Số lượng học sinh tăng cao cũng đồng nghĩa với chất lượng chăm sóc sụt giảm, trong đó vấn đề vệ sinh luôn là mối bận tâm lớn của các trường.
Trong điều kiện diện tích phòng ốc không thể “nở nồi”, trang thiết bị lâu năm xuống cấp, biên chế nhân viên phục vụ không đủ nhưng nhu cầu sử dụng luôn ở mức cao đã khiến nhà vệ sinh (NVS) trường học trở nên quá tải, trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh và phụ huynh ở TPHCM.
Học sinh “kêu cứu”
Chị Hà Minh, phụ huynh có con đang học lớp 3 Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) cho biết, chiều nào đi học về đến nhà con chị cũng chạy ngay vào NVS. Nguyên nhân được cháu kể lại là do NVS trong trường thường xuyên quá tải, nhất là ở khu vực vệ sinh nam giờ ra chơi, lúc nào cũng bốc mùi nồng nặc khiến cháu ngại không muốn vào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là trường học có số lượng NVS kỷ lục nhất TP với 28 khu vệ sinh dành cho cả giáo viên lẫn học sinh. Cơ sở vật chất tuy chưa đến mức xuống cấp nhưng do số lượng người sử dụng quá đông, tập trung vào cao điểm giờ ra chơi và tan học nên nhân viên vệ sinh không dọn dẹp nổi. Nói như thú nhận của một giáo viên đang dạy tại đây, với tình hình sĩ số học sinh quá đông như hiện tại, ngay cả diện tích phòng học, sân chơi còn không có, nếu muốn cải tạo khu vực NVS, trừ khi giảm số lượng học sinh xuống.
Vấn đề chăm sóc vệ sinh luôn là mối bận tâm lớn của nhiều trường, xuất phát từ nhu cầu và sự ảnh hưởng sức khỏe của học sinh.
Tương tự, nhiều học sinh Trường THCS Lê Lợi (quận 3) cũng “kêu cứu” về tình trạng bốc mùi của NVS. Tại đây, một số vòi nước đã bắt đầu có dấu hiệu gỉ sét, hư hỏng. Hay trường hợp của Trường THPT Trưng Vương (quận 1), theo phản ảnh của nhiều học sinh, NVS ở tầng 1 chỉ mở cửa vào giờ ra chơi và thường đóng trước giờ tan học. Do đó, nếu học sinh có nhu cầu “giải quyết” sau giờ tan học phải xuống khu vực vệ sinh ở tầng trệt nhưng mới đi đến cầu thang đã nghe bốc mùi nồng nặc.
Riêng đối với các trường đại học (ĐH), nhiều sinh viên cho biết cũng không thoát cảnh “hữu xạ tự nhiên hương”. Thanh Tân, sinh viên Khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, cho biết: “NVS tuy được nhân viên thường xuyên quét dọn nhưng do kết cấu bồn cầu là loại ngồi xổm, vị trí giật nước, ở trên cao nên nhiều sinh viên sau khi sử dụng làm biếng quay người lại phía sau giật nước khiến các hố xí lúc nào cũng bốc mùi khó chịu”.
Ở khối tiểu học, trong khi độ tuổi dậy thì của học sinh ngày càng “trẻ hóa” nhưng các trường học vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí phòng kinh nguyệt dành cho khu vực NVS nữ khiến không ít em rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Thanh Thảo, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học T.Q.K. (quận 1) cho biết, do trường không có phòng kinh nguyệt nên em thường thay băng vệ sinh ở khu vực đại tiện, tiểu tiện. Có hôm luống cuống thế nào làm rơi cả quần lót vào bồn cầu khiến em không biết làm sao, đứng khóc hơn 10 phút mới được bạn cùng lớp “giải cứu”. Đó là chưa kể NVS ở nhiều trường học hiện nay không có vòi xịt nước gắn liền kề với bồn cầu khiến học sinh phải “méo mặt” tìm nhiều giải pháp khác thay thế, như mang theo khăn giấy ướt, chai nước suối mỗi khi có nhu cầu
“giải quyết”.
Trường học linh hoạt “chữa cháy”
Trong bức tranh chung ảm đạm đó vẫn nổi lên vài đơn vị làm tốt, tạo được sự hài lòng cho phụ huynh và học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3), dù biên chế nhân viên vệ sinh chỉ có 3 người nhưng nhà trường đã chủ động hợp đồng thêm 4 người để tăng cường đội ngũ quét dọn. Sàn NVS vì thế luôn được khô ráo, khu vực bồn cầu không bốc mùi khó chịu. Hay như Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), trước tình hình NVS xuống cấp trầm trọng, ban giám hiệu đã tích cực kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Nhờ đó, 7 lốc NVS thông minh với cơ sở vật chất sạch đẹp, khang trang đã sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của tất cả học sinh.
Đối với việc xây dựng phòng kinh nguyệt trong NVS trường tiểu học, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện vấn đề này. Cán bộ y tế (yêu cầu không nêu tên) của trường cho biết, điều 45, chương VI của Điều lệ trường tiểu học chỉ quy định trường học phải có khu vực vệ sinh dành riêng cho nam và nữ, khu vệ sinh riêng cho giáo viên và học sinh, ngoài ra chưa có quy định nào về xây dựng phòng kinh nguyệt.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế tuổi dậy thì của học sinh hiện nay ngày càng sớm nên ban giám hiệu đã chủ động bố trí thêm phòng dành riêng cho nhu cầu này. Song quy định các trường có khu vực vệ sinh dành riêng cho học sinh khuyết tật thì gần như 100% đơn vị trường học hiện nay trên địa bàn TP chưa thực hiện được vì diện tích NVS có hạn, số lượng học sinh học hòa nhập còn ít và quan trọng nhất là thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.
Một khảo sát của UNICEF tại Việt Nam cho biết, chỉ có 11,7% nhà vệ sinh tại các trường học trên cả nước đạt chuẩn an toàn. Ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… nhiều trường học cũng rơi vào tình trạng thiếu nhà vệ sinh. Riêng ở khu vực nông thôn, tình hình còn bi đát hơn khi có tới 27% trẻ nông thôn phải đi vệ sinh ở bên ngoài.
|
Theo SGGP
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc áp dụng phương pháp giảng dạy STEM đã trở thành xu hướng quan trọng,...
Chị tên Láng nhưng con đường đi đầy gập ghềnh. Vượt qua muôn vàn trắc trở bởi sự kém may của số...
Cũng như tất cả mọi người dân, với các em học sinh, sinh viên, việc tự nguyện mua bảo hiểm y tế...
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết trong năm học này thành phố sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chí đưa...
Bình luận (0)