Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khích lệ thay vì phê phán

Tạp Chí Giáo Dục

Khích lệ là phương pháp giáo dục cần thiết không chỉ ở nhà trường mà còn thích hợp ở nhiều môi trường khác. Ảnh: N.TRinh
Sau khi đọc bài báo Đánh giá học sinh tiểu học: Quá khó để phản ánh chính xác khiến tôi nhớ lại câu chuyện hồi tôi học lớp 4.
Hôm đó, cô giáo chủ nhiệm ốm vắng nên nhờ chồng dạy thay (có lẽ điều kiện hồi đó như thế). Chồng cô giáo đang dạy trường cấp III ở thị trấn đã nói một câu mà tôi không quên suốt gần 30 năm qua: “Các em cố gắng học, mai mốt lên lớp 10 gặp thầy”.
Với đám học sinh (HS) lớp 4 mà nói đến chuyện sẽ học lớp 10 sao nghe xa xôi vô cùng, bởi học đến lớp 4 đã thấy đằng đẵng, còn đến lớp 10 thì biết bao giờ… Đã vậy, ở quê khi đó (tỉnh Bến Tre), HS bỏ học khá nhiều, phần vì điều kiện học tập khó khăn trong khi cha mẹ lại ít quan tâm (thời điểm tôi học lớp 4, cả xã chỉ có 2-3 người học đến cấp III). Nhưng lời dặn dò của thầy có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với cá nhân tôi.
Năm tôi học lớp 9, thầy giáo dạy văn ra một đề bài: Tả một cảnh đẹp ở quê. Từ những trải nghiệm sau khi cùng bạn bè lang thang trong vùng, với sự “để ý” chi tiết, tôi viết được một bài văn khá dài, được thầy giáo phê là “viết tốt, cần chú ý rèn diễn đạt”, sau đó được đọc trước lớp. Dù thầy chỉ cho tôi 7 điểm nhưng những lời phê đó có ý nghĩa động viên tôi rất mạnh. Từ đó tôi chú tâm học văn nhiều hơn, tập tành sáng tác, lại tiếp tục được thầy cô kèm cặp, khích lệ nên liên tục là HS giỏi văn… 
Từ câu chuyện thực tế của bản thân và những trải nghiệm khác, tôi thấy rằng những lời khích lệ là một hình thức giáo dục hiệu quả, mang tính nhân văn cao và thường có ý nghĩa tác động trực tiếp đến người được khích lệ; đồng thời còn tạo sự động viên nhất định đến những người khác có liên quan. Khích lệ có thể là một lời khen nhẹ nhàng, một câu động viên phù hợp với điều kiện cụ thể, một sự biểu dương trước đám đông, một so sánh, ví von hợp lý… để gợi mở cho người được khích lệ sự phấn đấu (theo một hướng hay cách thức nhất định thay vì trước đây chưa rõ hướng hoặc cách nào). Khích lệ khác với sự tâng bốc (thường có dụng ý không hẳn là động viên), trong nhiều trường hợp làm cho người được khen cảm thấy mình quá giỏi, dễ sinh ra chủ quan, kiêu ngạo. Chẳng hạn, nếu hồi đó thầy giáo thay vì bảo chúng tôi cố gắng học để vào ĐH rồi trở thành giáo viên (GV) như thầy chắc khó có tác dụng bởi chúng tôi thấy điều đó quá xa xôi, không thành một động lực thực tế. Hay nếu thầy giáo dạy văn khen tôi kiểu “có óc miêu tả như Tô Hoài” chắc không những không có ý khích lệ mà thực ra biến tôi thành đối tượng cười nhạo của chúng bạn và khiến tôi thui chột luôn động lực học văn của mình.
Với một số HS có tư chất riêng về lĩnh vực nào đó, GV nên mạnh dạn khích lệ, tạo điều kiện để các em phát huy. Việc làm này không chỉ có tác động tích cực đến sự phấn đấu của bản thân HS đó hay của lớp mà còn tạo ra một môi trường, không khí vui vẻ, phấn khởi cho lớp. 
Do đó, khích lệ nên là một phương pháp giáo dục cần thiết và phù hợp không chỉ đối với các GV mà còn trong gia đình hay ở nhiều môi trường khác. Khích lệ không gây nên sự căng thẳng, thương tổn về tình cảm, tinh thần mà trái lại, nó bồi dưỡng tình cảm, niềm tin, sự vươn lên mạnh mẽ của mỗi cá nhân. Chúng ta thử hình dung, GV có 2 cách nói với 2 HS: Với HS A., cô bảo: “Em lười quá, tại sao học bài chỉ có một nửa?”; với HS B., cô bảo: “Em học được một nửa bài là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu em học hết cả bài”. Ở trường hợp đầu, có thể em sẽ vừa cảm thấy có lỗi và cũng vừa bị “quê” với các bạn, trong một số ít trường hợp, đã “quê” dễ dẫn đến chây ì, khó bảo. Ở trường hợp sau, nhiều khả năng em sẽ tự thấy có lỗi nhưng không tạo ra mặc cảm với các bạn, sẽ dễ động viên em học tốt hơn. Thậm chí, trong một số trường hợp, người lớn có thể “lờ đi” lỗi của trẻ mà chỉ khích lệ việc tốt, khiến bản thân trẻ tự khắc phục cái lỗi đó mà không bị ám ảnh rằng đã bị la rầy, mắng mỏ.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng chỉ có khích lệ mà không phê bình, thậm chí một số trường hợp cần thiết còn phải trừng phạt. Trong môi trường lớp học – một tập thể cùng lứa tuổi, cùng có một số đặc điểm giống nhau – việc khích lệ một em trước lớp không chỉ động viên trực tiếp em đó mà còn có thể có ý nghĩa nhắc nhở, gợi ý các em khác; hay việc phạt một em cũng có ý nghĩa cảnh báo, thậm chí răn đe các em khác. Tuy nhiên, người lớn nên chú ý nhiều hơn hai nguyên tắc: Thứ nhất, “khen trước – chê sau”, không phải để làm giảm tính chất khen – chê đó mà để người bị chê có một tâm lý thoải mái đón nhận và từ đó khắc phục sẽ dễ dàng hơn; thứ hai, “khen chung – chê riêng” với ý nghĩa tạo sự lan tỏa từ điều tốt của người này sang nhiều người khác, và không làm người bị phê bình cảm thấy mặc cảm, tự ti.
Trúc Giang
 LTSGiáo dục TP.HCM số ra ngày 10-12 có bài viết Đánh giá học sinh tiểu học: Quá khó để phản ánh chính xác, sau đó tòa soạn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ xung quanh vấn đề này. Trong số này, tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của một phụ huynh.
 

Bình luận (0)