Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng đi nào cho đào tạo dạy nghề?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ học tin học. Ảnh: T.L
Giống như giáo dục ĐH, dạy nghề đang gặp rất nhiều khó khăn để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy có nhiều bước đổi mới đột phá như nhập khẩu các chương trình đào tạo quốc tế, được quan tâm đầu tư hơn nhưng so với yêu cầu của xã hội, đào tạo nghề vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Tại Hội thảo phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội vừa được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực tổ chức, các đại biểu đã mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục dạy nghề.
Còn quá xa mục tiêu
Theo ông Đặng Xuân Thức, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy thuộc Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), thực tế hiện nay chỉ có khoảng 2,5-3,5% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề. Con số này so với mục tiêu được đề ra tại chỉ thị số 10/CT-TW của Bộ Chính trị thì còn kém rất xa. Cụ thể, chỉ thị 10 đưa ra mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Trong khi đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam tầm nhìn năm 2020 cũng đặt mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của nước ta đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Thực tế còn rất xa mới đạt được mục tiêu đề ra.
Đưa ra các nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu, nhiệm vụ không hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra giai đoạn 2011-2015, ông Đặng Xuân Thức nhấn mạnh chất lượng đào tạo nghề mặc dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất và thị trường lao động; mối quan hệ trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Thiết bị dạy nghề mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư trong những năm qua nhưng còn thiếu và chưa thay đổi kịp với công nghệ sản xuất. Chương trình, giáo trình chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung theo sự thay đổi của kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất của doanh nghiệp…
Về phía các trường dạy nghề, ThS. Trương Huỳnh Như, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng chương trình còn mang tính hàn lâm, chia nhỏ ra từng môn học, mô đun riêng rẽ (thay vì tích hợp), dẫn đến người học được học rất nhiều, nhưng không hiểu sâu, khó nhớ, vì không mang tính thực tế, không biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế công việc. Học sinh học nghề không hình thành được kỹ năng nghề do chưa được rèn tính cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại. Thiếu kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, thường làm việc riêng lẻ, điều này dẫn đến khi làm việc thường thiếu sự hợp tác trong công việc. Bài giảng thường xa vời với thực tế, chưa kết hợp được bài giảng để làm ra sản phẩm thực…
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Theo kết quả điều tra của dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, hiện thị trường lao động đang tồn tại nhiều nghịch lý, vừa thừa, vừa thiếu trong từng nhóm ngành nghề. Trong khi các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đảm bảo được yêu cầu tuyển dụng, đặc biệt là kỹ năng. Việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ cao của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, đối với loại lao động có trình độ CĐ kỹ thuật, tính bình quân, các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 45% so với nhu cầu. Một số nghề ở trình độ này đạt tỷ lệ tuyển dụng thấp như: Nghề in, xuất bản (đạt 31%), tin học ứng dụng đạt 1,9%, dệt may đạt 44%… Ở một số doanh nghiệp lớn đang thu hút nhiều lao động nhưng cũng khó tuyển được lao động kỹ thuật cao. Chẳng hạn nghề đang khó tuyển nhất là nghề nguội chế tạo đạt 34% và cắt gọt kim loại đạt 43,8%.
Đến 2020: 70% lao động qua đào tạo nghề
Theo ông Đặng Xuân Thức, đến năm 2020, tổng nhân lực qua đào tạo nghề là gần 44 triệu người, chiếm khoảng 70%. Phân chia theo vùng miền, ông Thức cho biết, vùng núi trung du phía Bắc số nhân lực qua đào tạo nghề đến 2020 là 4.510.000 người; đồng bằng sông Hồng là 12.947.000 người; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là gần 8.606.000 người; Tây Nguyên gần 1.712.000 người; Đông Nam bộ là gần 9.768.000 người và đồng bằng sông Cửu Long là 6.257.000 người.
Song song với mục tiêu đề ra, Tổng cục Dạy nghề cũng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết như đến 2020, 100% giáo viên dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN được bồi dưỡng đạt chuẩn về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học; khoảng 50% giáo viên được bồi dưỡng nâng cao về công nghệ mới, ngoại ngữ, tin học, kiến thức hội nhập quốc tế… Đến 2020, xây dựng danh mục và thống nhất chương trình đào tạo theo ngành, nghề cho giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên xây dựng và ban hành các chuẩn đầu ra cho từng nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia. 100% các nghề trọng điểm được tập trung xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn đầu ra; các nghề không được quy hoạch nghề trọng điểm thì trường tự xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra đã được ban hành. Đến 2020, xây dựng và ban hành danh mục thiết bị và tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho 100% các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia.
Nghiêm Huê
Doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề “đói” thông tin
Theo kết quả điều tra của dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, hiện thị trường lao động còn thiếu nhiều loại nghề mà doanh nghiệp cần tuyển dụng. Trong khi đó một số doanh nghiệp lại thiếu thông tin về các cơ sở đào tạo nghề và khó tiếp cận với các thông tin về lao động cần tuyển. Ngược lại, các cơ sở đào tạo cũng không có được nguồn thông tin dự báo cụ thể về cung – cầu thị trường lao động, chậm hoặc khó thay đổi về cơ cấu ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo… 
 
 

Bình luận (0)