Không dựa vào “hữu xạ tự nhiên hương” nữa, vài năm gần đây nhiều trường ĐH, CĐ chấp nhận bỏ ra tiền tỉ để thu hút người học.
Đại diện một trường ĐH ngoài công lập tư vấn cho học sinh THPT tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thu hút thí sinh
Cho đến lúc này phần lớn các trường công lập dường như vẫn “bình chân như vại” nên việc đầu tư để giúp thí sinh nhận diện thương hiệu có thể nói là cuộc đua giữa các trường ngoài công lập.
Bền bỉ trong cuộc đua này, nhiều năm qua phải kể đến các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Lạc Hồng, Hoa Sen… Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết mỗi năm trường chi cho hoạt động này khoảng gần 2 tỉ đồng.
Tuy không tiết lộ cụ thể, nhưng theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, kinh phí đầu tư cho tuyển sinh với nhiều hình thức của trường lên tới con số vài tỉ đồng/năm.
Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết năm vừa qua kinh phí quảng bá tuyển sinh vào 2 trường Đại Việt Sài Gòn và CĐ Việt Tiến (Đà Nẵng) lên đến gần 5 tỉ đồng.
Theo tiến sĩ Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc TNK Capital, đơn vị sở hữu Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, hiện tại kinh phí trả cho marketing khoảng 20% doanh thu. Năm 2014 chưa tổng kết nhưng số tiền đầu tư cho tuyển sinh lên đến khoảng 4 tỉ gồm các hoạt động: quảng cáo, tổ chức tour đến các trường, tham gia hội chợ… “Hình thức làm thì các trường học nhau rất nhanh. Trường nào có điều kiện triển khai được nhiều cách sẽ có ưu thế nhiều hơn trong việc thu hút thí sinh đến với mình”, tiến sĩ Dự cho biết.
Đa dạng cách thức tiếp cận
Thế nhưng bỏ tiền vào thôi chưa đủ. Vấn đề quan trọng hơn là phải có những cách tiếp cận người học tiềm năng. Có những cách các trường có thể công khai để học hỏi qua lại nhưng cũng có những cách hết sức bí mật.
Cách đầu tư vào thương hiệu của các trường ngày càng phong phú. Ngoài tham gia chương trình tư vấn của các báo, đài, mỗi trường còn tìm ra cách làm riêng.
Việc tận dụng sinh viên trong vai trò cộng tác viên giới thiệu là một kênh được nhiều trường áp dụng vì tiết kiệm mà hiệu quả. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, hoạt động tình nguyện Hoa hướng dương trong dịp nghỉ tết thu hút 500 – 600 sinh viên của trường tham gia. Các sinh viên này sẽ về trường THPT nơi mình từng học để giới thiệu thông tin trường ĐH, hình thức đăng ký tham gia tự nguyện và hoạt động này được tính vào kết quả hoạt động Đoàn – Hội.
Trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi của các trường THPT cũng là một hướng đi được nhiều trường lựa chọn như: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ TP.HCM… Trong khi đó, có những trường làm nhà tài trợ cho một chương trình tuyển sinh nào đó cho các tổ chức hoặc đơn vị báo đài, thậm chí của đài truyền hình quốc gia.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, hiện nay trường có một chương trình khá mới là tặng tủ sách cho các trường THPT. Tại thư viện mỗi trường sẽ có một góc riêng dành cho số sách mà Trường ĐH Hoa Sen tặng. Ban đầu, mỗi trường THPT sẽ nhận được khoảng 100 cuốn, sau đó sẽ được bổ sung hằng năm. Chương trình đã triển khai 3 năm ở khoảng 40 trường. Cũng theo thạc sĩ Bình, mục đích đầu tiên khi triển khai chương trình này là giúp các trường có thêm nguồn sách để thầy cô, học sinh đọc thêm. Về mặt hình ảnh, chương trình góp phần giúp các trường THPT nhận thấy ĐH Hoa Sen đem đến lợi ích thật sự, lâu dài cho mình.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết thật ra trong việc quảng bá tuyển sinh có hai vấn đề cần làm. Một là làm cho học sinh biết tên trường mình qua các kênh quảng bá. Sau đó, cái khó nhất là phải làm thật. Việc làm thật nằm ở các hoạt động trong nhà trường. Làm tốt những việc mình đã nói sẽ giúp uy tín của trường tăng lên, học sinh sẽ biết nhiều hơn và chọn lựa học tại trường. Chẳng hạn thành công của trường từ cuộc thi Robocon góp phần không nhỏ vào công tác tuyển sinh, nâng thương hiệu của trường.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự cho biết hiện nay học sinh sử dụng công nghệ ngày càng nhiều, quảng bá tuyển sinh online là hình thức được trường lựa chọn.
Ý kiến:
Không tuyển được nếu chất lượng kém
Một khi sự phân biệt học phí không còn quá lớn thì chất lượng đào tạo sẽ quyết định sự sống còn của các trường ĐH. Các trường sẽ không thể tuyển sinh được nếu chất lượng đầu ra kém.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình
(Giám đốc tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen) Chất lượng là quan trọng
Không có hình thức nào tốt bằng chất lượng của trường, mà cụ thể là điểm số đầu vào và việc làm sinh viên khi ra trường.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) Đầu tư nhiều, chuẩn đầu vào tăng !
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là một trong vài trường công lập hiếm hoi chịu đầu tư quảng bá. Mỗi năm trường dành hàng tỉ đồng cho việc này. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường này, cho biết số tiền đầu tư cho tuyển sinh các năm gần đây tăng liên tục, nếu 2008 chỉ khoảng 300 triệu đồng thì năm 2013 lên tới 1 tỉ đồng và năm 2014 là 1,5 tỉ đồng. “Quan điểm của trường thí sinh là khách hàng và nhà trường chính là doanh nghiệp nên phải quảng bá thương hiệu, thương hiệu tốt mới thu hút được thí sinh chất lượng cao. Kết quả đầu tư các năm qua cho thấy mức điểm chuẩn đầu vào của trường tăng đều từ 15 đến 21 điểm”, PGS-TS Dũng chia sẻ.
Ba năm nay, trường tổ chức tập huấn cho giáo viên phụ trách hướng nghiệp của gần 400 trường THPT từ Quảng Trị trở vào. Ngoài thông tin chung về tuyển sinh, các giáo viên sẽ được tham quan hoạt động đào tạo của trường để giới thiệu cho học sinh trường mình. Trường chấp nhận đầu tư khoản chi phí không nhỏ cho giáo viên tham dự với khoảng từ 500.000 – 2 triệu đồng/người. “Nhiều giáo viên đã trở thành cộng tác viên cho trường trong hoạt động hướng nghiệp này”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) mỗi năm cũng chi 0,6% kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động quảng bá. Bên cạnh việc đi tư vấn ở các trường THPT, mỗi năm trường tổ chức 2 ngày hội lớn để học sinh đến tìm hiểu thông tin tại trường.
|
Đăng Nguyên – Hà Ánh
(TNO)
Bình luận (0)