Giáo viên Trường TH Trần Bình Trọng (Q.5) đang uốn nắn học sinh ngồi sao cho ngay ngắn. Việc này giúp các em có ý thức hơn trong học tập và trong cuộc sống. Ảnh: ANh Khôi
|
Có khá nhiều phụ huynh “điên đầu” với câu hỏi: Tại sao con có biểu hiện bất hợp tác, qua mặt, thậm chí là “bo xì” không trao đổi những chuyện riêng tư của mình với cha mẹ?
Vì sao con muốn qua mặt cha mẹ?
Nghi ngờ con gái đã cố ý “cầm nhầm” số tiền trong ví của mình để đi chơi với bạn bè, chị Thu Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) tra hỏi nhưng con đã lảng tránh, khóc ấm ức và chạy ù đi giữa mưa như trốn khỏi tầm mắt của mẹ. Con bé (15 tuổi) đã bỏ nhà đi được hai ngày mà không thèm nghe điện thoại của gia đình, khiến chị Nga như ngồi trên đống lửa. “Mình buồn lắm, đang ngồi ở quán cà phê T. nè, bồ qua ngay với mình nhé!”. Tin nhắn của con gái gửi nhầm vào di động của chị Thu Nga, khiến chị phân vân, lo lắng với bao câu hỏi: Con gái có thật là đã lấy tiền của mẹ? Nó có bỏ học để đi chơi không? Bồ của nó là ai? Sao chuyện gì nó cũng giấu nhẹm cha mẹ là sao?… Chị Thu Nga tức giận, không kiềm chế được mình, gọi điện cho con tra khảo nhưng con bé không nói gì mà cúp máy luôn.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Phương (Q.Bình Thạnh) cũng đang rơi vào tình huống khó xử khi ngày ngày cô con gái cứ “câm như hến” vì giận ba đã làm tổn thương mình. Chuyện là thế này, hôm đầu tuần Thúy Hằng (13 tuổi), con gái anh đi học về ấm ức mách cha mẹ: “Trên đường về nhà con bị mấy bạn trai chọc ghẹo, con xấu hổ lắm!”. Thay vì giúp con bình tĩnh và tìm cách ứng phó nếu lần sau gặp phải tình huống như thế, anh Nguyễn Phương lại “chụp mũ” con: “Chắc con phải làm gì thì bọn nó mới trêu ghẹo chứ, có liếc ngang liếc dọc gì không? Sao những đứa con gái khác lại không bị trêu?”. Vì bị quy chụp mọi lỗi lầm một cách oan ức nên cô bé cảm thấy rất đau khổ, không muốn nói thêm bất kỳ chuyện gì với cha mẹ.
Các bậc phụ huynh thường mâu thuẫn vì khi con cái muốn tâm sự, trao đổi thì né tránh với lý do bận rộn, ít có thời gian quan tâm gần gũi, trò chuyện với con. Nhưng khi biết con tự dò dẫm tìm hiểu, thì cha mẹ lại muốn kiểm soát, xét nét xem con đang giấu mình điều gì và con biết đến đâu. Trẻ càng muốn giấu, cha mẹ càng muốn điều tra làm rõ. Từ đó, nhiều người nhất định bám sát con, thậm chí can thiệp thô bạo, miễn không bị con qua mặt.
Với cách tính toán, suy diễn của hầu hết các bậc phụ huynh, thì chắc chắn trẻ phải làm điều gì sai nên mới sợ bị cha mẹ biết. Chính vì thế, khi có chút đầu mối, họ liền truy tới cùng. Nhiều bậc cha mẹ dùng quyền uy để ép buộc con phải nhận lỗi. Nhiều người không ngại phủ đầu con theo kiểu: “Con không nói thật thì cha mẹ cũng biết, mấy đứa cùng nhóm đã khai hết rồi…”. Với cách “chụp mũ” đó, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn.
Cha mẹ cần hiểu lòng con
Trẻ ở lứa tuổi nhi đồng có câu nói cửa miệng: “Cha mẹ thường nói rằng…” và khi có điều gì thắc mắc, trẻ sẽ tìm đến lời giải thích của cha mẹ. Khi bước sang tuổi dậy thì, trẻ dường như chẳng muốn nói chuyện riêng của mình với cha mẹ. Ngay cả những khi gặp sự cố rất băn khoăn, lo lắng thì “quân sư” mà trẻ gõ cửa vẫn là Google hoặc bạn bè thân thiết của mình.
|
Một trong những biểu hiện khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là trẻ luôn mâu thuẫn khi không muốn nói mà muốn được thấu hiểu. Thực ra, con cái rất muốn trò chuyện với cha mẹ nhưng trẻ còn băn khoăn là cha mẹ có thông cảm với những câu hỏi có vẻ “ngớ ngẩn” không, hoặc do người lớn tỏ ra xa cách nên không nói.
Sau khi thăm dò phản ứng của cha mẹ, dần dà cảm thấy không đồng cảm, con cái sẽ chọn giải pháp “im lặng là vàng”. Một trong những biểu hiện tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì là muốn giấu những điều riêng tư, muốn xây dựng và cố thủ trong thế giới của mình và không ai được can thiệp để khẳng định mình. Thế nhưng các bậc phụ huynh lại muốn con cái công khai mọi vấn đề. Cha mẹ thường điều tra qua thầy cô, cài “gián điệp” là bạn của con, kiểm tra cặp, điện thoại, đồ vật riêng tư của con… Tuy nhiên, những điều ấy chỉ khiến con cái càng tìm cách che giấu, thậm chí có những hành động để đối phó.
Qua trao đổi với chuyên gia tâm lý, nhiều phụ huynh đã hiểu rõ, giữa cha mẹ và con cái không phải là khoảng cách về không gian mà là khoảng cách về tâm lý, tinh thần. Không ít trường hợp con cái ở chung với cha mẹ nhưng lại xa cách về thế giới tâm hồn. Cha mẹ thường thích lên lớp “dạy đời”, trong khi không ít kinh nghiệm của người lớn trước đây không còn phù hợp với trẻ bây giờ. Ngay cả cha mẹ cũng mâu thuẫn khi vừa mong con mình phải biết tự lập, có bản lĩnh và năng động trong cuộc sống vừa phải ngoan ngoãn, thụ động vâng lời “vô điều kiện” của mình…
Dạy con không nhất thiết phải ngồi đối diện để “rao giảng” mà có thể qua hành động của mình, dạy mọi lúc mọi nơi, dạy trong tiếng cười và bằng lòng yêu thương. Cha mẹ không nên “chuyện bé xé ra to”, nhắc lại lỗi lầm cũ của con. Nên kiềm chế cơn giận, làm chủ cảm xúc của mình, tránh xúc phạm và đánh đập con. Đồng thời, cha mẹ cần kết hợp tốt với nhà trường, bạn bè của con để có thể bao quát con một cách tốt nhất.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
“Mẹ chưa bao giờ tin tưởng con”
Con gái chị Thu Nga khi trao đổi với chuyên gia tâm lý đã nói rằng: “Mẹ cháu chưa bao giờ tin tưởng con cái. Làm sao cháu có thể nói chuyện với mẹ khi mẹ suốt ngày cứ nghi cháu thế này thế kia”. Khi được hỏi: “Sao cháu không nói thật cho mẹ biết?”, cô bé đáp trả bằng thái độ khó chịu: “Có khi nào mẹ dành thời gian để lắng nghe cháu nói đâu. Chưa bao giờ mẹ nghĩ đúng về cháu cả”.
|
Bình luận (0)