Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vào ngành văn không cần thi văn

Tạp Chí Giáo Dục

Thi vào ngành văn học mà không cần kiểm tra kỹ năng hành văn, thi vào ngành lịch sử cũng không cần kiểm tra khả năng làm bài tự luận… liệu có thật sự phù hợp và bảo đảm độ tin cậy?

 

Các thí sinh dự thi khối C tại Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội tại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013 – Ảnh: N.Khánh
Tôi phản đối cấu trúc bài thi dạng này. Việc kiểm tra kiến thức đúng/sai bằng cách cho thí sinh chọn phương án từ vài gợi ý có sẵn chỉ có thể kiểm tra, đánh giá học sinh trung bình. Để lựa chọn thí sinh theo học chuyên sâu ngành lịch sử, văn học… cần đánh giá được tư duy logic, khả năng lập luận của các em mà những năng lực này không thể đo đếm được qua trắc nghiệm
GS Đỗ Thanh Bình
Ngay khi Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực sẽ được áp dụng cho mùa tuyển sinh năm 2015, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều quanh việc sử dụng đề thi gồm chủ yếu các câu hỏi trắc nghiệm.
Chưa ngã ngũ
Sự quan tâm của các chuyên gia đến cấu trúc đề thi ĐHQGHN chính bởi trước đó đề án tuyển sinh của ĐHQGHN từng được gợi ý để các trường cùng xem xét, nhân rộng thành mô hình chung ở quy mô rộng.
GS Đỗ Thanh Bình, nguyên trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử… thí sinh muốn thi vào cũng chỉ cần lựa chọn một trong những phương án có sẵn mà không phải làm bất cứ phần thi tự luận nào là không phù hợp, không thể đánh giá đúng năng lực thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vốn có tính tuyển chọn, sàng lọc cao.
Theo GS Bình, các ý kiến cho rằng bài thi tuyển sinh rốt cuộc chỉ là bài kiểm tra năng lực nên không cần cầu kỳ, nặng nề như lâu nay, rồi sau đó khi thí sinh trúng tuyển sẽ đào thải tiếp là hoàn toàn không thực tế.
“Nếu chỉ kiểm tra sơ qua năng lực thì tốt nhất để thí sinh học hết lớp 12 có thể tự đăng ký vào các trường ĐH, rồi sau đó các trường thực hiện đào thải như mô hình giáo dục mơ ước. Song tôi xin khẳng định thực tế đào tạo ĐH hiện nay chưa có cơ chế đào thải tương xứng…” – ông Bình nói.
Trong khi đó, dù ủng hộ đổi mới cách thức thi tuyển sinh, chấp nhận cả những phản ứng trái chiều từ dư luận, chấp nhận triển khai ngay cả khi thí sinh than phiền “còn lạ lẫm, chưa quen”, nhưng TS Phạm Hồng Quang – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên – vẫn cho rằng nếu áp dụng phương thức bài thi mới cần phải có thời gian chuẩn hóa và thích nghi, không thể áp dụng máy móc mô hình thế giới mà không quan tâm gì đến thực tế VN.
“Theo tôi, cần có hội thảo bàn về phương thức tuyển sinh mới một cách rộng rãi trước khi áp dụng để lắng nghe nhiều hơn ý kiến chuyên gia và chính học sinh. Đổi mới thi tuyển sinh theo cách nào cũng phải hướng tới người học, tạo thuận lợi cho người học thể hiện được đúng năng lực thật sự của mình” – ông Quang nói.
PGS.TS Cao Văn, hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, còn cho rằng các môn khoa học xã hội vốn đòi hỏi sự sáng tạo, nên nếu chỉ thi thông qua việc “đánh dấu” phương án đúng/sai thì không thể phát hiện và khơi gợi được khả năng sáng tạo, năng lực tư duy logic trong biện luận của thí sinh.
“Ngay với môn toán mà việc thực hiện trắc nghiệm còn cân nhắc bao lâu nay vẫn chưa áp dụng được trong kỳ thi chung. Do đó, trắc nghiệm hoàn toàn với kiến thức khoa học xã hội để tuyển sinh là không ổn” – ông Văn nói.
Đáp lại băn khoăn của hàng loạt chuyên gia, TS Sái Công Hồng – phó viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN – cho rằng mỗi dạng thức câu hỏi đều có thể đánh giá được năng lực thật sự của ứng viên.
Theo đó, tùy vào mục đích của việc đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá để lựa chọn dạng thức cho phù hợp với mục đích và việc sử dụng kết quả đánh giá để lựa chọn loại câu hỏi cho phù hợp.
