Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kỳ Thi THPT quốc gia: Băn khoăn về ngày thi và thang điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học ở lớp 12 Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ
Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị cán bộ quản lý đóng góp cho dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015. Tham dự có hơn 150 đại biểu gồm chuyên viên các phòng, ban thuộc Sở GD-ĐT, ban giám hiệu các trường THPT, GDTX các quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Quản lý và tổ chức ôn tập thế nào?
Tại hội nghị, ngoài những đóng góp để hoàn thiện công tác tổ chức kỳ thi như: Đề nghị Bộ GD-ĐT giảm các loại giấy tờ theo quy định trong hồ sơ đăng ký dự thi; không nên quy định thí sinh phải nộp 2 phong bì ghi rõ địa chỉ để trường ĐH thông báo kết quả nhằm tránh lãng phí cho thí sinh (bởi trong thực tế, các phong bì này hầu như không được sử dụng); đề nghị các trường ĐH cố gắng hoàn thành công tác xét tuyển trong 20 ngày để giảm số thí sinh ảo, do các em vì không biết kết quả nên sẽ dùng 4 phiếu báo điểm đăng ký tuyển sinh tại nhiều trường… Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc tổ chức kỳ thi vào tháng 7, trong khi niên chế năm học chấm dứt vào tháng 5.
Theo nhiều đại biểu, quy chế này giúp thí sinh ổn định hơn về tâm lý, nhưng thời gian hơn một tháng trước khi thi, nhà trường phải quản lý học sinh (HS) và tổ chức ôn tập như thế nào? Nếu thu tiền, trường sẽ gặp rắc rối, còn không thu thì không có kinh phí trả tiền ngoài giờ cho giáo viên. Chưa nói về tính pháp lý, có thể dẫn đến tình trạng làm sai thông tư 08 về quy định định mức nghỉ hè cho giáo viên. Ngoài ra, các trường THPT có thể tổ chức tuyển sinh lớp 10 vào tháng 6 mà không làm ảnh hưởng đến công tác ôn tập cho thí sinh không? Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cần Thơ, do tính chất đặc thù trong công tác giáo dục đối với HS dân tộc, Ban Giám hiệu quyết định sẽ tổ chức ôn tập suốt tháng 6. Nhưng vấn đề nan giải là chế độ tiền ăn của HS chỉ cấp đến tháng 5. Nếu trường thu tiền thì HS sẽ nghỉ, không tham gia ôn tập. Ông Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng nhà trường, đề nghị: “Mỗi em HS được chế độ 920.000 đồng/tháng. Như vậy trường cần 69 triệu đồng tiền ăn cho 75 HS khối 12, chưa kể kinh phí bồi dưỡng giáo viên. Chúng tôi đề nghị Sở GD-ĐT cấp trước một phần kinh phí hoạt động của năm học tới để nhà trường trang trải cho công tác ôn tập, sau đó trường sẽ tìm nguồn “xã hội hóa” bù đắp phần thiếu hụt trong kinh phí hoạt động”.
Không đồng ý thang điểm 20
Tại hội nghị, hầu hết đại biểu đều không đồng ý với thang điểm 20 và điểm khuyến khích, ưu tiên lên tới 8 điểm. Ông Đinh Công Triết, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-
“Điều quan trọng và cần thiết nhất là chúng ta phải đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình, và truyền thụ một cách tốt nhất kiến thức cho các em. Về phía Sở GD-ĐT, do tính chất của kỳ thi nên sở quyết định không lấy tỷ lệ đậu, rớt tốt nghiệp làm tiêu chí xét thi đua của các trường”, ông Võ Minh Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết.
ĐT TP.Cần Thơ), bức xúc: “Tôi cho rằng không nên nhân điểm khuyến khích theo kiểu số học như vậy, rất thiệt thòi và không công bằng cho những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Trong thi tuyển, chỉ chênh lệch nửa điểm đã khiến người đậu, người rớt. Tôi đề nghị điểm ưu tiên và khuyến khích tối đa là 4 như cũ. Với thang điểm 20, đáp án sẽ chia chi tiết rất nhỏ, như vậy HS kém chỉ cần gạch đầu dòng, miễn nội dung có trong đáp án là có điểm. Còn các em HS giỏi, làm bài kỹ, cũng ở mức điểm đó, như vậy có công bằng không?”.
Nhiều đại biểu băn khoăn: Số thí sinh đông, nếu phòng thi có từ 40 đến 45 em thì rất khó đảm bảo tính nghiêm túc trong khâu gác thi. Hệ GDTX thì băn khoăn về kỳ thi nhập chung 2 hệ GDTX và THPT. Ông Nguyễn Văn Từ, Trưởng phòng GDTX – CN và ĐH (Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ), phân tích: “Do không có chương trình khung dạy môn văn hóa tại các trường TCCN nên những HS rớt tốt nghiệp học bổ sung văn hóa tại các trường này, tùy ngành nghề đào tạo, chỉ học từ 3 đến 5 môn. Nhiều ngành không dạy môn ngữ văn, trong khi đây là môn chính của kỳ thi quốc gia. Vậy phải ôn tập cho các em ra sao?”.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng có những giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ các vướng mắc. Ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho rằng: “Theo tôi, hết tháng 5 chúng ta vẫn làm lễ tổng kết năm học. Sau tổng kết, phần đông HS lớp 12 sẽ luyện thi ở nhiều nơi, chỉ khoảng hơn 100 HS ở lại trường. Chúng ta sẽ tổ chức ôn tập cho những em này, chú ý số HS yếu kém. Ngoài thầy cô phụ đạo lớp 12, nhiều giáo viên vẫn nghỉ bình thường. Do vậy tổ chức tuyển sinh vào tháng 7 là thích hợp”.
Ông Võ Minh Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cũng đồng quan điểm, nhưng cho rằng: “Ngoài việc tổ chức tổng kết năm học vào cuối tháng 5, theo tôi, các trường cần duy trì sinh hoạt hè bình thường, không nên “quá chăm lo” cho việc thi cử của HS. Trước đây trong quá trình thi ĐH (trong ôn luyện cũng như đến phòng thi), HS đều tự thân vận động, không có thầy cô, cha mẹ hoặc người thân bên cạnh. Vậy thì hãy để các em HS cũng tự đi trên đôi chân của mình. Điều quan trọng và cần thiết nhất là chúng ta phải đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình, và truyền thụ một cách tốt nhất kiến thức cho các em. Về phía Sở GD-ĐT, do tính chất của kỳ thi nên sở quyết định không lấy tỷ lệ đậu, rớt tốt nghiệp làm tiêu chí xét thi đua của các trường”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
 
