Sự việc một nam sinh lớp 4 Trường tiểu học Phước Thạnh, Q.9, TP.HCM, tử vong do ngạt nước trong chuyến tham quan công viên nước Đầm Sen vào ngày 9-1 đã khiến phụ huynh chúng tôi rúng động.
Thời điểm này được xem là mùa hoạt động ngoại khóa của ngành giáo dục.
Sau khi kết thúc học kỳ I, gần như trường nào cũng tổ chức cho học sinh đi tham quan chỗ này chỗ nọ.
Theo thông báo của các trường, đây là hoạt động trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp do Bộ GD-ĐT quy định.
Không chỉ THCS mà trường tiểu học rồi cả mầm non cũng cho học sinh đi tham quan ngoại khóa.
Dù sao, ý thức tổ chức kỷ luật của học sinh trung học vẫn còn đỡ, chứ học sinh mầm non, tiểu học đã không thể tự vệ, thiếu kỹ năng sống mà ý thức kỷ luật cũng rất kém (điển hình là các cháu thích chạy lung tung).
Các nhà quản lý hãy đi kiểm tra mà xem: trường mầm non, tiểu học cũng tổ chức cho học sinh đi tham quan liên tục (có trường tổ chức ba đợt/học kỳ), không cho con đi thì cô giáo không hài lòng, vặn vẹo rằng tại sao mẹ không cho bé đi, có các cô đi theo mà lo gì…
Vậy nên có lẽ nhiều phụ huynh khác cũng giống tôi: cho con đi tham quan ngoại khóa mà trong lòng lo ngay ngáy (không lo sao được khi thấy 40 bé 4 tuổi mà chỉ có hai cô giáo và một nhân viên ở công ty du lịch phụ trách).
Và để bớt lo thì tốt nhất là ba mẹ xin nghỉ phép đi theo để bảo vệ con mình. Anh bạn làm trong ngành truyền thông vừa kể trên Facebook của mình rằng có lần theo con đi công viên nước, anh phát hiện một bé chới với trong nước mà không ai thấy.
Tương tự, cô bạn tôi kể mới tuần trước cho hai con đi tham quan với trường mầm non, đến trưa thấy con mệt quá, cô vội vã tách đoàn kêu taxi cho ba mẹ con về nhà. Vậy mà hơn hai tiếng sau cô giáo mới phát hiện hớt hải gọi điện hỏi: mẹ có biết hai bé ở đâu không?
Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực khi học sinh được đi tham quan, được vui chơi với bạn bè cùng lớp cùng trường.
Nhưng trên hết, các trường phải có trách nhiệm với việc làm của mình.
Tổ chức cho học sinh đi chơi khác với việc tổ chức cho người lớn đi chơi, bởi chỉ một phút lơ là, thiếu trách nhiệm của người lớn rất có thể sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Thế nên việc chọn công ty du lịch nhất thiết phải là đơn vị có kinh nghiệm trong tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, hướng dẫn viên du lịch nhất thiết phải là người yêu trẻ, am hiểu tâm lý trẻ em, các thầy cô đi theo phải hiểu nhiệm vụ của mình là quản lý, hướng dẫn học sinh chứ không phải đi chơi.
Tôi có anh bạn là hiệu trưởng trường tiểu học ở TP.HCM bảo không phải ngẫu nhiên mà nhiều trường ồ ạt cho học sinh đi chơi.
Thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng có hoa hồng hết.
Mức “chi” phổ biến nhất hiện nay là 30% trên tổng số tiền thu được của học sinh (công ty du lịch chi hoa hồng cho trường).
Thế nên anh bảo có khi trong cùng một quận, cùng một địa điểm tham quan, cùng một công ty du lịch nhưng có trường thu 300.000 đồng/học sinh, có trường chỉ thu 270.000 đồng/học sinh (với điều kiện nhà trường không nhận hoặc nhận hoa hồng ít).
Rồi đây người ta sẽ có kết luận về vụ việc ở Trường tiểu học Phước Thạnh, quận 9. Nhưng dù cho người lớn có bị buộc tội gì đi chăng nữa thì đứa trẻ – báu vật của cha mẹ – cũng không còn trên đời này nữa.
Là một người mẹ, tôi khẩn thiết mong ngành giáo dục hãy mau chóng ban hành quy chế, quy trình về việc tham quan, dã ngoại của học sinh các cấp học, ngành học. Đừng để các trường hợp đau lòng tiếp tục xảy ra…
Bà Lê Thúy Hòa (hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thái Bình, TP.HCM):
Cần chặt chẽ và khoa học
Theo tôi, có ba yếu tố để giảm tai nạn, rủi ro khi đưa học sinh đi tham quan. Thứ nhất, cần dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Ví dụ, cần dạy bơi cho học sinh để đa số học sinh đều biết bơi, dạy kỹ năng bảo vệ và tự bảo vệ cho học sinh, thấy nguy hiểm thì biết tránh, không may gặp phải nguy hiểm thì biết chủ động xử lý tình huống chứ không bị động.
Yếu tố thứ hai là phải rèn luyện cho học sinh có tính kỷ luật cao. Yếu tố cuối cùng nhưng rất quan trọng là công tác tổ chức, quản lý các chuyến ngoại khóa của nhà trường. Giáo viên đi theo phải hiểu là để giám sát học sinh chứ không phải đi chơi.
Trong quá trình đi ngoại khóa cũng cần có những quyết định linh hoạt. Như có lần trường chúng tôi đi Ninh Chữ, dự định cho các em đi tham quan vịnh nổi tiếng nhưng bữa đó gió hơi to, tôi quyết định ngưng ngay.
Có lần đi Đà Nẵng, các thầy cô đã chuẩn bị nhiều hoạt động tập thể trên bãi biển, nhưng bữa đó trời lạnh lại có mưa phùn, tôi quyết định không cho học sinh chơi ngoài bãi biển để tránh trường hợp có em bị cảm lạnh. Cả vấn đề ăn uống cũng phải giám sát kỹ, các món ăn tôi phải nếm trước, phải vào xem bếp nấu ra sao…
Ông Cao Huy Thảo (hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt – Úc, TP.HCM): Không thể giao khoán hết cho công ty du lịch
Vấn đề quan trọng theo tôi chính là công tác tổ chức của nhà trường.
Trước hết, nhà trường phải lựa chọn công ty du lịch có uy tín, có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Mặc dù vậy nhưng không thể giao khoán hết cho họ mà giáo viên phải đi theo bởi nhiều em học sinh chỉ nghe lời thầy cô của mình.
Học sinh THCS có một đặc điểm là hay chạy lung tung, ý thức tổ chức kỷ luật không cao bằng học sinh THPT.
Riêng học sinh THPT lại nảy sinh vấn đề khác (ví dụ ban đêm giáo viên phải canh chừng các em để phòng tránh tình trạng trốn trại, ra khỏi phòng…).
Vì vậy, khi đưa các em ra khỏi trường không nên cho đi số lượng nhiều mà tối đa chỉ 100 học sinh. Cứ mỗi xe có 40 học sinh thì bắt buộc phải có năm giáo viên, chưa kể đội ngũ nhân viên của công ty du lịch.
Khi cho các em tắm biển, trường chúng tôi phải đề nghị các nhân viên của công ty du lịch đứng làm hàng rào, học sinh chỉ được tắm trong vòng bảo vệ đó. Các giáo viên cũng phải xuống tắm cùng học sinh, em nào vượt ra khỏi ranh giới là bị nhắc nhở ngay.
H.HG. ghi
|
BÌNH AN (TP.HCM)
TTO
Bình luận (0)