Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhóm ngành điện tử chưa bao giờ thiếu việc

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Đậu Ngọc Hà Dương trả lời thắc mắc của HS tại chương trình
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” tổ chức ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM) vừa qua, các em học sinh (HS) đã đặt nhiều câu hỏi rất thực tế về những ngành nghề được dự báo là cần nhiều nhân lực trong tương lai.
Không nghe thông tin một chiều
Em Trần Vũ Hòa (học lớp 12A4) nêu băn khoăn là em quan tâm đến lĩnh vực kỹ thuật điện tử nhưng lại không biết mình phù hợp với ngành nào thuộc lĩnh vực này. “Em nghe nói học những ngành này ra rất khó xin việc làm. Vậy trong 5-10 năm tới, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này sẽ thế nào?”, Hòa hỏi.
Giải đáp băn khoăn này, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng bộ phận tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết lĩnh vực kỹ thuật điện tử khá đa dạng, mỗi ngành sẽ có những tính chất, yêu cầu và cơ hội nghề nghiệp khác nhau. “Nếu các em quan tâm đến việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật để xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin diễn ra thuận lợi trong những điều kiện thời gian và không gian khác nhau thì nên theo ngành kỹ thuật điện tử – truyền thông vì đây là ngành tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và thiết bị điện tử như máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng… Nếu quan tâm đến việc nghiên cứu và áp dụng liên quan đến ngành điện, điện tử, điện từ với nhiều chuyên ngành nhỏ như năng lượng, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu, viễn thông thì nên theo ngành kỹ thuật điện – điện tử. Còn nếu quan tâm đến việc thiết kế và phát triển sản phẩm để tạo ra những sản phẩm mới có tính năng vượt trội như robot thì nên theo ngành kỹ thuật cơ – điện tử”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.
“Chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” đã cung cấp cho HS khá nhiều thông tin hữu ích trong việc định hướng chọn ngành nghề. Tuy chưa phải là thời gian cao điểm nhưng giai đoạn này các em bị chi phối bởi nhiều kênh thông tin khác nhau. Chính những thông tin từ Ban tư vấn đã giúp các em giải tỏa nỗi lo lắng, băn khoăn cho việc định hướng tương lai…”, thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, nói.
Đặc biệt, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung cho rằng không có chuyện học những ngành này ra khó xin việc làm. Đó chỉ là thông tin một chiều từ những người mà kỹ năng, năng lực chuyên môn không đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp hoặc ngại đi xa, ngại khó. Nhóm ngành điện – điện tử hiện đang cần nhiều nhân lực tại Việt Nam và trên thế giới. Trong tương lai, sự phát triển của các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật số sẽ cần những kỹ sư có tay nghề cao, biết tiếp thu và phát triển những thành tựu của thế giới. “Các em phải chọn lọc thông tin và tìm hiểu kỹ để không bỏ lỡ cơ hội của mình”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung nhấn mạnh.
Ngành dễ kiếm tiền
Em Hoàng Việt Thái (học lớp 12A5) cho biết rất đam mê ngành CNTT nhưng lại đắn đo vì có nhiều thông tin cho rằng ngành này hiện không còn “hot”, đã bão hòa trong vài năm gần đây. Về vấn đề này, ThS. Đậu Ngọc Hà Dương, Phó giám đốc đào tạo hệ thống lập trình viên quốc tế Aptech, cho biết CNTT là một trong số ít những ngành có thể len lỏi vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Vì thế, ngành này luôn có nhu cầu tuyển dụng cao. Theo ước tính, từ nay đến 2020, Việt Nam cần khoảng 1 triệu nhân lực chất lượng cao để chuyển giao và phát triển CNTT trên hệ thống mạng internet. Lương khởi điểm của một kỹ sư CNTT khi mới ra trường thường khoảng 300-400 USD/tháng. Nhưng sau 1-2 năm làm việc sẽ tăng khoảng 1.000-1.500 USD/tháng tùy vào năng lực và vị trí của người đó. Còn nếu không muốn làm việc theo khuôn khổ, người học ngành CNTT có thể tự viết, tự bán, tự kiếm tiền bằng chính những phần mềm do mình làm ra trên “chợ ứng dụng” của mạng di động. Tuy nhiên, để làm được việc này, một kỹ sư CNTT cần phải có khả năng tư duy về logic, nhạy bén khi xử lý tình huống trong phần mềm và đặc biệt phải có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. 
“Việc học hỏi trong ngành CNTT luôn là vô hạn nên trong quá trình học, các em sẽ phải tìm kiếm các tài liệu bằng tiếng Anh, ngôn ngữ lập trình cũng bằng tiếng Anh…; do đó những ai có ý định theo đuổi ngành học này nên rèn luyện vốn ngoại ngữ để phục vụ tốt nhất cho việc học và công việc sau này”, ThS. Đậu Ngọc Hà Dương chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
 
Game thủ có được coi là một nghề không?
Trả lời câu hỏi này, ThS. Đậu Ngọc Hà Dương nói: Trò chơi điện tử đang thực sự nở rộ trong vài năm gần đây. Hiện các công ty phần mềm game vẫn thường xuyên tuyển dụng những người chơi game cực giỏi vào vị trí tester, không yêu cầu bằng cấp, trình độ. Người được tuyển dụng sẽ được tập huấn nhằm chơi đúng kỹ thuật và tìm ra lỗi của trò chơi để nhà sản xuất sửa lỗi. Tuy nhiên, đây không được coi là một nghề trong xã hội vì số lượng tuyển dụng ít và cũng không thuộc bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào xã hội quan tâm.
 
Ngành marketing cần những tố chất nào?
Đây là câu hỏi của em Nguyễn Tuấn Phong (học lớp 12A14). ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF) trả lời: Ngành marketing phù hợp với những người thích việc mua bán, quan tâm đến chất lượng các mẫu quảng cáo hay yêu thích các sản phẩm trưng bày trong siêu thị. Những tố chất cần có là: Tự tin, kiên trì, thích mạo hiểm, năng động và nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý người khác; am hiểu sâu rộng các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, xã hội…
 

Bình luận (0)