Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015: Cần công bằng giữa các vùng miền

Tạp Chí Giáo Dục

Trong dự thảo quy chế còn nhiều điểm khiến giáo viên và học sinh lo lắng.
Nhiều ý kiến ủng hộ những quy định mới trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ đó còn có không ít băn khoăn cần được Bộ GD-ĐT làm rõ.
Thầy Phan Văn Tánh (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng):
Lo HS sẽ học lệch
Tôi cho rằng những quy định trong dự thảo quy chế là phù hợp. Không phải phù hợp về phương thức thi tuyển mà là phù hợp với sự chuẩn bị của nhà trường, phụ huynh và HS. Ngoài ra còn phù hợp ở chỗ năm nay ít có sự thay đổi, cụ thể: Số môn xét công nhận tốt nghiệp là 4, trong đó có môn ngoại ngữ. Tôi ủng hộ việc đưa môn ngoại ngữ vào xét tốt nghiệp và sử dụng chứng chỉ quốc tế tiếng nước ngoài tương ứng được miễn thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, thang điểm 20 nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh là hợp lý. Nhưng cách ra đề không phải là đơn giản cho các môn tự luận cũng như trắc nghiệm, trong khi thời gian không phải cũng tăng gấp 2 lần. Đối với môn thi trắc nghiệm, thông thường các năm trước mỗi đề thi trắc nghiệm có 60 phút với 50 câu hỏi. Nay thang điểm lên 20 thì không thể tăng lên 100 câu trong khi thời gian vẫn là 60 phút. Trong 50 câu đó sẽ được chia ra 25 câu (10 điểm) để tốt nghiệp, số còn lại để dành cho thi CĐ, ĐH hay sao? Nếu vậy thì rất khó bởi vì HS có thể làm được câu này trong phần ĐH hay không làm được câu kia trong phần tốt nghiệp! Mặt khác, trước đây, mỗi câu trắc nghiệm tương đương 0,2 điểm, nay cũng là một câu đó nhưng với thang điểm khác thì nâng lên thành 0,4 điểm, như vậy chất lượng câu hỏi không thể tương xứng nhau. Vậy việc phân hóa ở đề thi trắc nghiệm là rất khó.
Bên cạnh đó, đối với câu hỏi tự luận, liệu sẽ phân chia gồm 2 câu tốt nghiệp, 2 câu ĐH hay chính trong mỗi câu có sự phân hóa cụ thể. Nói rõ ra là phân hóa theo từng câu hay phân hóa theo từng ý trong câu? Nếu như phân hóa theo ý thì cũng không thể áp dụng ở loại câu trắc nghiệm. Đây là vấn đề khó cho HS.
Cách tính điểm không quan trọng mà quan trọng ở chỗ mấy điểm thì tốt nghiệp, những môn xét tốt nghiệp có số điểm trên 10/20 thì sao? Bộ GD-ĐT cần phải nêu rõ quy định về vấn đề này.
Thời gian thi chuyển qua tháng 7, nhiều ý kiến cho rằng như vậy thời gian của giáo viên dạy khối 12 sẽ bị rút ngắn. Theo tôi, tùy từng kế hoạch dạy học của từng trường. Thông thường, theo kế hoạch thì tất cả các chương trình học, ôn tập sẽ kết thúc vào tháng 5. Số thời gian còn lại là các em tự ôn tập. Nay theo quy chế mới, thời gian kéo dài đến tháng 7, thì có thể HS tự ôn, tự tìm chỗ ôn luyện hoặc cũng có thể phụ huynh sẽ yêu cầu nhà trường tiếp tục tổ chức ôn tập cho các em. Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này thì tùy tình hình để nhà trường có kế hoạch linh động, đảm bảo kế hoạch học tập tốt cho các em. Bởi vậy, theo tôi, việc này không ảnh hưởng lắm đến kỳ nghỉ hè của giáo viên.
Ở đây tôi có 2 điều băn khoăn: Thứ nhất là với phương thức thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn như thế này, tất nhiên các em sẽ chọn những môn thi lợi thế của mình. Nhưng như vậy, một bộ phận lớn HS khối A có học sử, địa nữa không và ngược lại, những em khối C có học hóa, lý nữa không? Trong khi chúng ta biết rõ rằng, việc dạy thế hệ trẻ trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải rèn luyện cho các em đầy đủ kỹ năng, hình thành nhân cách sống, làm người tốt, có tinh thần trách nhiệm. Thứ hai, với cách tuyển sinh như thế này, các trường CĐ, TCCN và ĐH tư thục sẽ khó có nhiều sinh viên khá, giỏi; rồi phần lớn các em sẽ dồn lực vào thi ĐH và như vậy đất nước khó có thợ giỏi, phân luồng khó đạt hiệu quả.
 
