Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thu phí tham quan di tích, bảo tàng:Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã có hướng dẫn miễn phí các hoạt động giáo dục liên quan đến di sản, di tích lịch sử, di tích cách mạng… nhưng các trường đưa học sinh đến vẫn bị thu phí.

 
Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM tham quan, học tập tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Ảnh: Như Hùng
Hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của liên bộ GD-ĐT và Văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT&DL)ngày 16-1-2013 do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký và công văn ngày 20-10-2014 của Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM ghi rõ miễn phí các hoạt động giáo dục liên quan đến sử dụng di sản, di tích lịch sử, di tích cách mạng, bảo tàng.
Thế nhưng thực tế khi các trường đưa học sinh đến học tập theo chủ trương này lại bị các đơn vị thu phí vào cổng, phí chụp hình.
Giáo viên tự bỏ tiền mua vé
Sáng 23-11, Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) đưa hơn 40 học sinh lớp 11 đến học tập tại dinh Thống Nhất và Bảo tàng TP.HCM. Khoảng 8g, học sinh đến dinh Thống Nhất nhưng chưa được vào mà đứng lố nhố bên ngoài do nhân viên yêu cầu mua vé với giá 20.000 đồng/học sinh.
Cô Ngô Thị Tiến – giáo viên đưa học sinh đi – cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ trước đó 10 ngày qua điện thoại và được thông báo giá vé mỗi học sinh là 5.000 đồng, đi từ 20 học sinh trở lên thì giảm 50%. Tới nơi tôi mới biết chỉ giảm cho học sinh dưới 16 tuổi, học sinh của tôi không thuộc diện giảm”.
Nên ủng hộ
Ông Lê Tôn Thanh – phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM – cho biết sở đã gửi công văn cho các bảo tàng, khu di tích trên địa bàn thành phố về việc phối hợp chủ trương này. Đối với các đơn vị trực thuộc quản lý của sở, sở sẽ kiểm tra và nhắc nhở việc phối hợp, miễn phí cho học sinh đến học tập. Riêng các đơn vị không trực thuộc thì sở chủ yếu vận động và khuyến khích thực hiện miễn phí bởi họ là các đơn vị sự nghiệp có thu, tự cân đối tài chính. “Tuy nhiên tôi cho rằng các đơn vị nên ủng hộ chủ trương này vì đây là hình thức dạy học thực tế giúp học sinh hứng thú hơn với lịch sử, văn hóa” – ông Thanh nói.
M.GIẢNG
“Đến nơi tôi có đưa văn bản của Sở Văn hóa – thể thao ra nhưng họ bảo không có giá trị miễn vé, nếu muốn miễn vé phải làm việc trước với giám đốc.
Cô nhân viên bán vé nói phải mua vé với giá 20.000 đồng/học sinh (dành cho người từ 16-18 tuổi) và tổng số tiền phải mua vé là 980.000 đồng.
Số tiền đó quá lớn, chúng tôi đã nói với phụ huynh học sinh là miễn phí, giờ có thu các em 1.000 đồng cũng không được.
Tôi băn khoăn với quy định của đơn vị này: sinh viên đi từ 20 người trở lên được giảm 50% giá vé, học sinh dưới 16 tuổi cũng được giảm 50% giá vé nhưng lại không có quy định nào đối với học sinh THPT trên 16 tuổi cả.
Sau một hồi trao đổi và cô nhân viên phải đi hỏi nhiều người khác, chúng tôi được bán vé giảm giá theo diện học sinh và tổng số tiền vé là 280.000 đồng.
Phải mất hơn 30 phút thương lượng chúng tôi mới vào được và giáo viên phải bỏ tiền túi mua vé vì không thể thu của học sinh.
Khi sang Bảo tàng TP.HCM, để tránh phiền phức và mất thời gian như khi vào dinh Thống Nhất, chúng tôi đã bỏ tiền túi ra mua vé 2.000 đồng/học sinh” – cô Tiến kể.
Không chỉ phải mua vé vào cổng mà khi tới một số bảo tàng học tập, học sinh còn bị buộc phải mua vé chụp ảnh. Tháng 9-2014, giáo viên lịch sử một trường THPT ở TP.HCM đưa học sinh đến học tập tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (khu vực Thảo cầm viên).
Học sinh phải mua vé vào cổng với giá 2.000 đồng/em. Ngoài ra, khi chụp hình bên trong khu vực bảo tàng, nhân viên cũng buộc phải mua vé với giá 40.000 đồng cho một nhóm 5-7 học sinh.
Giáo viên này cho biết đã đưa ra hướng dẫn của liên bộ về việc dạy học ở bảo tàng miễn phí nhưng nhân viên nói không biết. Học sinh đi học tập về phải làm báo cáo. Các em không có thời gian ghi chép hết các thông tin nên phải chụp hình lại các bảng thông tin để về nhà tham khảo.
“Đã tốn tiền mua vé vào cổng, nay lại phải mua vé chụp hình, đó là điều rất vô lý. Tôi không đồng ý với mức vé chụp ảnh như vậy nên đã cãi lý và cuối cùng chỉ mua hai vé cho cả lớp.
