Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi THPT quốc gia môn hóa học: Phân bổ thời gian hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

So với đề thi năm 2016, đề thi minh họa môn hóa học lần 1, 2, 3 của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là đề lần 3 bám sát chương trình hóa học cơ bản lớp 12, hoàn thiện, chuẩn mực về kiến thức, nội dung.

Khi làm bài môn hóa học, thí sinh nên chia bài thi thành 4 lượt làm (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Tích cực luyện đề để rút kinh nghiệm

Năm nay, thời gian đề thi đưa ra 50 phút, giảm 40 phút so với năm trước. Theo đó, đề phân loại được thí sinh, đảm bảo 2 yêu cầu xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH. Cụ thể, đề phân loại thí sinh ở các câu lý thuyết (chuỗi phản ứng, xác định công thức cấu tạo, các phản ứng có thể xảy ra, các phát biểu đúng – sai). Đối với những thí sinh nắm vững kiến thức, khả năng tư duy suy luận tốt sẽ dễ dàng tìm được đáp án chính xác một cách nhanh nhất.

Dựa trên cấu trúc đề thi minh họa lần 3 bao gồm 24 câu lý thuyết (6 điểm), trong đó có 18 câu hiểu biết, 6 câu vận dụng và 16 câu toán (4 điểm), trong đó có 10 câu hiểu, vận dụng thấp cùng 6 câu vận dụng cao, thí sinh cần ôn tập thật kỹ lý thuyết theo từng chương, đọc kỹ các định nghĩa, tính chất vật lý, ứng dụng trong sách giáo khoa. Ví dụ hợp chất hữu cơ nào màu trắng, hợp chất nào không màu; chất nào tác dụng HCl, NaOH, Cu(OH)2, dung dịch AgNO3/NH3, chất nào tác dụng dung dịch chứa ion; phản ứng nào thu được kim loại, kết tủa, chất khí, đơn chất; Ion nào ô nhiễm nguồn nước, chất nào gây hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ôzon…

Bên cạnh đó, các em rà soát lại các dạng bài tập của từng chương, đọc lại để nhớ cách giải của từng dạng bài tập. Chú ý các dạng bài tập tổng hợp. Ở phần hữu cơ, bài tập có phức tạp đến đâu, cũng chỉ áp dụng định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn nguyên tố, phương pháp tăng giảm khối lượng, phản ứng cháy, phản ứng với NaOH, HCl.., phản ứng Na thu khí H2, phản ứng  AgNO3/NH3 thu được Ag… Ở phần vô cơ, áp dụng định luật bảo toàn electron, định luật bảo toàn điện tích, định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn nguyên tố, phương pháp tăng giảm khối lượng. Và cuối cùng phải tổng hợp lại toàn bộ công thức tính nhanh để có thể giải quyết đề thi nhanh nhất.

Đến thời điểm này còn khoảng 3 tuần nữa kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, nhiều em chia sẻ đã học nát cuốn sách giáo khoa nhưng vẫn làm sai lý thuyết. Như vậy các em phải chú ý, tích cực luyện giải đề để rút kinh nghiệm, nên làm gì, làm câu nào trước, câu nào sau. Sử dụng nguồn đề thi uy tín chất lượng từ các sở GD-ĐT, các trường có uy tín trên toàn quốc.

Chia bài thi thành 4 lượt làm

Cái khó của môn hóa học là khi đọc đề thi, các thí sinh đều cảm thấy câu nào cũng quen, cũng biết, cũng dễ…, nhưng thực tế nhiều thí sinh chưa biết câu nào thật sự khó. Do đó, thí sinh phải đọc kỹ yêu cầu đề bài: Chọn câu đúng hay câu sai; chọn phản ứng hay không phản ứng; chất phản ứng dư hay không dư; tìm khối lượng chất rắn, hay khối lượng muối; cho A vào B hay B vào A…

Đối với đề thi chỉ làm trong 50 phút, thí sinh có thể bị áp lực. Vì thế, việc phân bổ thời gian hợp lý là hết sức quan trọng. Trong 30 phút đầu, thí sinh tuyệt đối không dừng lại câu nào quá 2 phút. Nên chia bài thi thành 4 lượt làm. Thứ nhất, dành 10-15 phút làm các câu lý thuyết đọc thấy ngay đáp án đúng. Các câu toán một phép tính ra được đáp số (khoảng 18 – đến 20 câu). Thứ hai, dành 10-15 phút làm các câu thấy quen, có khả năng làm được. Đối với câu toán thì kinh nghiệm đó là những câu toán ngắn từ 1 đến 2,5 dòng (khoảng 10 câu). Thứ ba, dành 10-15 phút làm các câu khó, nhưng thấy vẫn có thể làm được. Kinh nghiệm đó là những câu toán từ 3 đến 3,5 dòng (khoảng 4-8 câu tùy vào trình độ của thí sinh). Và cuối cùng làm các câu quá khó, thấy không thể làm được (khoảng 2-6 câu câu tùy vào trình độ của thí sinh). Thí sinh học giỏi có thể sẽ không thấy loại câu này trong đề thi. Lưu ý, trong quá trình làm bài thi, tuyệt đối không quan sát thí sinh khác, tránh tâm trạng hoang mang lo lắng không cần thiết.

Trước 5 phút hết giờ làm bài, thí sinh nên ngừng làm bài, kiểm tra lại toàn bộ bài thi, xem các đáp án đã tô đúng chưa, câu nào không làm được tìm cách thử đáp án, chặn khoảng, chạy nghiệm, thống kê đáp án để đánh lụi an toàn nhất (tỉ lệ giữa các đáp án trong đề minh họa lần 3 là: 32,5% – 35% – 22,5% – 10%). Sau khi kiểm tra hoàn chỉnh bài thi, tô những đáp án thấy có vẻ đúng, mới tiếp tục làm những câu đã đánh lụi cho đến khi giám thị báo hết giờ làm bài.

Đặng Hồng Thủy
(Tổ trưởng chuyên môn hóa,
Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

Bình luận (0)