HS Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) đọc sách, truyện tại thư viện của trường.
|
Ngoài việc bổ sung các đầu sách, truyện và trang bị cơ sở vật chất hàng năm, thư viện (TV) ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM còn đưa ra những tiêu chí hoạt động cụ thể, sáng tạo. Qua đó, các em học sinh (HS) (cả giáo viên) thích thú đến TV đọc sách, truyện để mở rộng kiến thức, nâng cao các kỹ năng đọc, viết…
Đa dạng cách làm thu hút bạn đọc
TV Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) có diện tích khoảng 300m2 được phân ra một nửa dùng để chứa các kệ đựng sách, báo, truyện, bàn để máy tính, nửa còn lại bài trí bàn ghế ngồi một cách khoa học và chừa một khoảng không gian bệt khá rộng, thoáng mát, đẹp mắt nhằm mang đến sự thoải mái cho HS trong quá trình đọc. Mỗi ngày như thế, ngoài lịch đọc sách chính khóa, có đến hàng trăm HS lui tới TV, nhất là vào giờ ra chơi. Cô Nguyễn Thị Thu Anh, cán bộ TV của trường, chia sẻ: “Không gian thoáng mát sẽ khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy thích thú. Hơn nữa HS tiểu học vốn dĩ ngồi yên một chỗ không được lâu, sau giờ học trên lớp, các em cũng muốn có sự thoải mái nào đó. Nếu đến TV đọc sách, truyện mà có cảm giác như thế thì các em sẽ thích thú, thường xuyên đến hơn. Ngoài HS, các thầy cô giáo cũng thường xuyên đến TV tìm đọc sách nghiệp vụ, tư liệu giảng dạy”.
Đây mới chỉ là một cách mà Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chú trọng để thu hút HS đến với TV. Mỗi năm, TV trường thường bổ sung khoảng 300 bản truyện, sách mới để tăng độ phong phú cho kho sách, đáp ứng thông tin luôn mới mẻ (một số sách, truyện cũ sẽ được thanh lý). Sách, truyện mới phần lớn là sách nghiệp vụ, sách văn học thiếu nhi, lịch sử, dân gian, cổ tích, ngụ ngôn; hạn chế các loại truyện tranh ít nội dung giáo dục. Các bản sách, truyện này do HS, phụ huynh quyên góp hay mạnh thường quân tặng hoặc do xã hội hóa. Để tăng tính tiếp cận sách mới, trong tháng luôn có các hoạt động chuyên đề giới thiệu sách mới, mời các nhân vật nổi tiếng như thầy Nguyễn Ngọc Ký đến nói chuyện về sách… Riêng HS, ngoài giờ ra chơi, mỗi lớp sẽ có 1 tiết đọc sách như giờ học chính khóa. Vì lẽ đó, ngay từ lớp 1, các em đã được xây dựng thói quen đọc sách.
So với TV của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thì TV Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) có diện tích không lớn bằng. Tuy nhiên các em HS vẫn đều đặn đến đây để đọc các đầu sách, truyện mới. Ngoài phòng đọc phục vụ cho khoảng 60 em mỗi lượt, trường còn đẩy mạnh hoạt động TV lưu động. Mặt khác, để giúp các em biết cách đọc sách có nội dung phù hợp, hiệu quả và biết giữ gìn sách trong quá trình đọc, trường còn xây dựng mạng lưới chuyên môn. Đó là chọn ra một số HS tiêu biểu ở khối 4, 5 tham gia hướng dẫn HS các khối, lớp khác cách đọc sách, lấy cất sách, hoặc đến từng lớp giới thiệu sách, truyện mới… “Một TV được đánh giá hoạt động hiệu quả khi mà HS và cả GV thường xuyên lui tới đọc, tìm kiếm tư liệu. Để có được giá trị này, TV rất cần những hoạt động phong phú, mới lạ để thu hút bạn đọc”, cô Nguyễn Thị Ngọc Trang, cán bộ TV Trường Tiểu học Trương Quyền, cho biết.
Còn nhiều bất cập cần thay đổi
Có thể thấy trong công tác giáo dục, TV đóng vai trò hết sức quan trọng. TV là nơi lưu giữ tri thức, là trung tâm văn hóa của nhà trường. HS đến TV đọc sách, truyện… nhằm mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng đọc viết, hình thành một thói quen đọc từ nhỏ. Bản thân giáo viên cũng có được những tư liệu quý báu để phục vụ cho việc dạy học. Vì thế, việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách, truyện, cách thức hoạt động… để giúp TV vừa đạt chất lượng, vừa hoạt động hiệu quả là điều hết sức quan trọng. Theo Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), hiện có trên 80% TV trường tiểu học đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc. Đây là những TV đáp ứng các tiêu chí về phòng ốc, thiết bị chuyên dụng, sách nghiệp vụ, giáo khoa, tham khảo, truyện, bản đồ, tạp chí, tranh ảnh giáo dục; đặc biệt cán bộ TV rất năng động, sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Trang nói: “Một TV đáp ứng được những tiêu chí trên là nhờ sự linh động của lãnh đạo nhà trường. Cái khó chung hiện nay của nhiều TV là diện tích phòng chật hẹp. Nếu tính riêng tiêu chí này thì đã không đạt. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết bắt buộc HS phải đến phòng đọc, thay vào đó các em có thể đọc ở hành lang, trong phòng học thông qua các TV lưu động. Quan trọng là chúng ta phải biết cách làm để thu hút bạn đọc”.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng, kinh phí đầu tư về sách, truyện mới còn khó khăn, sách ít được làm mới về nội dung; cán bộ TV thiếu linh động, nhiệt huyết vì phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau; thu nhập thấp, lãnh đạo nhà trường chưa quan tâm… là những khó khăn còn tồn đọng.
Cô Thu Anh cho biết thêm: “Hiện vẫn còn một số ít lãnh đạo trường có suy nghĩ TV chỉ là nơi lưu giữ sách. Chính vì thế, vẫn còn đó những TV nghèo các đầu sách, chỉ hoạt động dưới dạng kho chứa sách là chính. Với cách hoạt động này khiến cho TV không còn ý nghĩa gì cả”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“TV hỗ trợ rất lớn cho công tác dạy – học. Đây không chỉ là nơi cho mượn sách, truyện… mà là nơi giáo dục văn hóa đọc, viết cho HS; là nơi cung cấp tư liệu dạy học cho GV. Vì thế người hiệu trưởng cần phải hết sức quan tâm trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động”, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết. |
Bình luận (0)