Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rèn kỹ năng từ trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Lương Văn Can tìm hiểu thông tin ngành nghề tại chương trình tổ chức ngày 10-11
Đây không chỉ là vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý và tương lai của các em mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định, phát triển của toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế cùng các nước trong khu vực và thế giới.
Rèn luyện kỹ năng cho sinh viên
Chưa nói tới chuyện chọn học trường nào, quá trình học tập ra sao, con số hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp sau khi rời cổng trường ĐH cũng đã ít nhiều gây nên sự hoang mang với các HS đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai. Em Vũ Hoàng Phương Nga, HS lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, băn khoăn: “Em nghe nói sinh viên (SV) khi ra trường thường thiếu rất nhiều kỹ năng khiến họ gặp khó khăn ngay từ vòng phỏng vấn tuyển nhân sự, khó xin được việc làm phù hợp. Và khi vào làm việc, họ cũng gặp nhiều trở ngại, khó hòa nhập với môi trường mới. Em cũng nghe nhiều thông tin về số người thất nghiệp sau khi ra trường, trong đó có nhiều người đã có học vị thạc sĩ. Sau vài năm nữa, thế hệ chúng em còn đứng trước nguy cơ thất nghiệp nữa không? và làm sao để rèn luyện được những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần?”.
Chia sẻ băn khoăn này với các em HS, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó phòng Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận: Việc thiếu nhiều kỹ năng nghề nghiệp sau khi ra trường đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều SV hiện nay. Theo đó, nhiều SV không biết cách trình bày một hồ sơ xin việc sao cho ấn tượng, không biết cách giao tiếp lưu loát, không tự tin thể hiện khả năng của chính mình trước nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nhiều em còn làm việc một cách thụ động, không biết cách phối hợp cùng đồng nghiệp để làm việc nhóm, không biết cách kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử kém… “Nhiều SV phàn nàn rằng các công ty, doanh nghiệp chỉ tuyển dụng những người có kinh nghiệm. Trên thực tế, kinh nghiệm ngoài thời gian tiếp xúc với nghề nghiệp còn là những kỹ năng thể hiện thái độ nghiêm túc, cầu tiến trong công việc. Và những kinh nghiệm này hoàn toàn có thể được xây dựng trong quá trình học tập. Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã đưa bộ môn kỹ năng mềm như một môn học chính thức trong chương trình đào tạo nhằm giúp SV có khả năng hội nhập tốt hơn. Riêng về thời gian tiếp xúc nghề nghiệp, hiện nhiều trường ĐH, CĐ đã có mối liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình tham quan học tập, thực tập, kiến tập ngay tại cơ sở sản xuất giúp SV có cơ hội cọ xát nhiều hơn với thực tế công việc”, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết.
Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương cũng khẳng định, những kỹ năng sẽ ngày một phong phú và hoàn thiện hơn nếu SV năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện…
Kỹ năng phải gắn liền với việc luyện tập
Cũng đề cập đến vấn đề kỹ năng, ThS. Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt, cho rằng không cần phải chờ tới lúc vào ĐH, CĐ – thời điểm sắp đi xin việc làm – mới rèn luyện kỹ năng. Trên thực tế, kỹ năng phải gắn liền với việc luyện tập và trau dồi để trở nên thuần thục và hiệu quả. Những kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình… hoàn toàn có thể được rèn luyện từ trường phổ thông và không bao giờ là quá sớm đối với sự phát triển của một con người. Bởi một hoạt động trên lớp sẽ tích hợp nhiều kỹ năng có lợi sau này. “Làm đề tài theo nhóm do giáo viên giao, các em sẽ được rèn luyện kỹ năng thu thập, kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình; làm cán sự lớp sẽ giúp rèn luyện kỹ năng phân công quản lý, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sắp xếp thời gian khoa học. Thậm chí, chỉ riêng chuyện giáo viên nhờ qua lớp bên cạnh xin phấn viết bảng, các em cũng rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, thuyết phục người khác. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị cho mình một nền tảng kiến thức học thuật về chuyên môn thì việc rèn luyện và tích lũy cho mình bộ kỹ năng để thành công trong sự nghiệp tương lai không bao giờ là quá sớm”, ThS. Đào Lê Hòa An khẳng định.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Những kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình… hoàn toàn có thể được rèn luyện từ trường phổ thông và không bao giờ là quá sớm đối với sự phát triển của một con người. Bởi một hoạt động trên lớp sẽ tích hợp nhiều kỹ năng có lợi sau này”, ThS. Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt, chia sẻ.
 

Bình luận (0)