Gần đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học (có hiệu lực từ ngày 20-10-2020) và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT (có hiệu lực từ ngày 1-11-2020).
Theo tác giả, giáo viên cần thay đổi cách hành xử trong lớp học mang tính động viên khuyến khích HS có thái độ ứng xử đúng đắn. Ảnh: Y.Hoa
Những quy định kỷ luật mới
Hai văn bản mới này quy định về các hình thức kỷ luật đối với học sinh (HS) các cấp. Theo đó, đối với cấp tiểu học, HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, giáo viên không được phê bình HS trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ, mà tùy theo mức độ vi phạm có thể tiến hành các biện pháp kỷ luật: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để HS tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm. Đối với cấp THCS và THPT, HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm có thể được giáo dục hoặc thực hiện kỷ luật theo các hình thức sau đây: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để HS khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, có thể thấy, so với các quy định về việc xử lý kỷ luật HS trước đây tại Thông tư số 08/TT năm 1988 của Bộ GD-ĐT đã tồn tại hơn 30 năm qua, quy định mới đã xóa bỏ nhiều hình thức kỷ luật cũ như cảnh cáo, đuổi học. Hai văn bản pháp luật này đã thể hiện được tinh thần “giáo dục tích cực” mang tính nhân bản, nhân văn và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội hiện tại mà chúng ta đang hướng tới. Trong đó, điều khoản về việc không đuổi học HS mà tạo điều kiện cho các em thay đổi môi trường, và mức kỷ luật cao nhất là tạm dừng học tập có thời hạn đã thể hiện được tính nhân văn trong việc giáo dục con người. Các thông tư trên rất phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật mới của nước ta, phù hợp Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016.
Thực tế trách phạt học sinh chưa theo kịp pháp luật
Để cho các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống cần có thời gian nhất định. Hiện tại, không phải tất cả giáo viên (GV) đều đã nắm vững và thực hiện đúng tinh thần của các thông tư mới ban hành. Đây đó vẫn còn hiện tượng thầy cô trách phạt HS như trước, nhẹ là la mắng, nhiếc móc, chửi rủa, ghi sổ đầu bài; bắt HS chép phạt, trực vệ sinh, phạt úp mặt vào tường, phạt lao động quét lớp, lau dọn nhà vệ sinh; nặng hơn thì dùng các biện pháp nhục hình như: đánh, véo, tát, kéo tai, bắt quỳ gối, thụt dầu, phạt chạy vòng quanh trường… Các GV tưởng rằng phạt như vậy là bình thường, không vi phạm pháp luật. Suy cho cùng, mục đích của giáo dục là giúp HS nhận thức được sai lầm để sửa chữa chứ không phải trừng trị cho HS sợ hãi; làm cho HS cảm nhận được sự yêu thương, giúp đỡ của GV, chứ không phải là sự trừng phạt khắc nghiệt.
Kỷ luật HS nhằm giáo dục các em nhận ra cái sai và tự uốn nắn theo khuôn phép. Những hình thức kỷ luật như đuổi học hay cảnh cáo HS trước lớp, trước trường, đến nay đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại, bởi vì nó chỉ đơn thuần là sự trừng phạt thỏa đáng, chứ không còn là biện pháp kỷ luật HS nhân văn, hiệu quả, phù hợp với xu thế xã hội hiện nay. GV cần hiểu rằng đã qua rồi thời kỳ thầy đánh mắng trò.
Trên thực tế, đại bộ phận GV thời nay hầu hết yêu nghề, tận tâm với HS. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ GV chạy theo đồng tiền, ép buộc HS phải học thêm riêng để vụ lợi. Nhiều HS chỉ vì không đi học thêm, không quà cáp lễ, Tết mà bị thầy cô “bỏ lơ” hoặc bị “trù úm”.
Giáo viên cần sớm thay đổi
Mặc dù những GV “xử” HS bằng các biện pháp phản giáo dục cũng đã bị lên án, thậm chí nhận hình thức xử lý trước pháp luật, nhưng nhiều vụ việc bạo hành HS vẫn tái diễn đã đặt ra cho ngành giáo dục yêu cầu cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức, kỹ năng của GV trong việc ứng xử đối với HS phạm lỗi. Với những hình thức giáo dục kỷ luật nhẹ nhàng, nhân văn được quy định trong 2 thông tư mới trên, để theo kịp cuộc sống, GV cần thiết sẽ phải thay đổi để có hình thức giáo dục kỷ luật phù hợp, đúng mực, mô phạm hơn. GV cần phải tìm ra phương pháp sư phạm tốt nhất, tích cực nhất, để giáo dục HS chấp hành kỷ luật.
Giáo dục bằng lòng yêu thương là cách tốt nhất để điều chỉnh hành vi kỷ luật. Vì con đường đi từ trái tim người thầy đến trái tim học trò chính là lộ trình ngắn nhất, thành công nhất trong công tác giáo dục, cho nên nếu GV nhìn nhận lỗi lầm của HS vi phạm bằng lòng vị tha, tình yêu thương thì việc cảm hóa các em chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. |
Trước hệ thống các văn bản pháp luật của nước nhà ngày càng hoàn thiện hơn trong quy định về thái độ, hành vi, ứng xử của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật của GV có thể xảy ra trong nhà trường, thì các cán bộ, viên chức, GV có hành vi nhục mạ, hành hạ, xâm phạm thân thể HS sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị khởi tố, bị sa thải khỏi ngành, bị xã hội lên án…
Một số biện pháp tích cực
Nhà giáo cần tiến hành thực hiện một số biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp với xu thế mới của công cuộc giáo dục. Trước hết, GV cần thay đổi cách hành xử trong lớp học mang tính động viên khuyến khích HS có hành vi và thái độ ứng xử đúng đắn. Thầy cô hãy quan tâm chia sẻ với những khó khăn mà HS gặp phải – đó là nguyên nhân dẫn đến phạm lỗi – nhằm giải quyết tận gốc hành vi vi phạm kỷ luật. Cần phát huy ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm của các em khi xây dựng nội quy lớp, hình thành một tập thể lớp học tốt, khuyến khích tăng cường sự tham gia của HS trong hoạt động tập thể, không để em nào rơi lại phía sau thành HS tiêu cực cá biệt. Giáo dục bằng lòng yêu thương là cách tốt nhất để điều chỉnh hành vi kỷ luật. Vì con đường đi từ trái tim người thầy đến trái tim học trò chính là lộ trình ngắn nhất, thành công nhất trong công tác giáo dục, cho nên nếu GV nhìn nhận lỗi lầm của HS vi phạm bằng lòng vị tha, tình yêu thương thì việc cảm hóa các em chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Về phía các cấp lãnh đạo ngành và nhà trường, phát huy sự nhận thức và năng lực của GV trong việc giải quyết các tình huống kỷ luật rất quan trọng, mang tính quyết định. Do vậy, các cấp quản lý cần tổ chức tập huấn, rèn luyện cho đội ngũ nhà giáo về các phương pháp giáo dục tích cực trong ứng xử với các hành vi HS phạm lỗi, thì mới phát huy được hiệu quả giáo dục kỷ luật phù hợp với tinh thần của các thông tư mà Bộ GD-ĐT mới ban hành. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh để các hình thức xử lý kỷ luật HS mang tính nhân văn được áp dụng hiệu quả hơn; có những giải pháp căn cơ trong giáo dục đạo đức cho HS, đồng thời tạo cơ hội để các em có ý thức tự giác sửa chữa những sai lầm nhất thời khó tránh khỏi ở lứa tuổi HS.
Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị ĐH Dân tộc
Trung ương Nha Trang)
Bình luận (0)