Ông Phan Quốc Thảo (PHHS Trường THPT dân lập An Đông, TP.HCM):
Điểm trung bình lớp 12 liệu có công bằng?
Sau khi xem qua dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, chúng tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ vấn đề lấy điểm trung bình lớp 12 làm một trong những thang điểm để xét tốt nghiệp THPT. Bởi cách dạy, cách cho điểm ở mỗi trường, mỗi vùng miền đều khác nhau. Đó là chưa kể đến các tiêu cực trong việc nâng điểm cho HS ở nhiều trường học hiện nay. Dù vấn đề tốt nghiệp THPT không nên làm quá gay gắt nhưng tôi và nhiều phụ huynh khác vẫn mong Bộ GD-ĐT cần kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc, trong sạch vấn đề ra đề thi, coi thi và chấm điểm đối với HS lớp 12.
Cô Phạm Thị Hồng Trang (giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng):
Đừng đánh đố môn ngoại ngữ với HS miền núi
Tôi là giáo viên dạy ngoại ngữ nên rất trăn trở nếu như môn ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tôi thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 gần như “thách thức” đối với HS vì hướng dạy yêu cầu phải phát triển kỹ năng giao tiếp nhưng khi thi lại có phần viết nên HS miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Trong khi giáo viên thì không biết phải định hướng ôn theo dạng đề nào. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần có cấu trúc đề thi cụ thể, hướng dẫn và giới hạn những phần gì đối với môn ngoại ngữ. Chuyện các em học và hiểu được môn ngoại ngữ theo chương trình sách giáo khoa (xét theo mặt bằng chung) đã là một quá trình vất vả, chứ chưa nói đến chuyện học tốt, hiểu sâu để trả lời được những câu mang tính đánh đố trong đề thi.
Nhân nói về cách ra đề thi theo hướng mở rộng kiến thức, tôi thấy đây cũng là vấn đề đáng để suy nghĩ. Nên chăng chúng ta có một đề thi riêng dành cho đối tượng HS các vùng khó khăn bởi so với vùng đồng bằng, thành thị thì các em ở vùng này ít được trau dồi tư duy nhận thức xã hội (quanh năm các em gắn bó với rừng núi, với đói nghèo thì lấy đâu ra kinh nghiệm sống để làm những bài văn phê phán mạng xã hội, thói hư tật xấu của giới trẻ? 12 năm chưa một lần được xem ti vi thì làm sao hiểu về vấn đề giữ gìn chủ quyền biển đảo? Chưa một lần tiếp xúc với hóa chất, chưa một lần làm thí nghiệm thì làm sao hình dung ra được quá trình thí nghiệm sẽ tạo ra chất có mùi vị, hiện tượng gì?…) Vì thế, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ khi ra đề thi, không để những HS vùng khó khăn phải gác lại ước mơ học hành.
 
Em Đặng Thảo Vy (HS Trường THPT Thủ Thiêm, TP.HCM):
Miễn thi HS có chứng chỉ ngoại ngữ là thừa!
Theo em, Bộ GD-ĐT không cần phải miễn thi môn ngoại ngữ cho những HS có chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ bởi những bạn này nếu đi thi thì điểm môn này cũng sẽ rất cao. Trong khi đó, những bạn có chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ sẽ vẫn phải dự thi môn ngoại ngữ nếu như bạn đó muốn xét tuyển vào ngành tại một trường ĐH, CĐ mà khối thi có môn ngoại ngữ (ví dụ khối A1, khối D). Dự thảo cũng chưa đề cập tới việc những HS nếu được miễn thi môn ngoại ngữ sẽ tương đương với mức điểm là bao nhiêu khi xét tốt nghiệp? Trường hợp nếu không quy ra điểm thì khi xét tốt nghiệp môn ngoại ngữ có được nằm trong tổng điểm 4 bài thi theo cách tính mới nhất về điểm xét tốt nghiệp hay không?
 
Ảnh: Anh Khôi

Bình luận (0)