Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục nghề nghiệp: Bộ nào quản lý?: Giao cho Bộ GD-ĐT quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường TC Bách khoa Sài Gòn hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành. Ảnh: Q.Huy
Tiếp tục bàn giải pháp nên giao giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến các nhà quản lý trường nghề, chuyên gia giáo dục.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Huế (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Du lịch và Khách sạn Khôi Việt): Sáp nhập phải thống nhất chương trình
Tôi cho rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp giao cho Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH quản lý đều được, nhưng phải có sự quản lý đồng bộ và sâu sát. Điều này có nghĩa là nếu giao cho một trong hai bộ này quản lý thì phải có sự kết hợp, bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, nếu Bộ GD-ĐT quản lý thì Bộ LĐ-TB&XH phải bổ sung thêm cho Bộ GD-ĐT một số danh mục mà bên giáo dục chuyên nghiệp không có và ngược lại. Cụ thể như bên trường dạy nghề có 10 hạng mục nhưng TCCN có một số ngành không trùng thì khi sáp nhập Bộ LĐ-TB&XH phải cung cấp một số chương trình của những ngành không trùng đó để có sự thống nhất chương trình của hai bên. Bộ GD-ĐT lâu nay thường quản lý về mặt lý thuyết, chương trình khung, còn Bộ LĐ-TB&XH quản lý nghề, thực hành nên khi sáp nhập, giao cho bộ nào quản lý cũng phải có hỗ trợ, kết hợp giữa hai bên thì chương trình mới có hiệu quả.
Đặc biệt, khi giao cho bộ nào quản lý, các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc sáp nhập làm sao có lợi cho học sinh (học sinh cảm thấy thoải mái khi chọn giáo dục nghề nghiệp) và các trường hoạt động khoa học hơn, dễ thu hút các em hơn. 
 
PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):  Bộ GD-ĐT quản lý có tính liên thông hơn
Bộ GD-ĐT quản lý từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề nên nhiều năm nay việc đào tạo có tính liên thông, hệ thống hơn Bộ LĐ-TB&XH. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH lâu nay có chức năng, nhiệm vụ về chế độ chính sách, quản lý thị trường lao động, nhưng về mặt đào tạo thì khó chuyên nghiệp được. Trong khi đó, mảng dạy nghề thuộc Bộ GD-ĐT quản lý có điều kiện thuận lợi hơn vì đã có kinh nghiệm trong đào tạo, đội ngũ giáo viên có trình độ, có các chương trình hợp tác quốc tế để lao động không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn ở các quốc gia khác, đặc biệt là năm 2015, Việt Nam gia nhập thị trường lao động ASEAN.
Dưới góc độ của một người nghiên cứu giáo dục, tôi thấy hệ thống dạy nghề ở nước ngoài rất phong phú, có nước giao cho Bộ GD-ĐT quản lý, có nước giao cho các bộ ngành khác nhưng về cơ bản vẫn giao cho Bộ GD-ĐT quản lý.
 
Ông Châu Văn Dưỡng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn): Bộ GD-ĐT quản lý sẽ chuyên nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp lâu nay gắn với Bộ GD-ĐT, thiên về nghiên cứu hơn trong khi Bộ LĐ-TB&XH lại gắn với đào tạo nghề, thực hành nghề, “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, nếu giao giáo dục nghề nghiệp về cho bộ nào quản lý thì tôi vẫn ủng hộ giao Bộ GD-ĐT bởi Bộ GD-ĐT đã qua một thời gian dài quản lý về mặt chuyên môn, nhân sự nên sẽ quản lý chuyên nghiệp hơn.
Điểm mạnh của Bộ GD-ĐT là có tính chuyên môn cao về mặt đào tạo và công tác quản lý. Riêng về Bộ LĐ-TB&XH thì có thế mạnh giải quyết việc làm, đầu tư các dự án để trường nghề “thay da đổi thịt”. Trong khi đó, bậc TCCN như chúng tôi thuộc Bộ GD-ĐT quản lý cũng có những định hướng phát triển về chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu giao Bộ GD-ĐT quản lý thì nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH để bộ này phối hợp với địa phương rà soát doanh nghiệp có nhu cầu lao động như thế nào nhằm đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng ngay thị trường lao động.
Dương Bình (ghi)
Ban hành điều lệ trường ĐH
Theo chinhphu.vn, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành điều lệ trường ĐH. Theo đó, điều lệ này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường ĐH; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trường ĐH, gia đình và xã hội… Điều lệ này áp dụng đối với trường ĐH, học viện đào tạo trình độ ĐH,  thạc sĩ, tiến sĩ (trường ĐH) thuộc các loại hình công lập, tư thục trong hệ thống đào tạo giáo dục quốc dân. Các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia áp dụng điều lệ này và quy chế tổ chức, hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các quy định về hoạt động của trường ĐH, quyền lợi của người học tại điều lệ này; các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác đầu tư, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ĐH, riêng về tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà trường không được thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng quy định tại điều lệ này.
Trường ĐH có cơ cấu tổ chức theo quy định tại điều 14 của Luật Giáo dục ĐH. Việc thành lập, giải thể các đơn vị thuộc trường ĐH; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật, của điều lệ này và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Về nhiệm vụ và quyền hạn, trường ĐH thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại điều 28 của Luật Giáo dục ĐH. Quyền tự chủ của trường ĐH thực hiện theo quy định tại điều 32 của Luật Giáo dục ĐH và một số quy định cụ thể như quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường; thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí tương ứng với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường ĐH; tuyển sinh và phát triển chương trình đào tạo…
Hoàng Diên
 

 

Bình luận (0)