Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quy định mới đánh giá học sinh tiểu học: Càng làm càng rối

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức tốt công tác tổng hợp, đánh giá học sinh cuối học kỳ 1 và cuối năm học theo quy định của Thông tư 30.

Theo đó, học sinh tiểu học sẽ được xếp loại dựa trên 3 tiêu chí: môn học, mức độ hình thành và phát triển năng lực, mức độ hình thành và phát triển phẩm chất. Việc tổ chức khen thưởng dựa trên cơ sở linh hoạt, do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng khuôn mẫu có sẵn. Tuy nhiên, đại diện các trường đều cho biết chưa thể thực hiện.

Kể từ năm học 2014 – 2015, học sinh tiểu học được đánh giá dựa trên sự tiến bộ, nỗ lực của học sinh.

Lúng túng khen thưởng

Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 cho biết: “Tuy nói là đánh giá, khen thưởng dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng nhưng ai cũng biết từ tiêu chí đánh giá đến tổ chức thực hiện còn một khoảng cách rất xa. Theo câu chữ của văn bản thì hiệu trưởng là người quyết định nội dung khen thưởng, nhưng yêu cầu thực hiện lại dựa trên danh sách đề nghị của giáo viên chủ nhiệm, trong khi chính giáo viên chủ nhiệm muốn có danh sách này phải tham khảo kết quả bình bầu của học sinh, tổng hợp thêm ý kiến giáo viên bộ môn và phụ huynh trong lớp. Như vậy, quá trình thực hiện qua khá nhiều công đoạn rối rắm, trong trường hợp một trong các bên không đồng nhất ý kiến bản thân hiệu trưởng cũng không biết xử trí sao”.

Đồng quan điểm, trưởng phòng GD-ĐT một quận ngoại thành ở TPHCM bày tỏ, tuy nói là giao quyền chủ động về cho các trường nhưng “chín người mười ý”, bản thân phòng GD-ĐT hiện cũng đang “nghe ngóng”, tổng hợp ý kiến đề xuất của các đơn vị. Do đó, “tuy biết là học kỳ 1 đã kết thúc nhưng hiện nay chúng tôi chưa thể bắt các trường gấp rút tổ chức phương án triển khai mà chờ thêm hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP”, vị này cho biết.

Trong khi đó, theo ý kiến của một phụ huynh từng là thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp), trước đây bên cạnh danh sách “cứng” gồm những học sinh được nhà trường đề xuất khen thưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh còn căn cứ vào nguồn lực tài chính mỗi năm để quyết định mở rộng thêm đối tượng và số lượng học sinh được tổ chức khen thưởng. Nhưng năm nay, trước nhiều quy định đổi mới của ngành giáo dục, các thành viên trong ban đại diện cho biết rất hoang mang trong việc quyết định số tiền ủng hộ quỹ khen thưởng của nhà trường. “Nghỉ Tết Dương lịch xong là tụi nhỏ bắt đầu học kỳ 2 mà giờ khen thưởng học kỳ 1 còn chưa biết tính thế nào. Chỉ thương các cháu nhỏ mọi năm giờ này đã được nhận quà, năm nay chưa biết ai được, ai không”, phụ huynh này bày tỏ.

Nên có một hướng dẫn thống nhất

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức đánh giá, khen thưởng, nhiều phụ huynh cho biết đây là học kỳ đầu tiên các em học sinh tỏ ra thờ ơ với kết quả xếp loại kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ 1. Chị Thanh Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp) kể, trước đây không cần mẹ nhắc nhở con chị cũng biết tự giác ngồi vào bàn học mỗi khi bài kiểm tra bị cô giáo cho điểm xấu. Nhưng nay hầu hết các bài kiểm tra không còn được chấm điểm, cộng với việc giáo viên không giao bài tập về nhà, cháu đã mất dần ý thức học tập. Mỗi khi mẹ hỏi kết quả học tập thế nào cháu chỉ trả lời qua loa “cũng bình thường”. Không bình thường sao được khi hôm nào vở bài làm của con cũng được cô phê mấy dòng na ná nhau như “bài làm tốt”, “đạt yêu cầu” và với hơn 50 học sinh trong cùng một lớp đã có hơn phân nửa số ấy nhận được lời phê giống nhau. Do đó với yêu cầu giáo viên cho học sinh tổ chức bình bầu cá nhân xuất sắc trong lớp, nhiều phụ huynh lo ngại các cháu sẽ không làm được, hoặc làm với những tiêu chí lựa chọn hết sức chủ quan, thậm chí mang màu sắc đội nhóm, bè phái thường thấy ở lứa tuổi học trò.

Đó là chưa kể tiêu chí để xác định bạn nào được nhận thưởng chỉ dựa trên những khái niệm hết sức mơ hồ đối với mức độ nhận thức của một học sinh tiểu học như “tiến bộ vượt bậc”, “có sáng tạo, say mê trong học tập”, “có ý thức và trách nhiệm cao” mà không dựa trên những cơ sở điểm số, phân tích rõ ràng sẽ khiến các em không hài lòng, dễ nảy sinh lòng đố kỵ. Như vậy nếu làm không khéo, vô hình trung chúng ta đã dạy cho học sinh thói quen cạnh tranh không lành mạnh, biết lôi kéo, rủ rê bạn bè theo tinh thần số đông tất thắng. Khi đó, lợi ở đâu chưa thấy chỉ biết sẽ nảy sinh tác hại về mặt lâu dài. Ngoài ra, việc tổ chức đánh giá theo hình thức này còn khiến các trường có khoản chênh về các quy định khen thưởng. Theo đó, trường nào có nguồn quỹ cha mẹ học sinh tốt, trường đó có nhiều học sinh được nhận thưởng và ngược lại, đối với các trường nghèo học sinh dù nỗ lực đến đâu cũng vướng phải trở ngại “quỹ khen thưởng có hạn”. Chính vì lý do đó, đại diện nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn một số hình thức khen thưởng thống nhất để phụ huynh và giáo viên căn cứ vào đó tổ chức thực hiện phù hợp tình hình thực tế của đơn vị.

MINH QUÂN

(SGGP)

Bình luận (0)