Cô Trần Thị Thu Thủy (Tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng):
Sớm phổ biến quy chế để tránh gây hoang mang
Kỳ thi THPT quốc gia dời vào đầu tháng 7 là hợp lí vì HS có điều kiện hệ thống hóa, ôn tập kỹ lượng kiến thức đã học ở lớp 12; đồng thời có thời gian quay lại ôn kiến thức các lớp dưới. Do khung chương trình và kế hoạch năm học không thay đổi nên các em sẽ có điều kiện tự học ở nhà trong thời gian không tham gia học chính khóa ở trường. Việc sử dụng thang điểm 20 thay cho 10, theo tôi sẽ phân hóa cao hơn và chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh. Ở điểm này, các trường ĐH, CĐ sẽ dễ tuyển sinh hơn.
Riêng với môn văn – một trong những môn có nhiều điểm đổi mới nhất, cần phải có kế hoạch ôn tập để HS có thể đạt được điểm cao nhất của đề thi. Cụ thể như: Hệ thống hóa các kiến thức về làm văn và tiếng Việt ở THCS và THPT (chẳng hạn: Phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ, các phép liên kết…); tăng cường cho HS tiếp cận bài tập đọc hiểu bằng cách ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết; rèn kỹ năng nghị luận về một tư tưởng đạo lí và một hiện tượng đời sống (cho HS tập viết đoạn văn, bài văn ngắn về những vấn đề mang tính thời sự…); vừa tích cực hệ thống hóa kiến thức, vừa rèn cho các em kỹ năng nghị luận một đoạn thơ, bài thơ; đoạn trích kịch, văn xuôi hoặc ý kiến bàn về văn học. Đặc biệt rèn cho các em kỹ năng tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong một bài văn… 
Thiết nghĩ dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau khi ban hành cần phải có văn bản cho các trường, cũng như các tổ bộ môn để giáo viên nắm rõ, thông báo cho phụ huynh và HS, nhằm tránh gây hoang mang, lo lắng cho các em trước những đổi mới.
 
Cô Lâm Huỳnh Thu Ngọc (giáo viênmôn tiếng Anh Trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cần Thơ):
Cần siết chặt quy chế
Theo tôi, dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có khá nhiều ưu điểm như tổ chức thi vào tháng 7, HS có thêm thời gian ôn tập; sử dụng thang điểm 20 sẽ bảo đảm tính chính xác và quyền lợi của thí sinh. Chủ trương về sự phối hợp giữa các giảng viên ĐH và giáo viên THPT trong khâu chấm điểm rất hợp lý. HS được tự chọn thi 4 môn hoặc nhiều môn tùy vào khả năng, giúp các em giảm rất nhiều áp lực trong học tập… Bản thân tôi rất thích quy định “Thí sinh có thể bị buộc thôi học nếu khai “khống””. Vì vậy tôi mong Bộ GD-ĐT cần siết chặt quy định này, nhất là với những trường ĐH kết hợp xét học bạ và kết quả thi trong xét tuyển. Quy chế thi mới khiến HS thi khối D và khối A1 có rất nhiều thuận lợi so với những khối thi khác.
Tuy nhiên, theo tôi, điểm ưu tiên tối đa là 8 là quá cao, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ. 
 
 

Bình luận (0)