Liên bộ đã có chủ trương như vậy hơn một năm nay, tổ chức tập huấn giáo viên có văn bản về việc miễn vé cho hình thức học tập này, vậy mà khi thực hiện lại khác hoàn toàn. Giáo viên, học sinh đang rất hăng hái thực hiện thì bị giội ngay gáo nước lạnh.
Khi tập huấn chuyên môn đầu năm ở Sở GD-ĐT, chuyên viên sở cho biết cuối năm học sở sẽ kiểm tra việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học, trường nào không thực hiện sẽ bị xử lý. Thế nhưng khi thực hiện thì vướng đủ chỗ dù hướng dẫn liên bộ đã có từ cách đây hơn một năm” – giáo viên này bức xúc.
Mỗi nơi thu một kiểu
Trong vai giáo viên lịch sử một trường THPT tại TP.HCM muốn đưa học sinh đến học tập theo mô hình này, sáng 24-11 chúng tôi liên hệ với một số bảo tàng, khu di tích tại TP.HCM. Nhân viên phòng tổ chức hành chính Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết sẽ miễn phí vé vào cổng nhưng trường cần liên hệ trước để bảo tàng bố trí thời gian, sắp xếp người hướng dẫn.
Trong khi đó, nhân viên phòng hành chính Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho hay chưa nhận được công văn về việc miễn phí vé vào cổng, nhưng nếu học sinh có giấy giới thiệu của trường sẽ được giảm vé vào cổng từ 20.000 đồng còn 12.000 đồng. Riêng vé vào khu tái hiện vùng giải phóng là 20.000 đồng và không miễn giảm cho bất kỳ đối tượng nào.
Trong khi đó, nhân viên phòng hành chính dinh Thống Nhất nói chưa nhận được công văn này và nếu nhận được cũng chỉ để tham khảo bởi di tích này thuộc Văn phòng Chính phủ, không thuộc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM nên không thực hiện theo chỉ đạo trên. Chỉ những đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM mới thực hiện theo văn bản này.
Chúng tôi liên hệ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để phản ảnh việc học sinh phải mua vé vào cửa và vé chụp hình. Một lãnh đạo của bảo tàng cho biết có thể một số nhân viên chưa nắm nên thu phí đối với học sinh. Bảo tàng sẽ liên hệ với trường để trả lại vé và phí chụp ảnh mà trường đã mua.
Vị này cho rằng chỉ nên thu phí chụp ảnh đối với những người có mục đích thương mại như làm sách, còn học sinh thì không nên. Chủ trương của bảo tàng chỉ thu phí đối với người nước ngoài, người Việt thì miễn vé nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của liên bộ, việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa.
Bên cạnh đó còn nhằm rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh.
Hướng dẫn này cũng nêu rõ: các đơn vị thuộc ngành VH-TT&DL phối hợp với các đơn vị thuộc ngành GD-ĐT tại địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hướng dẫn liên ngành của hai bộ trên địa bàn.
Chủ trì, phối hợp với ngành GD-ĐT xây dựng tư liệu giới thiệu về văn hóa địa phương, dân ca, trò chơi dân gian, di tích, di sản tại địa phương để các trường sử dụng trong hoạt động dạy học di sản văn hóa…
Miễn phí các hoạt động giáo dục liên quan đến sử dụng di sản, di tích lịch sử, di tích cách mạng, bảo tàng. Căn cứ hướng dẫn này, các cấp quản lý, các cơ sở của ngành GD-ĐT và của ngành VH-TT&DL phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Còn công văn của Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM gửi các bảo tàng, các di tích đã xếp hạng trên địa bàn thành phố về việc phối hợp, hỗ trợ hoạt động giáo dục sử dụng di sản văn hóa trên địa bàn thành phố cũng nhấn mạnh: miễn phí các hoạt động liên quan đến sử dụng di tích, bảo tàng (miễn phí tham quan, miễn vé vào cửa), tạo điều kiện cho các trường khi đưa học sinh đến tham quan học tập, sinh hoạt chuyên đề… tại các bảo tàng, di tích.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Đã tiếp nhận phản ảnh của giáo viên
Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học là một chủ trương đúng đắn nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của nhân loại nói chung và nước ta nói riêng.
Chủ trương này đã thể hiện rất rõ trong văn bản hướng dẫn liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch từ năm 2013.
Sau đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị và Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM cũng có văn bản gửi các bảo tàng, các di tích đã xếp hạng trên địa bàn TP về việc “miễn phí tham quan, miễn vé vào cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi đưa học sinh đến tham quan, học tập chuyên đề”.
Thời điểm này chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số phản ảnh của giáo viên về những khó khăn, vướng mắc khi đưa học sinh đến học tập tại một số bảo tàng. Sở GD-ĐT TP sẽ làm việc với Sở Văn hóa – thể thao TP để bàn cách giải quyết thấu đáo. Chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường về quy trình liên hệ với các bảo tàng, mức độ miễn, giảm các loại chi phí… trong thời gian tới.
H.HG. ghi
MINH GIẢNG (TTO)

Bình luận (0)