Theo đó, bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mà ĐHQGHN đang áp dụng nhằm đánh giá các năng lực cốt lõi nhất, cần thiết để đảm bảo rằng thí sinh đạt một mức điểm năng lực nhất định sẽ có khả năng học tập thành công ở bậc đại học.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng thừa nhận việc áp dụng bài thi hoàn toàn trắc nghiệm đối với ngành đào tạo khoa học xã hội nói chung và môn ngữ văn nói riêng “còn là vấn đề tranh luận chưa ngã ngũ của các chuyên gia”.
Kinh nghiệm thế giới và đặc thù VN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sái Công Hồng cho biết việc thiết kế bài thi không phải hoàn toàn là các câu hỏi trắc nghiệm mà trong đó còn có những câu hỏi tự luận dạng ngắn thuộc phần tư duy định lượng (môn toán chiếm 15/50 câu hỏi).
Ngoài ra đề thi cũng được thiết kế để đảm bảo hạn chế mức tối thiểu xác suất thí sinh có câu trả lời đúng do đoán mò.
Đặc biệt, bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung là bài thi đã được chuẩn hóa theo lý thuyết khảo thí hiện đại, các câu hỏi thi đã được thử nghiệm với một số nhóm đối tượng học sinh khác nhau để xác định độ khó và độ phân biệt của mỗi câu hỏi trước khi đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Phần mềm thi trực tuyến sẽ tự động rút các câu hỏi chuẩn hóa theo ma trận chi tiết của bài thi đã được lập trình cố định.
“ĐHQGHN lựa chọn dạng thức trắc nghiệm khách quan cho nội dung liên quan đến các môn học thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn trong bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung là sự đúc rút từ nghiên cứu những kinh nghiệm các bài thi chuẩn hóa của thế giới, đồng thời có tính đến đặc thù của giáo dục phổ thông VN trong giai đoạn này và hướng tới sự phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn tiếp theo.
Trong việc thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm, cũng có những câu để đo năng lực cảm thụ, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ qua những đoạn văn, đoạn thơ trích. Nếu không cảm thụ và có năng lực thẩm mỹ tốt thì cũng không thể làm tốt được các câu đó” – ông Hồng phân tích.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho biết các ngành đào tạo mang tính đặc thù nếu cần đánh giá thêm những năng lực đặc thù cho ngành thì có thể thiết kế bài thi riêng (như chính sách tuyển sinh đối với các ngành đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN, thí sinh ngoài việc phải thi bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung còn phải làm các bài thi ngoại ngữ theo những quy định của các ngành đào tạo để tham gia xét tuyển).
3.000 lượt thi thử/ngày
Thống kê từ Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho thấy hiện tại mỗi ngày có khoảng 3.000 thí sinh đăng nhập vào hệ thống làm bài thi thử của ĐHQGHN để tự kiểm tra, đánh giá năng lực của mình theo cấu trúc bài thi mới.
Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung gồm tổng cộng 140 câu hỏi (thời gian làm bài 195 phút) với hai phần thi bắt buộc là tư duy định lượng – toán học (50 câu hỏi, thời gian làm 80 phút) và tư duy định tính – ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm 60 phút), cộng với phần tự chọn gồm 40 câu hỏi, thời gian làm 55 phút, thí sinh được lựa chọn một trong hai phần là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Mỗi phần có thời gian quy định riêng và thí sinh chỉ được làm một lần duy nhất, khi ấn nút hoàn thành thì không được làm lại phần thi đó. Nếu hoàn thành sớm, thời gian còn lại của phần thi đó không được cộng dồn sang các phần thi tiếp theo.
Ngay sau khi hoàn thành cả ba phần, thí sinh sẽ được xem kết quả thi của mình hiển thị trên trang kết quả gồm tổng điểm, tổng số câu hỏi làm đúng, tổng thời gian làm bài, số câu hỏi làm đúng từng phần, chi tiết điểm từng phần, thời gian làm bài mỗi phần…
NGỌC HÀ (TTO)

 

Bình luận (0)