Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vui – buồn công tác chủ nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

GV Trường Tiểu học Ngô Mây (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) tranh thủ giờ ra chơi gần gũi tìm hiểu tâm tư của học sinh
“Làm công tác chủ nhiệm cực lắm, cực còn hơn chăm con mọn. Thế nhưng trong đời người giáo viên (GV), nếu không một lần đảm trách công tác này thì niềm vui xem như vơi đi hơn phân nửa. Bởi thế, dù vất vả nhưng ai cũng muốn nhiều hơn một lần được làm chủ nhiệm lớp”, cô Nguyễn Thị Tuyết, GV Trường THCS Lê Hồng Phong (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bộc bạch. 
“Cả đời chăm con mọn”
Đó là nhận xét của nhiều GV có thâm niên trong công tác chủ nhiệm ở Đà Nẵng khi nói về công việc ngoài giờ giảng dạy của mình ở trường. Hầu như những người theo nghề giáo, ai cũng bảo rằng nếu cả đời đứng lớp mà không được hơn một lần “chăm con mọn” thì quá trình dạy học nhạt lắm.
Cô Tuyết chia sẻ: “Tuy thuộc quận trung tâm thành phố nhưng khu vực nơi Trường THCS Lê Hồng Phongđứng chân còn nhiều hộ nghèo. Các bậc phụ huynh chủ yếu sống bằng nghề đi biển hoặc làm thuê, vì thế con em chịu nhiều thiệt thòi. Do đó sự quan tâm của GV chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng trong việc kịp thời động viên, hỗ trợ các em tới lớp”.
Cô Tuyết cho biết gần 30 năm đứng lớp, trong đó có nhiều năm phụ trách công tác chủ nhiệm nên cô có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cả buồn lẫn vui. Nhất là với lũ học trò cá tính, quậy phá. Nhưng với cô, đáng nhớ nhất có lẽ là sự vất vả với một nữ sinh trong năm học 2013-2014.
Thời điểm cuối tháng 10-2013, suốt một tuần liền ngày nào cô Tuyết cũng phải thu xếp việc nhà để chở một nữ sinh trong lớp cô chủ nhiệm đi… chơi! Chúng tôi hỏi vì sao lại thế, cô bảo là GV chủ nhiệm, biết được nguyên nhân dẫn đến sự chán học của học sinh thì phải tìm cách đưa em đó trở lại trường học. Dù nhọc nhằn, vất vả nhưng cô vẫn hy vọng đem đến cho em ấy một cơ hội tìm đến tương lai tươi sáng hơn đời ba mẹ mình. Bởi thế, hễ nghe chuông điện thoại di động reo là cô biết T. – em nữ sinh ấy – lại cần mình.
Cô Tuyết nói: “T. là một học sinh khá nhưng vì chán nản cảnh gia đình nên em thường hay gây gổ với các bạn trong lớp, thậm chí kéo bạn ở các trường khác về trường đánh nhau. Sau khai giảng khoảng một tháng, T. nghỉ học một tuần. Tôi tìm đến nhà thì T. tỏ ra rất khó chịu, bảo “em đã không đi học rồi sao cô còn tới tìm mãi”. Tôi dùng đủ mọi lời khuyên, thậm chí dỗ ngọt, cuối cùng T. đồng ý lên xe máy để tôi chở đi… chơi! Một tuần liền như thế, T. mới đồng ý quay trở lại lớp học”. Cô Tuyết nói thêm: “Thấy tôi vất vả như thế nhiều đồng nghiệp thở dài, bảo nếu hết lòng rồi mà không thể thuyết phục được thì đành chịu. Nhưng tôi vẫn tự nhủ thôi cố thêm tí nữa”.
Chưa hết, vài tháng sau T. lại tiếp tục bỏ học. “Dù T. có học lực khá hơn so với nhiều em khác, nhưng để cho em ấy bỏ học thì tiếc mà dỗ ngọt mãi cũng không xong. Tôi đến gặp T. và nói với em ấy rằng: Em có vài ngày để suy nghĩ quyết định cho cả tương lai của mình phía trước. Tùy em chọn lựa”, lần cuối cùng cô Tuyết đến gặp T. chỉ để nói như vậy rồi ra về. Thế mà hiệu quả. Hôm sau, không cần cô Tuyết đến nhà chở, T. tự động trở lại lớp và từ đó chăm chỉ học chưa nghỉ ngày nào. Không chỉ vậy, T. còn kiêm luôn lớp phó phụ trách kỷ luật. Cô Tuyết bày tỏ: “Tôi dạy môn hóa, mỗi tuần có tiết rất ít. Nhưng vì làm chủ nhiệm nên suốt tuần ngoài giờ sinh hoạt đầu giờ, tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh tôi lại ghé qua kiểm tra, nắm tình hình lớp. Nhiều lúc cũng bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày ở gia đình nhưng đã là chủ nhiệm lớp thì cần theo sát các em”.
Vui vì mình được nhớ đến
Hầu như những người theo nghề giáo, ai cũng bảo rằng nếu cả đời đứng lớp mà không được hơn một lần “chăm con mọn” thì quá trình dạy học nhạt lắm.
Nhiều năm phụ trách công tác chủ nhiệm, cô Tuyết nói rằng có hai điều cô cảm thấy vui và mãn nguyện, đó là được hiểu thêm về hoàn cảnh từng học sinh, nơi các em sinh sống và hạnh phúc khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ học sinh cũ chúc mừng. “Ngay với T. cũng vậy, thời gian sau này em chăm ngoan hơn và tâm tư xin lỗi cô giáo”.
Với cô Trương Thị Thu Thủy, GV Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Hải Châu), công tác chủ nhiệm gắn với cô thật gần gũi. Cô bảo, GV chủ nhiệm cũng giống mẹ của các em. Không chỉ dạy mà còn phải dỗ dành. Bởi vậy nhiều năm liền cô được Ban Giám hiệu giao phụ trách học sinh khuyết tật hòa nhập. “Sau hơn 10 năm ra trường, có nhiều em thiểu năng nhẹ vẫn quay về thăm tôi, hay ra đường gặp tôi lại vòng tay chào rất dễ thương”, cô Thủy chia sẻ.
Không chỉ học sinh mà sự gắn kết ấy còn có cả phụ huynh. Cô Phạm Hoàng Thảo Liên, GV Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q.Hải Châu) tâm sự: “Mỗi lần nghe phụ huynh điện thoại hỏi thăm tình hình học tập của con em là tôi vui lắm. Ngại nhất là phụ huynh lơ là việc học của con cái, khoán trắng cho nhà trường. Cũng có nhiều em bố mẹ ly hôn phải sống với ông bà già yếu nên không được chăm chút. Nhờ làm chủ nhiệm mà tôi mới hiểu được những hoàn cảnh như thế để giúp đỡ các em. Mỗi ngày thấy các em lớn lên, ngoan hơn là tôi thấy hạnh phúc lắm…”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Sẽ “trống trải” nếu không làm chủ nhiệm
Đồng quan điểm với nhiều GV, ông Trình Quang Long, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thừa nhận rằng công việc của GV chủ nhiệm vất vả như chăm con mọn. Thế nhưng, nếu cuộc đời một người GV đến trường mà không nhiều hơn một lần làm chủ nhiệm thì nó trống trải, như thiếu đi một điều gì đó rất quý của nghề giáo.
 
 

Bình luận (0)