Trường nghề nên do Bộ LĐ-TB&XH quản lý
Học sinh trường nghề trong giờ thực hành. Ảnh: M.T
|
Trong hệ thống các trường ĐH, CĐ và TCCN hiện nay, có nhiều trường không thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT mà của các bộ ngành khác, của các địa phương, doanh nghiệp…
Về nguyên tắc và cả trên thực tế, cơ quan, bộ ngành thiên về lĩnh vực nào thì đào tạo nhân lực trên lĩnh vực đó là phù hợp, cả về chuyên môn lẫn nhu cầu. Xét ở góc độ đào tạo, phân phối nguồn nhân lực thì hệ thống các trường CĐ nghề, TCCN, TC nghề (gọi chung là trường nghề) nên giao về cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối thống nhất về mặt quản lý Nhà nước.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải quy hoạch hệ thống trường nghề với các loại trường (bao nhiêu trường CĐ nghề, TCCN, TC nghề…), phân bổ ở các địa phương ra sao (địa phương nào có bao nhiêu trường, đào tạo lĩnh vực gì, quy mô thế nào…), đào tạo những lĩnh vực gì, bậc học cụ thể, kể cả việc nghiên cứu các chính sách ưu đãi cho từng loại hình riêng trong từng giai đoạn… Thí dụ: Ở khu vực miền Đông Nam bộ thì cần nhiều trường nghề hơn một số khu vực khác, trong đó tập trung vào các lĩnh vực cơ khí – chế tạo máy, dệt may, tin học, điện – điện tử…; khu vực Tây Nguyên cần số lượng trường nghề vừa đủ, với các ngành nông lâm, chế biến nông sản, cơ khí…; khu vực duyên hải miền Trung cũng cần có số lượng trường nghề vừa đủ, với các ngành nông lâm, chế biến nông sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch… Việc quy hoạch cần dựa trên những nghiên cứu thấu đáo với các luận chứng khoa học, trên cơ sở thực tế khách quan và dự báo hợp lý, chứ không phải thực hiện theo cảm tính, theo phong trào, theo ý muốn chủ quan. Những nghiên cứu, tính toán này sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của từng thời điểm, của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng nội dung riêng cho từng ngành, từng bậc học. Chẳng hạn, mỗi ngành cần học trong bao lâu, học những kiến thức cụ thể gì, thời lượng học lý thuyết và học thực hành ra sao… Việc làm này cũng phải dựa trên những nghiên cứu khoa học hợp lý, toàn diện, thường xuyên tiếp thu các kiến thức và thành tựu mới về khoa học, công nghệ, kỹ thuật của cả nước và thế giới. Thí dụ: Với chương trình đào tạo TC cơ khí – chế tạo thì cần bao nhiêu học phần chung (chính trị, ngoại ngữ, pháp luật, tin học…); bao nhiêu học phần cơ sở (an toàn và môi trường công nghiệp, nguyên lý – chi tiết máy, đồ họa…, trong đó lý thuyết và thực hành có thời lượng tối đa và tối thiểu là bao nhiêu); bao nhiêu học phần chuyên môn (chế tạo phôi, công nghệ chế tạo máy và các dạng công nghệ khác…, trong đó xác định lý thuyết và thực hành có thời lượng tối đa và tối thiểu là bao nhiêu); phần thực tập gồm những nội dung gì và thời lượng cụ thể ra sao… Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH thông qua các cơ quan trực thuộc cũng phải làm đầu mối phân phối lao động cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các địa phương để tính toán về nhu cầu cụ thể, từ đó có sự định hướng về mặt tuyển sinh và giới thiệu việc làm, chứ không nên “thả nổi”. Đồng thời, bộ cần kịp thời điều chỉnh và tham mưu điều chỉnh các chính sách, chủ trương về công tác dạy nghề, hỗ trợ các trường nghề cũng như các mặt quản lý cụ thể.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Bộ LĐ-TB&XH quản lý tất cả. Bộ GD-ĐT cũng cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để xây dựng một chương trình mang tính tổng quát cho các trường nghề về mặt giảng dạy văn hóa (nhất là với các bậc học 9+4, 9+5, 12+2…), giảng dạy chính trị (cho phù hợp với yêu cầu chung và tương quan giữa các bậc học), chuẩn kiến thức (chứng chỉ) về ngoại ngữ, tin học (để có thể sử dụng trong tất cả cơ quan, đơn vị và cơ sở giáo dục khác), chuẩn giáo viên… Về mặt này, Bộ GD-ĐT đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp chứ không phải thể hiện vai trò quản lý Nhà nước. Nếu phát hiện có sai sót, lệch chuẩn thì nên trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH để điều chỉnh.
