Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những sản phẩm mang tính ứng dụng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Minh Đức Uy đang hoàn thiện phần mềm hệ thống giữ xe thông minh (sPark)
Với các tính năng hữu ích, thiết thực trong cuộc sống, hai sản phẩm “Dù hấp thụ tia tử ngoại và Hệ thống giữ xe thông minh (sPark)” của sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã vượt qua nhiều ý tưởng khác để giành huy chương vàng tại cuộc thi “Sản phẩm thiết kế, chế tạo, ứng dụng”.
Đây là cuộc thi do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức vừa qua.
Hệ thống giữ xe thông minh
So với hệ thống giữ xe quẹt thẻ từ có giá hơn trăm triệu đồng mà các trung tâm thương mại, siêu thị, hay bệnh viện… đã đưa vào sử dụng từ lâu, hệ thống giữ xe thông minh (sPark) của hai SV Minh Đức Uy và Thái Việt Linh (Khoa Công nghệ thông tin) chưa thể sánh bằng về tính năng, quy mô… Tuy nhiên, hệ thống này lại rất phù hợp và thiết thực cho các bãi giữ xe vừa và nhỏ. Theo đó, thông qua một chiếc điện thoại đọc được mã thẻ NFC, người giữ xe chỉ cần chụp ảnh biển số xe, lưu mã và thẻ NFC mà không cần phải ghi phiếu theo cách truyền thống.
Đức Uy cho biết: “Người giữ xe chỉ cần dùng chiếc điện thoại chụp lại biển số xe, áp thẻ NFC vào lưng điện thoại để lưu hình ảnh rồi đưa cho chủ xe thẻ NFC. Và khi chủ xe đi ra, người giữ xe chỉ cần lấy lại thẻ NFC áp vào lưng điện thoại. Mọi thao tác giúp quá trình giao nhận xe thuận tiện, nhanh chóng thay vì ghi ra giấy. Đặc biệt, quá trình quản lý được chặt chẽ hơn, xe giữ được an toàn, giảm thiểu số lượng người tham gia giữ xe”.
Giá thành đầu tư một hệ thống giữ xe thông minh như thế này, theo Đức Uy không cao lắm. Một thẻ NFC khoảng 5 ngàn đồng, một điện thoại đọc được mã thẻ NFC khoảng 3 triệu đồng. Như vậy chỉ cần bỏ ra hơn 3 triệu đồng là có được một hệ thống hoàn thiện. Giá thành này phù hợp với bãi giữ xe vừa và nhỏ như trường học, trung tâm ngoại ngữ hay quán cà phê không đủ kinh phí đầu tư hệ thống quản lý bãi giữ xe như các trung tâm lớn. Ngoài ra, hệ thống giữ xe này không đơn thuần ghi nhận, lưu trữ thông tin về xe gửi mà hệ thống còn chứa đựng nhiều chức năng như thống kê tổng số xe hiện gửi, tổng số xe được gửi, tổng số tiền xe đạp, xe máy, xe ô tô đã gửi… Ngoài ra, chủ hệ thống cũng có thể tự thiết lập các chế độ tính phí theo giờ, qua đêm, tùy chỉnh giá tiền cho phù hợp với từng loại xe và các khoản phí khác.
Để hoàn thành được hệ thống giữ xe thông minh này, Đức Uy chịu trách nhiệm lập trình ứng dụng, còn Việt Linh chịu trách nhiệm thiết kế giao diện của ứng dụng. Trong tương lai, hai bạn dự định sẽ thống kê đầy đủ tính năng hơn, giảm thiểu lượng pin tiêu hao khi sử dụng, có thể kết nối để nhiều điện thoại cùng sử dụng trong một bãi giữ xe…
Dù hấp thụ tia tử ngoại

Lê Long Hồ với chiếc dù hấp thụ tia tử ngoại cao
Đây là sản phẩm của bạn Lê Long Hồ (SV năm cuối Khoa Môi trường). Tuy cũng có kiểu dáng, công dụng như một chiếc dù thông thường, nhưng dù của Long Hồ sáng chế có khả năng hấp thụ tia tử ngoại – một trong những loại tia có nguy cơ gây ung thư da nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Nguyên liệu chính sử dụng để phủ khung dù (còn gọi là lọng dù) là sợi thủy tinh (sợi thủy tinh được tạo ra nhờ nóng chảy hoặc biến mềm – PV). Đặc tính của các sợi thủy tinh này không giòn, dai, độ bền hóa học, chịu nhiệt và cách điện cao, độ dẫn nhiệt thấp; đặc biệt là khả năng hấp thụ tia tử ngoại cao. Theo đó, dưới những dao động của dù, các bức xạ tia tử ngoại sẽ bị phân tán và giảm đi. Để tăng tính hấp thụ tia cực tím cho dù, Long Hồ còn pha thêm chất xêri (Ce) vào các sợi thủy tinh – loại chất cũng có tính năng hấp thụ tia tử ngoại. Riêng cán khung được làm bằng inox, tay cầm làm bằng phức hợp nhôm để tránh gỉ, sét và tăng tính thẩm mỹ.
Long Hồ cho biết: “Môi trường hiện nay đang chịu sự biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính diễn ra mạnh, theo đó vai trò của tầng ô zôn bị suy giảm, lượng tia tử ngoại chiếu xuống mặt đất sẽ nhiều hơn. Với chiếc dù thông thường có thể che nắng nhưng khó ngăn được lượng tia tử ngoại tiếp xúc với da người. Tuy nhiên, với chiếc dù làm bằng sợi thủy tinh có khả năng hấp thụ tia tử ngoại cao sẽ mang đến nhiều an toàn cho người dùng”. Cũng theo Long Hồ, nguyên liệu để làm chiếc dù này không khó kiếm, giá thành lại rẻ. Vì thế, kinh phí để hoàn thành chiếc dù khoảng… 110 ngàn đồng. Mức giá này không chênh lệch đáng kể so với những chiếc dù thông thường bán ngoài thị trường, do đó người dùng dễ dàng sở hữu một chiếc dù hấp thụ tia tử ngoại cao. Hơn nữa, sợi thủy tinh không nóng cũng giúp người dùng cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Ngoài tính năng che nắng, hấp thụ tia tử ngoại, Long Hồ cho biết sẽ dựa vào tính chất hóa học không bị ăn mòn bởi axít của sợi thủy tinh để chế tạo thêm những chiếc dù lớn hơn mà người dân thường sử dụng ngoài trời và áo bảo hộ lao động chống cháy…
Bài, ảnh: N.Trinh
Ngoài chiếc dù hấp thụ tia tử ngoại, trước đó Lê Long Hồ từng chế tạo Mũ bảo hiểm thông minh, Thiết bị đo lượng tiền điện tiêu thụ có tính ứng dụng thực tiễn cao. Riêng Minh Đức Uy, cách đây không lâu, bạn còn tham gia sáng tạo phần mềm hỗ trợ Tiếp sức mùa thi 2014, viết phần mềm bản đồ Sai Gon BUS cho đối tượng đi xe buýt. 
 

Bình luận (0)