chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” tổ chức sáng 8-11
|
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” lần VII năm 2014, song song với việc đặt các câu hỏi liên quan tới việc chọn ngành, các em học sinh (HS) cũng dành nhiều sự quan tâm tới mô hình đào tạo của các trường nghề.
Đây có thể được coi là tín hiệu vui bởi vì các em đã nhận thức được con đường tương lai một cách thiết thực.
Trường nghề “khát” học viên
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (TP.HCM), Ban tư vấn đã nhận được rất nhiều chia sẻ của các em HS về việc lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Em Vũ Hoài Nam (lớp 12A4) băn khoăn: “Em có ý định nộp hồ sơ vào một trường trung cấp (TC) nhưng không biết nên nộp vào TC nghề hay TCCN. Và nếu nộp vào trường TC nghề thì cơ hội việc làm có cao không?”.
Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Về cơ bản hai hệ này khá giống nhau về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, cơ hội liên thông lên các bậc học cao hơn. Trường TCCN thuộc hệ thống quản lý của Bộ GD-ĐT, còn trường TC nghề thì thuộc hệ thống quản lý của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, chương trình đào tạo của các trường CĐ nghề, TC nghề có 70% thời gian thực hành, 30% lý thuyết được đan xen với nhau nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Hiện cả nước có gần 2.500 trường CĐ nghề, TC nghề và các cơ sở, trường có đào tạo nghề; tuyển sinh khoảng 1,5 triệu học viên/năm. Tuy nhiên, hệ thống trường đào tạo nghề hiện nay còn chưa được nhiều HS quan tâm và hầu như chỉ là bước lựa chọn cuối cùng khi các em không vào được ĐH, CĐ. Rất nhiều người hiện nay còn có quan điểm cho rằng đi học nghề cơ bản chỉ sử dụng sức lao động, lương thấp và rất khó có cơ hội học cao hơn. “Đây là quan niệm rất sai lầm. Thống kê các ngành nghề cho thấy, học viên tại các trường nghề luôn có cơ hội tìm được việc đúng chuyên ngành và tìm được việc ngay khi ra trường rất cao. Việc theo học tại các trường đào tạo nghề không những giúp các HS không trúng tuyển vào ĐH, CĐ có cơ hội học tiếp mà còn cho các em thi trượt tốt nghiệp THPT tiết kiệm thời gian nhàn rỗi, được đào tạo nghề và kỹ năng, nhanh chóng có công ăn việc làm ổn định. Ngoài việc thường xuyên cập nhật và nâng cấp giáo trình cho cả giảng viên và người học, xây dựng hệ thống trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học tập chuyên nghiệp thì nhiều trường đào tạo nghề còn đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tư vấn hỗ trợ cho người học, tạo việc làm cho học viên ngay sau khi ra trường. Mô hình đào tạo liên thông từ TC nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên ĐH là xu hướng đang được nhiều quốc gia phát triển áp dụng”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định.
Khái niệm “thành công” phải do mình đặt ra
Cũng đề cập đến vấn đề lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, em Ngô Đức Thịnh, thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2014, cho rằng mỗi con người đều có năng lực và tiêu chí cho riêng mình khác nhau, khái niệm “thành công” phải do chính mình đặt ra chứ không phải là áp lực xã hội đặt ra cho mình. “Theo tôi, ai cũng có cơ hội thành công nếu người đó có hướng đi phù hợp với năng lực bản thân. Mỗi ngành nghề đều có những giá trị riêng và chỉ riêng chuyện được học, được làm việc với đúng ngành mình đam mê đã là một điều hạnh phúc. Chính vì thế, việc các bạn học TC, CĐ hay ĐH không quan trọng bằng việc chọn ra hướng đi đúng đắn cho chính mình”, Đức Thịnh khẳng định. Ngoài ra, Đức Thịnh cũng cho rằng, các bạn HS ở TP.HCM có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin về ngành nghề hơn HS các địa phương khác. Do đó, thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, các bạn cần phải khai thác tối đa nhiều kênh thông tin để tìm ra sự lựa chọn đúng đắn nhất cho mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Thống kê các ngành nghề cho thấy, học viên tại các trường nghề luôn có cơ hội tìm được việc đúng chuyên ngành và tìm được việc ngay khi ra trường rất cao”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết. |
Bình luận (0)