Một số bộ ngành, cơ quan khác và địa phương cũng phải tham gia trao đổi, định hướng, góp ý với Bộ LĐ-TB&XH và các trường nghề để trao đổi về việc tuyển sinh, chương trình đào tạo, phân bổ nguồn lực… nhằm phục vụ cho yêu cầu cụ thể của ngành, địa phương cũng như một số vấn đề khác cần thiết. Chẳng hạn, một trường TC y dược không thuộc Bộ Y tế thì vẫn cần có ý kiến của Bộ Y tế và các cơ quan thuộc bộ này về mặt chuyên môn và sự hỗ trợ về mặt nhân lực. Nhưng đây cũng là những trao đổi, phối hợp chứ không thay thế chức năng quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan thuộc bộ cùng các cơ quan ngành dọc.
ThS. Nguyễn Minh Hải
TS. Trần Tấn Vinh (Hiệu trưởng Trường CĐ CNTT Đà Nẵng):
Lãng phí nhiều mặt nếu giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý
Theo quan điểm của tôi, dạy nghề vẫn nên thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT. Bởi không ai khác, chính Bộ GD-ĐT mới nắm được cụ thể các điểm mạnh – yếu, các điểm cần khắc phục đối với hệ thống dạy nghề. Mặt khác, dạy nghề ở các trường CĐ, TCCN do Bộ GD-ĐT quản lý lâu nay không chỉ đơn thuần là đào tạo nghề vì bên cạnh phần thực hành, học viên còn được học lý thuyết. Như vậy, sau khi tốt nghiệp nếu chưa muốn làm việc ngay, các em có thể tiếp cận các chương trình liên thông trong hoặc ngoài nước để học tiếp lên bậc cao hơn. Trong khi đó, chương trình dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH chỉ đơn thuần là dạy để biết nghề. Một vấn đề khác, đó là hiện Bộ GD-ĐT có đủ nguồn lực về con người cùng hệ thống cơ sở vật chất, tuy chưa đủ lắm nhưng cũng đã có. Nếu chuyển qua Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì bộ này lại phải mất thời gian tiếp cận, gầy dựng, củng cố lại. Như vậy sẽ lãng phí thời gian, công sức và gây tốn kém.
Loại hình dạy nghề thuộc Bộ GD-ĐT quản lý vẫn còn tồn tại ở nhiều nước như Pháp chẳng hạn, họ vẫn làm rất tốt. Ở nước ta, mô hình này vẫn được nhiều nước công nhận, học viên khi tốt nghiệp ra trường vẫn có cơ hội ra nước ngoài làm việc hoặc tiếp tục học cao hơn. Như vậy, vấn đề chính ở đây là cần phải đầu tư cơ sở vật chất mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần hướng đến mục tiêu đảm bảo đủ cơ sở vật chất, các điều kiện khác để học viên có điều kiện nắm vững lý thuyết, được đào tạo chuyên sâu hơn về thực hành. Có như thế, chúng ta mới tránh được lãng phí, tìm được hướng đẩy mạnh chất lượng dạy nghề thay vì cái này làm chưa đạt ta thay bằng một cái khác và phải bắt đầu lại từ đầu…
Vĩnh Yên (ghi)
|
Bình luận (0)