ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM giải thích thông tin cho HS Trường THPT Lê Thánh Tôn
|
Chọn trường để học, chọn việc để làm… không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người, nhất là với những học sinh (HS) còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, thông qua buổi tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, các em HS Trường THPT Lê Thánh Tôn (TP.HCM) đã tiếp nhận được nhiều thông tin hữu ích về ngành nghề, góp phần quyết định cho việc lựa chọn tương lai.
Đây cũng là buổi hướng nghiệp cuối cùng, kết thúc chuỗi hành trình đến với gần 40 trường THPT trên địa bàn thành phố.
Cân nhắc lựa chọn trường học
Là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước nên TP.HCM có rất nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN phù hợp với nhu cầu của từng HS. Nhưng cũng vì thế mà có rất nhiều HS lúng túng khi lựa chọn trường học, bậc học cho mình. Em Vũ Tuấn Phong (học lớp 12A7) cho biết: “Em thích vẽ và muốn theo ngành thiết kế đồ họa, nhưng lại chưa biết chọn trường nào để thi, cụ thể là chọn trường ĐH hay hệ thống đào tạo quốc tế. Em nghe các anh chị đi trước nói: Sinh viên các trường ĐH ngành thiết kế đồ họa sẽ mất khoảng 30-40% thời gian trong 4,5 năm để học những môn không thuộc chuyên ngành thiết kế trong khi các hệ thống đào tạo quốc tế vào là học chuyên sâu luôn. Vậy em nên chọn nơi nào để học và khi học xong nhu cầu việc làm có rộng rãi không?”. Giải đáp băn khoăn này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết các cơ sở đào tạo về thiết kế đồ họa có thể chia ra làm ba nhóm chính: Các trường ĐH, hệ thống đào tạo quốc tế và các trung tâm dạy phần mềm – mỗi nơi đều có những ưu thế và hạn chế riêng. Các trường ĐH có truyền thống lâu đời trong ngành thiết kế như ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM và một số trường có đào tạo nhóm ngành thiết kế có chương trình học 4-5 năm sẽ cung cấp cho sinh viên nền tảng mỹ thuật tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của những nơi này là ít thay đổi máy móc, chương trình học không thể cập nhật thường xuyên để theo kịp yêu cầu thị trường.Sinh viên các trường này thường phải tự trang bị kỹ năng sử sụng phần mềm, tự cập nhật các xu hướng mới nên không ít bạn đã lựa chọn học song song một khóa đào tạo nghề quốc tế để có thể đáp ứng toàn diện yêu cầu tuyển dụng về sau. Trong khi đó các đơn vị đào tạo quốc tế lại có ưu thế là chương trình được chắt lọc, tập trung vào đào tạo kỹ năng làm nghề thiết kế. Chương trình học bài bản, được chuẩn hóa trên nhiều quốc gia, bao trùm hầu hết các nhóm nghề thiết kế phục vụ mục đích thương mại, truyền thông và giải trí kỹ thuật số. Tuy nhiên, các cơ sở này lại không có nhiều thời gian để dạy mỹ thuật cơ bản, vì vậy học viên lại phải tự học thêm để nâng cao thẩm mỹ áp dụng vào các tác phẩm đồ họa số. Các cơ sở này là sự lựa chọn tốt cho những người muốn chuyển sang nghề thiết kế khi thời gian đầu tư ngắn, tập trung, không đặt trọng tâm vào các kỹ năng nghề nghiệp.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên các em HS phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa “được” và “mất” khi quyết định chọn trường học cho mình.
Về cơ hội việc làm sau khi ra trường, ông Nguyễn Huy, Phó giám đốc hệ thống đào tạo Arena Mutimedia, khẳng định: “Với tốc độ phát triển cao của các ngành truyền thông quảng cáo, thiết kế đồ họa hiện đang là mảng được nhiều đơn vị đặt hàng nhất. Các em có thể tìm hiểu thông tin tuyển dụng để thấy rằng đây là ngành được rất nhiều nơi tuyển dụng với mức lương khá cao. Ngoài công việc chính là nhân viên thiết kế, em có thể làm tự do, hợp tác với các đơn vị truyền thông để tự tạo công việc cho mình”.
Xin được việc là do may mắn?
“Thất nghiệp hay có việc làm phụ thuộc rất lớn vào năng lực và sự chịu khó của chính người lao động”, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, khẳng định.
|
Với ngành tài chính – ngân hàng, rất nhiều HS cân nhắc trước khi lựa chọn vì các em còn băn khoăn cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhất là trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay.
Em Hoàng Dương Thùy Ngân (học lớp 12A8) tâm tư: “Em nghe nói học ngành tài chính – ngân hàng ra trường rất khó xin việc, phần lớn là do may mắn. Vậy em có nên theo học ngành này?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF), giải thích rằng dù hiện đang trong tình trạng bão hòa việc làm nhưng ngành tài chính – ngân hàng không đến mức khó xin việc như em vẫn tưởng. May mắn khi xin việc là điều hoàn toàn có thật nhưng chỉ chiếm khoảng 5%, sự nỗ lực của bản thân trong khi tìm kiếm việc làm chiếm 15% và 80% còn lại là năng lực của chính bản thân người lao động.
“Nhiều người nghĩ rằng học ngành tài chính – ngân hàng khi ra trường sẽ được vào làm ở ngân hàng. Thực ra, đó chỉ là một lĩnh vực của ngành học. Ngành tài chính – ngân hàng có thể làm ở nhiều vị trí như: Nhân viên phân tích tài chính, tư vấn tài chính, chuyên viên tín dụng ngân hàng; chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại; chuyên viên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn… Vì thế, khi không xin được việc làm ở ngân hàng như mong muốn, các em thường đổ lỗi lý do này nọ hay cho rằng mình kém may mắn. Thật ra, thất nghiệp hay có việc làm phụ thuộc rất lớn vào năng lực và sự chịu khó của chính người lao động. Ngay ở lĩnh vực ngân hàng, nhiều em có nhà ở TP.HCM nên rất ngại nộp đơn xin việc khi các ngân hàng tuyển nhân sự làm việc ở các chi nhánh thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Nhiều em khác khi được tuyển dụng ở các vị trí quản lý rủi ro, thu hồi vốn đã không dám nhận công việc vì ngại gặp thử thách. Đây là suy nghĩ không tốt, những người trẻ tuổi nên thay đổi”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Gỡ rối” về ngành nghề cho gần 50.000 HS
Với hành trình qua gần 40 trường THPT trên địa bàn TP.HCM, Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần VII năm 2014 đã “gỡ rối”, cung cấp thông tin về ngành nghề cho gần 50.000 HS. Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và các em HS…
|
Bình luận (0)