Học sinh tìm hiểu ngành nghề trong một chương trình hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
|
Việt Nam cũng giống như New Zealand, đều quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề phổ thông. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam chương trình này còn một số khó khăn, hạn chế thì ở New Zealand, chương trình phổ thông lại luôn gắn chặt với hướng nghiệp.
Trải nghiệm nghề ngay từ phổ thông
Ở Việt Nam, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện qua các tiết học về hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12, mỗi năm 9 tiết. Để thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường thường dồn các tiết học này lại thành các sự kiện tuyển sinh, mời chuyên gia từ các trường ĐH đến trò chuyện cùng học sinh. Cũng có trường giao các tiết ấy cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện trong giờ sinh hoạt lớp…
Bên cạnh các tiết học trên, học sinh cũng được tạo cơ hội để tham gia các hoạt động giáo dục nghề phổ thông. Tùy vào điều kiện và khả năng của mỗi trường mà các trường sẽ dạy cho học sinh nhiều nghề khác nhau. Có trường sẽ dạy nghề trồng cây, có trường dạy nghề vi tính, có trường kết hợp với các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tổ chức những hoạt động giáo dục nghề phổ thông hay các lớp nghề như nấu ăn, cắt may…
New Zealand là một quốc gia có chương trình hướng nghiệp khá tốt và có vị trí địa lý khá gần với Việt Nam. Tại quốc gia này, giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường có mục tiêu rõ ràng. Khi học sinh rời nhà trường, họ phải biết mình là ai, hiểu được những cơ hội việc làm quanh mình, có khả năng quyết định và lập kế hoạch, và có khả năng hành động để thực hiện kế hoạch đó.
Với mục tiêu này, giáo dục hướng nghiệp ở New Zealand bắt đầu từ lớp 7, đặc biệt với những học sinh có nguy cơ phải nghỉ học và vào đời sớm. Chương trình giáo dục nghề phổ thông của họ liên kết chặt chẽ với chương trình hướng nghiệp và bắt đầu khi các em vào trung học. Ở đây có hai chương trình chính, đó là Gateway và Star. Gateway là chương trình trải nghiệm việc làm được tổ chức bởi trường và kết hợp với các doanh nghiệp trong vùng. Còn Star là chương trình trải nghiệm việc học ĐH được kết hợp với các trường ĐH trong vùng. Mục tiêu của hai chương trình này là giúp học sinh hiểu rõ xem mình phù hợp với việc học nghề hay là theo con đường ĐH. Vì đã trải nghiệm từ rất sớm, nên các em có cơ hội tìm hiểu thực tế trước khi quyết định con đường tương lai.
Hướng nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn
Theo chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện nay, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề của nước ta chưa được xem như một phần chính thức của chương trình giáo dục THPT. Điều này được thể hiện ở chỗ các tiết hướng nghiệp được thực hiện cho có, được giao cho các giáo viên thiếu tiết dạy, thiếu sự tài trợ về tài chính… Hơn nữa, giáo dục hướng nghiệp chưa có đào tạo trong trường sư phạm dẫn đến các giáo viên trong trường phổ thông phải mày mò, tự học để dạy lại học sinh. Ngay cả các chuyên viên tư vấn giáo dục hướng nghiệp ở các trung tâm tổng hợp kỹ thuật hướng nghiệp hay GDTX cũng chưa được giáo dục bài bản mà toàn phải học ngắn hạn từ các chuyên gia nước ngoài, lên mạng tìm thông tin, hay nghề dạy nghề.
Bên cạnh đó, giữa nhà trường và các doanh nghiệp chưa có được tiếng nói chung hay sự liên kết hỗ trợ nhau. Giáo dục nghề phổ thông sẽ không thể nào có kết quả tốt nếu không có sự kết hợp và hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp cần nhân lực về nghề. Tại TP.HCM, các nhà máy kỹ thuật thường đến các trường CĐ nghề để tìm nhân lực, nhưng nếu họ kết hợp với các trường trung học từ lớp 10, thì nhân lực của họ sẽ dồi dào và có chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của người dân chưa coi trọng việc học nghề hay có một nghề chuyên môn tốt. Thay vào đó, phần lớn thích bằng cấp, bằng ĐH hay CĐ, miễn có bằng là được. Điều này tạo ra một sự mất thăng bằng trong việc cung và cầu của thị trường lao động. Ví dụ, chúng ta luôn cần công nhân kỹ thuật lành nghề với khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, giao tiếp… Nhưng chúng ta lại luôn thừa các cử nhân ĐH.
Dương Bình (ghi)
ThS. Phoenix Ho
(Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)
Giáo dục nghề phổ thông sẽ không thể nào có kết quả tốt nếu không có sự kết hợp và hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp cần nhân lực về nghề. |
Bình luận (0)